Lãnh đạo Báo Thái Nguyên thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Ruẩn, ở xã Bình Thành (Định Hóa).
Lặng thầm nỗi đau
“Mẹ ơi, các con nuôi về thăm mẹ này” … Như một thói quen, cô Bùi Thị Chín, người con út của Mẹ Trần Thị Ruẩn reo mừng đón chúng tôi mỗi lần về thăm gia đình ở xã Bình Thành (Định Hóa). Mẹ Ruẩn năm nay đã tròn 100 tuổi, sức yếu, trí nhớ cũng không còn trọn vẹn, nhưng chỉ cần nghe “các con về” là Mẹ lại rưng rưng xúc động, hướng đôi tay lần tìm “những đứa con xa”.
Cũng như nhiều phụ nữ trên mảnh đất Thái Nguyên anh hùng, sinh ra, lớn lên, cô thôn nữ Trần Thị Ruẩn làm nghề nông bám đất, bám ruộng mà sinh sống. Lớn lên, cô gái Trần Thị Ruẩn kết duyên cùng anh lính Bùi Văn Sình và lần lượt sinh được 9 người con.
Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ khốc liệt, người con trai cả của Mẹ là anh Bùi Văn Ta xung phong ra trận, chiến đấu ở nhiều mặt trận trên chiến trường miền Nam. Tiếp bước truyền thống của gia đình, người con trai thứ 5 là anh Bùi Văn Thắng cũng tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lúc tròn 22 tuổi.
Thế rồi chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 1972-1979), Mẹ nhận liên tục giấy báo tử của 2 người con trai. Mỗi lần nhắc đến các anh, mẹ Ruẩn rất đỗi tự hào: Các con của Mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi mới tuổi đôi mươi.
Tuy các anh không ở bên chăm sóc, nhưng Mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con lối xóm, của thế hệ trẻ hôm nay, đó là niềm vui lớn nhất với Mẹ. - Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Ruẩn
Với niềm thương yêu, kính trọng Mẹ, từ năm 2014, được sự đồng ý của các cấp ngành, địa phương và gia đình Mẹ Trần Thị Ruẩn, Báo Thái Nguyên nhận phụng dưỡng Mẹ đến cuối đời. Hằng năm, ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí để chăm sóc, bồi dưỡng cho Mẹ Ruẩn, cán bộ, nhân viên, người lao động trong Tòa soạn Báo Thái Nguyên thường xuyên thăm hỏi Mẹ vào dịp lễ, Tết và hỗ trợ gia đình chăm sóc Mẹ những lúc ốm đau...
“Các anh không trở về nữa, nhưng Mẹ vẫn còn có chúng con. Chúng con sẽ thay các anh làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của một người con đối với Mẹ”. Đó là lời hứa từ trái tim của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Báo Thái Nguyên với Mẹ.
Sưởi ấm lòng mẹ
Thái Nguyên - vùng đất anh hùng, là nơi vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm An toàn khu cách mạng, trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị May, ở xã Bình Thành (Định Hóa), thường xuyên được các cấp, ngành, chính quyền địa phương thăm hỏi.
Trải qua bao cuộc binh đao, khói lửa, hàng vạn người con ưu tú của Thái Nguyên đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc… Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mất đi những người thân yêu chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm thức của những người vợ, người mẹ có chồng, con hy sinh ngoài mặt trận.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch trân trọng ghi nhớ: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam - Bắc đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng cả nước ta”. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 584 mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng đến nay chỉ có 13 Mẹ còn sống.
Khắc ghi lời dạy của Người, từ năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đã phát động phong trào phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, chăm lo đời sống các Mẹ bằng nhiều việc làm cụ thể; đồng thời tích cực giúp đỡ thân nhân các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất. Qua đó, làm tròn trách nhiệm thiêng liêng của những người đang sống đối với những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, Bí thư Chi đoàn Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh: Từ đầu năm 2015, đơn vị chúng tôi vinh dự được nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Viết, ở tổ dân phố 26, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). Mẹ có 2 người con trai là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Văn Diện đã dũng cảm hy sinh xương máu cho Tổ quốc mình. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn và sẽ luôn ở bên, tiếp thêm động lực để Mẹ sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Thời gian qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh Thái Nguyên luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Việc nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn được xem là một nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa nhân văn, đó không chỉ là chăm lo vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm bằng cả tấm lòng.
Những tình cảm chân thành xuất phát từ sự biết ơn sâu sắc đó đã góp một phần nhỏ để các mẹ sống vui hơn, sống khỏe hơn, sống thọ hơn, thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới, phát triển. Tên tuổi của các Mẹ mãi mãi được Tổ quốc khắc ghi, là niềm tự hào của dân tộc nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên nói riêng…
Bảo Trân