Người chiến sĩ Tiểu đoàn 307 sắt son nhớ lời Bác dạy

Người chiến sĩ Tiểu đoàn 307 sắt son nhớ lời Bác dạy
11 giờ trướcBài gốc
Ông Ngô Thận Trọng (Sáu Trọng), chiến sĩ Tiểu đoàn 307 giới thiệu cho phóng viên TTXVN về những trang sách viết về những trận đánh Mộc Hóa, La Bang, Tháp Mười,.. của Tiểu đoàn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Ông Ngô Thận Trọng (Sáu Trọng), người chiến sĩ Tiểu đoàn 307 - tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vẫn nhớ như in những trận đánh Mộc Hóa, La Bang, Tháp Mười, những lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "nguyện một lòng gìn giữ non sông" trong "buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy".
16 tuổi "xuất quân" đi đánh trận
Trong căn nhà đơn sơ ở phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, ở tuổi 92, người chiến sĩ Tiểu đoàn 307 năm xưa vẫn giữ được phong thái oai hùng, rắn rỏi, kể cho chúng tôi nghe những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 307 anh hùng. Với ông, ký ức về những ngày đầu tham gia kháng chiến vẫn còn mới nguyên trong tâm thức.
Tìm hiểu về cuộc đời của ông, chúng tôi vô cùng khâm phục ý chí sắt đá và lòng căm thù giặc sâu sắc của ông. Ông Sáu Trọng sinh năm 1932, quê ở huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam, Bến Tre). Năm 14 tuổi, ông thoát ly gia đình về vùng Đồng Tháp Mười làm giao liên cho tình báo Khu 8. Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta chuyển từ phòng ngự sang tiến công, lãnh đạo Khu 8 thấy cần có nắm đấm đủ mạnh để tiêu diệt cấp đại đội, tiểu đoàn địch, nên đã thành lập Tiểu đoàn 307 - tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8 và cả Nam Bộ.
Lúc ấy, dù mới 16 tuổi, người lính tình báo Ngô Thận Trọng được điều động về làm cán bộ khung của Tiểu đoàn mới thành lập. Ông Trọng nhớ lại, vì vùng Đồng Tháp Mười đang mùa nước nổi mênh mông, nên sau khi thành lập, Tiểu đoàn 307 phải chuyển quân về Bến Tre để "rèn quân" và bổ sung lực lượng trước khi chính thức "xuất quân" đi đánh trận. Suốt 2 tháng trời, các chiến sĩ được học tập chính trị, kỷ luật quân đội, huấn luyện kỹ năng chiến đấu, chiến thuật tấn công và chống địch càn quét ở cấp tiểu đoàn, diệt đồn bót cấp trung đội, đại đội địch…
Ông Sáu nhớ như in, sáng ngày 5/7/1948, gần 1.000 chiến sĩ Tiểu đoàn 307 với tuổi đời còn rất trẻ (người lớn tuổi nhất cũng chỉ khoảng 23 - 25 tuổi và ông lúc đó mới 16 tuổi) trang bị vũ khí thô sơ, quần áo có cái nào mặc cái ấy, không có quân trang, đồng phục gì hết, làm lễ xuất quân. Tại lễ xuất quân, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ đọc những lời thề: "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "người chiến sĩ tiếc gì máu rơi", "nguyện một lòng gìn giữ non sông" và các chiến sĩ hô theo.
Sau lễ xuất quân, ông Sáu Trọng cùng đồng đội vượt sông Hàm Luông, sông Tiền về vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị cho trận đánh "mở màn". Lúc ấy, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) có vị trí chiến lược vì là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, nối liền với chiến trường Campuchia chống kẻ thù chung, là hành lang kết nối với Khu 7 và Khu 9. Nếu làm chủ Mộc Hóa, căn cứ Đồng Tháp Mười (nơi đặt căn cứ của Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Khu 8) sẽ vững mạnh lên nhiều, làm thay đổi cục diện chiến trường. Nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó được giao cho Tiểu đoàn 307 (làm chủ công) phối hợp với một số đơn vị bạn.
Ông Sáu Trọng được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình từ trong lòng địch. Nhận nhiệm vụ, ông đã vượt qua mấy lớp kẽm gai vào tận đồn Mộc Hóa vẽ sơ đồ cho trận đánh. Sau 2 ngày nổ súng tấn công đồn Mộc Hóa, ngày 18/8/1948, Tiểu đoàn 307 chiếm được đồn, tiêu diệt tiểu đoàn địch với khoảng 300 quân, bắt 6 tù binh, thu trên 300 súng, trong đó có cối 60 ly, trung liên, đại liên, là "hàng hiếm" thời bấy giờ. Huyện Mộc Hóa hoàn toàn giải phóng, căn cứ Đồng Tháp Mười được mở rộng, nối thông với Khu 7 và Khu 9, kết nối chiến trường Việt Nam và Campuchia. Với chiến thắng trận Mộc Hóa, Tiểu đoàn 307 đã có bước khởi đầu rất ấn tượng, tạo đà cho Tiểu đoàn 307 anh hùng lẫy lừng về sau.
