Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng vào cơ chế mới

Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng vào cơ chế mới
6 giờ trướcBài gốc
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: ST
Khối nợ triệu tỷ đồng và khoảng trống pháp lý
Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng quy mô nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10% GDP. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến đầu năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD ở mức 4,3%, tập trung chủ yếu tại một số ngân hàng yếu kém, đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt.
Báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ xấu nội bảng từ các khoản cho vay khách hàng đã tăng thêm hơn 37.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16% so với cuối năm 2024. Quy mô nợ xấu nội bảng đã chạm mốc trên 265.000 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu lên 2,16%. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng nhẹ 7.000 tỷ đồng, chấm dứt xu hướng giảm kéo dài suốt ba quý trước đó.
Theo Kiểm toán nhà nước, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD cơ bản đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu; có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nếu giả định phần lớn nợ xấu mới phát sinh trong quý I đến từ việc chuyển nhóm nợ, quy mô nợ nhóm 2 có thể đã tăng thêm khoảng 70.000 tỷ đồng, tương đương 0,6% tổng dư nợ nhóm 1 cuối năm trước. Diễn biến này cho thấy nguy cơ nợ xấu tiếp tục leo thang trong quý II là khá rõ ràng nếu các khoản nợ nhóm 2 không được xử lý kịp thời.
Các chuyên gia cảnh báo, nợ xấu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản ngân hàng, làm suy giảm khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là xuất phát từ tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, thiệt hại do bão Yagi, kết thúc chính sách giãn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và đặc biệt là khoảng trống pháp lý sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 đã từng tạo bước đột phá trong xử lý nợ xấu, giúp tỷ lệ thu hồi nợ cải thiện đáng kể. Theo nghiên cứu của Công ty Xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, khi Nghị quyết này còn hiệu lực, quy mô nợ xấu được xử lý hằng tháng tăng 65%, tỷ lệ khách hàng tự trả nợ trên tổng nợ xấu nội bảng tăng từ 23% lên 36%. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hoạt động xử lý nợ của các TCTD trở nên khó khăn hơn, chủ yếu phải dựa vào thiện chí của khách hàng hoặc trải qua thủ tục tố tụng kéo dài, gây tốn kém nguồn lực.
Tạo cơ chế thúc đẩy xử lý nợ xấu
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã bổ sung 3 điều khoản quan trọng từng được quy định trong Nghị quyết 42, gồm: Điều 198a (về quyền thu giữ TSBĐ), Điều 198b (về kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang là TSBĐ của khoản nợ xấu) và Điều 198c (về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự). Việc luật hóa các nội dung này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho việc thu hồi nợ.
Tổng quy mô nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect, việc luật hóa các quy định từng nằm trong Nghị quyết 42 sẽ giúp tỷ lệ xử lý nợ xấu cải thiện đáng kể ngay từ năm đầu triển khai, nhất là đối với các khoản nợ có TSBĐ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nhấn mạnh, việc khôi phục quyền thu giữ TSBĐ không chỉ là cơ chế xử lý nợ hiệu quả mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trả nợ của khách hàng vay vốn. Khi biết rằng ngân hàng có quyền thu giữ TSBĐ, người vay sẽ cân nhắc kỹ hơn và chủ động hợp tác trả nợ, tránh tình trạng chây ỳ, né tránh nghĩa vụ tài chính.
Các chuyên gia của VIS Rating lạc quan rằng, việc khôi phục quyền thu giữ TSBĐ sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời, đặc biệt với các ngân hàng có mảng bán lẻ mạnh và hạn chế cho vay trong phân khúc đầu cơ.
Ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - nhận định, quyền thu giữ TSBĐ là một bước tiến lớn trong bảo vệ quyền lợi của các TCTD, tuy nhiên cũng cần đi kèm cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt. Việc ngân hàng được quyền thu giữ không có nghĩa là được tùy tiện áp dụng mà cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật và quy trình nội bộ minh bạch.
Để tránh nguy cơ lạm dụng hoặc nới lỏng quy trình tín dụng, Luật sửa đổi đã quy định cụ thể các điều kiện để TCTD, tổ chức xử lý nợ được phép thu giữ TSBĐ. Theo đó, quyền thu giữ chỉ được thực hiện khi: (i) việc thu giữ được quy định trong Bộ luật Dân sự; (ii) hợp đồng bảo đảm có điều khoản rõ ràng cho phép bên nhận bảo đảm thu giữ TSBĐ; (iii) tài sản không liên quan đến tranh chấp đang được tòa án thụ lý, không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iv) không thuộc diện bị tạm đình chỉ xử lý theo luật phá sản, và (v) đáp ứng các điều kiện pháp luật liên quan khác nếu có.
Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhiều ngân hàng hiện đang tích cực xây dựng, hoàn thiện quy trình nội bộ liên quan đến việc thu giữ TSBĐ. cùng với đó, các ngân hàng cũng lên danh sách những khoản nợ ưu tiên xử lý theo cơ chế mới nhằm đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ, đảm bảo an toàn và lành mạnh cho hệ thống tín dụng quốc gia.
Việc luật hóa quyền thu giữ TSBĐ không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật pháp lý mà còn thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và ngành ngân hàng trong việc tạo lập môi trường tài chính an toàn, minh bạch. Nếu được triển khai nghiêm túc và đồng bộ, đây sẽ là công cụ hữu hiệu giúp xử lý hiệu quả nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới./.
THÀNH ĐỨC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/xu-ly-no-xau-ky-vong-vao-co-che-moi-41511.html