Về Cao Bằng nhớ Bác

Về Cao Bằng nhớ Bác
12 giờ trướcBài gốc
Dấu ấn Bác Hồ nơi núi rừng Pác Bó
Trong tưởng tượng của chúng tôi, đường đến Pác Pó, Cao Bằng sẽ vô cùng khó khăn, hiểm trở nên ai cũng lo lắng chuẩn bị tinh thần vượt đèo sâu, cua gấp. Thế nhưng, suy nghĩ ấy biến mất trong chốc lát khi chúng tôi mải ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của mây trời, vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ với những bản làng ẩn hiện trong sương mù tuyệt đẹp, nên thơ, gợi lên trong tôi một hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến.
Chị Hồng Xiêm và chị Thanh Thúy, đồng nghiệp Báo Cao Bằng đón và đưa chúng tôi đến tham quan, ghi hình phim tài liệu tại Khu di tích đặc biệt Pác Bó, nơi gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước. Năm 1941, Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam đã chọn Pác Bó, Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Ấn tượng trong tôi là những hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc sống giản dị nhưng đầy ý chí của Bác Hồ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Từ hòn đá Bác Hồ ngồi câu cá hay chiếc bàn đá chông chênh, nơi Bác từng ngồi dịch “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”; nhà ông Lý Quốc Súng - nơi Bác và các đồng chí cách mạng từng ở những ngày đầu tiên khi về nước; hang Cốc Bó - nơi Bác Hồ từng sống và làm việc; lán Khuổi Nặm - nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, nơi Bác đặt những bước chân đầu tiên trở về nước. Tất cả đã gợi lên trong tôi tâm hồn thanh cao và con người vĩ đại mà giản dị của Bác Hồ kính yêu.
Bàn đá chông chênh, nơi Bác từng ngồi dịch “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” để làm tài liệu huấn luyện đảng viên
Một số tài liệu Bác Hồ dùng để tuyên truyền cách mạng trong thời gian ở Pác Bó
Đường lên cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung nơi Bác đặt những bước chân đầu tiên trở về nước
Chiếc vali mây Bác Hồ dùng để đựng hành lý khi về Pác Bó ngày 28-1-1941
Máy đánh chữ Bác Hồ mang theo về nước ngày 28-1-1941
Dẫn chúng tôi đi bộ và leo lên những bậc đá tam cấp một đoạn đường khá dài, chị Trần Thu Hà, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó đưa chúng tôi đến hang Cốc Bó, nơi nghỉ ngơi, làm việc của Bác Hồ. Đứng trước hang Cốc Bó, chúng tôi xúc động và cảm phục trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác trong những tháng ngày lãnh đạo cách mạng ở nơi núi rừng Pác Bó. Hang đá sâu thẳm, nhỏ hẹp chỉ vừa 1 người đi. Bên trong hang địa hình mấp mô, ẩm thấp. Qua lời kể của hướng dẫn viên Trần Thu Hà thì nơi đây Bác và các cán bộ cách mạng từng ngồi làm việc và dịch các tài liệu quan trọng. Cách cửa hang khoảng 10m là bếp sưởi. Thời điểm Bác về đây, thời tiết vùng cao núi đá chuyển sang rét buốt. Trong hang không có chăn, chiếu, Bác và các cán bộ cách mạng không ngủ được nên dậy đốt lửa vừa để sưởi ấm vừa đọc, nghiên cứu tài liệu. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất, ấy vậy mà Bác vẫn luôn lạc quan cách mạng ắt thành công. Chính tại nơi hang cùng suối thẳm ấy, Bác vẽ nên một khung cảnh đầy thi vị trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”:
“Sớm ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Đoàn công tác BPTV chụp hình trước đường vào hang Cốc Bó
Hang Cốc Bó
Bếp lửa trong hang Cốc Bó, Bác Hồ và các cán bộ cách mạng sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh
Đến suối Lênin, mặt nước trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ, những đàn cá tung tăng bơi lội, những hòn sỏi cuội rêu xanh thật bình yên và êm ả, trong tôi hiện lên hình ảnh Bác Hồ câu cá và suy nghĩ về vận mệnh dân tộc.