Ông Sáu Trọng nhẩm tính, từ ngày xuất quân cho tới khi kết thúc cuộc chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 307 đã chiến đấu trên 110 trận lớn nhỏ. Trong đó có 3 trận đánh nổi tiếng là: trận Mộc Hóa ở Long An, trận La Bang ở Trà Vinh và trận Tháp Mười ở Đồng Tháp.
Nhớ như in lời Bác dặn
Ông Ngô Thận Trọng được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Sau những trận thắng vang dội, năm 1953, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 7/1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Trên đất Bắc, ông đã học bổ túc hết bậc trung học. Năm 1960, ông cùng nhiều đồng đội khẩn thiết xin trở về Nam chiến đấu giải phóng quê hương nhưng không được. Năm 1961, ông thi vào Đại học Bách khoa chuyên ngành xây dựng.
Trong những ngày trên đất Bắc, ông vinh dự được gặp Bác Hồ vài lần, trong đó có một lần được ôm Bác. "Đó là một ngày vào mùng 2 Tết năm 1958, khi Bác Hồ đến thăm chính khách nước ngoài tại nhà khách của Ban Đối ngoại Trung ương. Tại đây, ông đã được Bác trực tiếp dặn dò: "Cháu ra ngoài này, được Đảng và Nhà nước chăm lo ăn học, các cháu phải học cho thật giỏi để về góp phần giải phóng miền Nam, xây dựng miền Nam", ông Sáu nhớ lại.
Nhớ lời Bác dặn, ông Sáu chăm chỉ học tập. Sau khi tốt nghiệp, năm 1975, ông được điều sang Ban Thống nhất Trung ương, vượt Trường Sơn về Nam bằng cách tự lái chiếc xe Uoat. Trưa ngày 30/4/1975, ông lái chiếc Uoat theo Quốc lộ 13 từ Lộc Ninh về tiếp quản Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Tháng 9/1979, một lần nữa ông lên đường sang biên giới Tây Nam với nhiệm vụ là Phó trưởng đoàn chuyên gia sang Campuchia giúp đỡ bạn rồi làm Quyền trưởng đoàn. Đến 1985, ông về Bến Tre làm Giám đốc Sở Thủy lợi để xây dựng quê hương.
Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Huân chương chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Chiến công hạng III, Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Chiến thắng hạng III, Huân chương Lao động hạng II...
Trao truyền thế hệ trẻ
Ông Ngô Thận Trọng (Sáu Trọng), chiến sĩ Tiểu đoàn 307 ôn lại các trận đánh Mộc Hóa, La Bang, Tháp Mười,.. của Tiểu đoàn qua những trang sách. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Khoảng 1.000 người có mặt trong "buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy" đến giờ ở Bến Tre chỉ còn lại mình ông. Ở tuổi xưa nay hiếm, những lời Bác Hồ căn dặn, những lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "nguyện một lòng gìn giữ non sông" cùng những câu hát hào hùng về Tiểu đoàn 307 đã theo ông qua từng trận đánh, từng chiến trường vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người lính, người đảng viên cao niên ấy với niềm tin sắt son một lòng vì Đảng, vì nhân dân.
Ông Sáu Trọng chia sẻ, đôi lần ông trở về nơi lưu dấu bước chân của Tiểu đoàn 307 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền. Ông vui vì nơi xuất quân ngày nào đã được dựng bia lưu niệm và công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2018. Đặc biệt hơn là, tại nơi ấy được các đoàn viên, thanh niên chăm sóc, quét dọn như một cách để tưởng nhớ, tri ân công lao anh hùng, liệt sỹ đã "vào sinh ra tử" vì non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui.
Người lính Tiểu đoàn 307 năm xưa chia sẻ: Mỗi con người, mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Ngày nay, trọng trách bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển đặt lên vai thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, thế hệ hôm nay cần cố gắng phấn đấu trong học tập, làm việc, ra sức gìn giữ cho được thành quả cách mạng, đồng thời tận dụng thời cơ, tiến quân vào khoa học công nghệ để đưa nước ta phát triển lên một tầm cao mới, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xứng đáng với truyền thống anh hùng và công lao to lớn, cũng như sự tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ đi trước.
Theo Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) Nguyễn Thị Ngọc Hà, địa phương rất tự hào là nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 vào ngày 5/7/1948. Ngay sau lễ xuất quân "với dạ sắt gan vàng tiến lên lòng son chẳng nan", Tiểu đoàn 307 đã đánh nhiều trận và liên tục lập nên nhiều chiến công vang dội, khiến "bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi". Những chiến tích oai hùng của Tiểu đoàn, những hy sinh xương máu cha ông trong sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược cứu nước mãi mãi khắc ghi vào tâm khảm của mỗi người Việt Nam và ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
Chương Đài - Phúc Hậu (TTXVN)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/nguoi-chien-si-tieu-doan-307-sat-son-nho-loi-bac-day/357630.html