Trước bức tranh “sơn thủy hữu tình”, không kìm được cảm xúc, chị Nguyễn Thị Huyền Thư ở quận Đống Đa, Hà Nội cao hứng ngân vang bài thơ “Pác Bó hùng vĩ” của Bác:
“Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Chị Thư chia sẻ: “Đến Pác Bó, tôi vô cùng xúc động, cảm phục, ngưỡng mộ trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác Hồ trong những tháng ngày làm cách mạng nơi núi rừng Pác Bó. Nơi đây quá cam go và gian khổ, chỉ có Bác Hồ và những người yêu nước chân chính mới vượt qua nỗi vất vả khổ cực này. Về thăm Pác Bó, tôi như thấy hình bóng Bác quanh đây, tôi càng thấy tự hào, biết ơn và yêu Bác vô cùng”.
Nghe xong mấy câu thơ và chia sẻ của chị trong khung cảnh mênh mông kỳ vĩ của Pác Bó và qua tư liệu lịch sử cũng như lời kể của hướng dẫn viên khu di tích, chúng tôi càng cảm nhận và thấu hiểu hơn vì sao Bác Hồ lại đặt tên là suối Lênin, núi Các Mác. Bởi theo Người, tư tưởng của Mác cao ngất như ngọn núi, tư tưởng của Lênin như suối nguồn, đó là tư tưởng tiến bộ của loài người, là chân lý cách mạng. Từ lý luận khoa học đó sẽ tạo ra ý chí và hành động cách mạng cho Đảng ta, cho nhân dân ta. Người tin tưởng như thế và Người đã xây dựng lên, truyền cả niềm tin ấy vào các đồng chí của mình, vào quần chúng nhân dân mình.
Suối Lênin, núi Các Mác
Dẫn chúng tôi đến lán Khuổi Nặm, hướng dẫn viên Trần Thu Hà kể: Chính trong căn lán nhỏ bé đơn sơ này đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị do Bác Hồ, lúc này mang tên Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì. Hội nghị diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, đề ra nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là giải phóng dân tộc.
Cũng chính tại lán Khuổi Nặm, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, một tờ báo tiếng Việt do Bác Hồ sáng lập trong buổi đầu Người về nước, cùng Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.
Báo Việt Nam độc lập ra số đầu tiên đúng vào ngày 1-8-1941. Tính từ đó cho đến số cuối cùng ra ngày 20-8-1945, báo ra được 126 số, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Lán Khuổi Nặm, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng và là nơi Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập
Sưu tập Báo Việt Nam độc lập - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh
Đặc biệt, đến với Đền thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hình ảnh, những hiện vật đã tái hiện lại hình ảnh đồng bào và núi rừng Cao Bằng đã che chở, bảo vệ Bác cũng như tình cảm với Bác, như thấy Bác vẫn còn đang sống với đồng bào, đồng chí mình.
Trong đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó còn chạm khắc bốn câu thơ của Bác khi Người trở lại thăm Pác Bó ngày 20-2-1961:
“Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay…”
Đoàn công tác BPTV chụp hình tại Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
Giám đốc - Tổng Biên tập BPTV Nguyễn Thị Minh Nhâm ghi cảm tưởng tại Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
Bác Hồ trực tiếp ra trận chỉ đạo chiến dịch
Đến thăm Khu di tích lịch sử chiến dịch Biên giới 1950 ở xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, nơi gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới năm 1950, những hình ảnh, những hiện vật nơi đây ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan sát và chỉ đạo trận đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới 1950 đã làm chúng tôi vô cùng xúc động.
Theo lời kể của hướng dẫn viên khu di tích Nông Minh Thị, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Hình ảnh “Bác Hồ ra trận” thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng quân thù cao nhất của Đảng và nhân dân ta, là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn, lan truyền đến toàn thể quân và dân ta, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch. Khắp các mặt trận, quân và dân ta nô nức “thi đua giết giặc lập công”, phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan sát và chỉ đạo trận đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới 1950
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi chiến dịch
Chiến dịch Biên giới năm 1950 diễn ra từ ngày 16-9 đến 14-10-1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ đạo chiến dịch; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Sau gần 1 tháng, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi với việc ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh vượt bậc của quân đội ta, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Từ đó góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn công tác BPTV chụp hình tại Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tròn 50 năm đất nước trọn niềm vui, về thăm Cao Bằng, nơi cội nguồn cách mạng, chúng ta càng nhớ và biết ơn Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bác đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; Người khơi nguồn dòng thác cách mạng, mở ra thời đại Hồ Chí Minh để trong muôn triệu trái tim Việt Nam luôn có Bác thắp sáng niềm tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thanh Nhàn
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172836/ve-cao-bang-nho-bac