Bức ảnh "Cơ sở sản xuất BYD số 1" của Edward Burtynsky được chụp tại một trong những nhà máy của hãng xe hơi khổng lồ BYD tại Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CNN
Miêu tả những hàng dài tít tắp công nhân mặc đồng phục, những bức ảnh mang tính biểu tượng của Edward Burtynsky về các nhà máy Trung Quốc vào giữa những năm 2000 đã nói lên sức mạnh lao động dường như vô tận của con người đằng sau phép màu kinh tế của Trung Quốc.
Nhưng chỉ hai thập kỷ sau, những bức ảnh bên trong một nhà máy sản xuất ô tô điện gần Thượng Hải của chính Burtynsky cho thấy hiện tượng ngược lại: con người hoàn toàn biến mất.
“Đây là một nhà máy do con người xây dựng nhưng lại do robot điều hành” - nhiếp ảnh gia người Canada, Burtynsky nói về cơ sở sản xuất ô tô điện thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc BYD - “Tôi nghĩ đây là điềm báo về tương lai của chúng ta”.
BYD đang đi đầu trong một cuộc cách mạng công nghệ. Năm ngoái, doanh thu hàng năm của công ty đã lần đầu tiên vượt qua đối thủ Tesla của Mỹ khi giao 4,27 triệu xe. Thành công của họ một phần là nhờ giá cả: Mẫu xe cơ bản của BYD, Seagull, có giá khởi điểm khoảng 10.000 USD tại Trung Quốc, chưa bằng 1/3 so với mức giá 32.000 USD mà Tesla tính cho mẫu xe rẻ nhất của hãng, Model 3. Và mức giá phải chăng này một phần là nhờ vào quy trình sản xuất tự động hóa cao.
Năm 2023, nhiếp ảnh gia Burtynsky được trao quyền tiếp cận hiếm hoi vào một nhà máy của BYD tại Thường Châu, một thành phố cách Thượng Hải khoảng hai giờ lái xe.
Burtynsky cho biết người khổng lồ ô tô này "rất nhạy cảm" về những gì ông được phép ghi lại. Nhưng ông tin rằng mình là nhiếp ảnh gia độc lập đầu tiên được phép vào một trong những nhà máy của công ty.
"Con người thực sự chỉ ở đó để bảo trì robot và giữ cho các chương trình chạy sạch", ông nói về cơ sở bí mật này, ám chỉ cái gọi là "nhà máy tối", nơi không có công nhân là con người nên hoạt động mà không cần đèn. "Tất nhiên, các tập đoàn muốn điều đó. Không có công đoàn, không có tiền lương khi ốm và miễn là có điện cung cấp cho các máy móc, chúng có thể làm việc 24/7", Burtynsky nói.
Toàn cầu hóa mới
Bức ảnh "Cơ sở sản xuất BYD số 2" do nhiếp ảnh gia Burtynsky chụp bên trong nhà máy của BYD tại Thương Châu. Ảnh: CNN
Bức ảnh nổi bật trong chuyến thăm của Burtynsky, có tiêu đề đơn giản là "Cơ sở sản xuất BYD số 2", cũng vẽ nên một bức tranh phức tạp khác - không chỉ về sự thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc mà còn về những hiệu ứng lan tỏa đang được cảm nhận trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động trên toàn thế giới.
"Nhân vật trung tâm" của hình ảnh là một chiếc xe chưa hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất. Các cột và dầm xung quanh nó lặp lại và lùi dần đến khi biến mất, tạo nên sự đối xứng.
Theo một nghĩa nào đó, bức ảnh là chương cuối cùng trong một câu chuyện diễn ra cách xa hàng nghìn dặm.
Bức ảnh bên trong một nhà máy may mặc ở Hawassa, Ethiopia do Burtynsky chụp, nằm trong bộ ảnh "Trung Quốc ở châu Phi". Ảnh: CNN
Bức ảnh trên là một phần của bộ ảnh có tên là "Trung Quốc ở Châu Phi", khám phá những gì Burtynsky coi là "giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa". Hiện đang được trưng bày tại Flowers Gallery ở Hong Kong, bộ ảnh của Burtynsky đã tạo ra sự tương phản giữa nhà máy sạch sẽ của BYD với các đường ray xe lửa, nhà kho và nhà máy may mặc do Trung Quốc sở hữu ở các nước châu Phi bao gồm cả Ethiopia. Chúng mô tả điều mà nhiếp ảnh gia người Canada gọi là "sự tích hợp theo chiều dọc hoàn chỉnh, từ chuỗi cung ứng đến thành phẩm" của Trung Quốc.
Nói cách khác, lực lượng lao động thủ công mà ông từng chứng kiến hồi giữa những năm 2000 không biến mất, mà đã được chuyển ra nước ngoài. Và BYD, hãng được cho là đã mua lại các mỏ lithium (phục vụ sản xuất pin) và quyền khai thác khoáng sản ở các nước như Brazil, theo ông, chính là hình mẫu tiêu biểu cho mô hình này.
“Họ về cơ bản đã kiểm soát trọn vẹn chuỗi cung ứng của mình”, ông Burtynsky nhận định.
Những bức ảnh "lạnh lùng"
Burtynsky nổi tiếng với những bức ảnh chụp từ trên cao các vùng cảnh quan hùng vĩ bị tàn phá bởi nông nghiệp và công nghiệp, từ các mỏ đồng cho đến ruộng muối. Dù tác phẩm thường phản ánh sự khai thác thái quá của con người, ông vẫn cho rằng các bức ảnh của mình là “khá trung lập.”
“Tôi thực hiện chúng với một thẩm mỹ có phần lạnh lùng, khách quan”, ông nói về phong cách nhiếp ảnh của mình. “Tôi không cố dẫn dắt người xem theo hướng ‘đây là điều xấu’ hay ‘đây là điều tốt’. Tôi không muốn thao túng bạn.”
Cách ông khắc họa hoạt động của BYD và tự động hóa nói chung thậm chí còn mang tính nghịch lý hơn. Dù việc sản xuất ô tô tiêu tốn nhiều tài nguyên, nhưng xe điện lại có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, biến các nhà máy đó thành biểu tượng của phục hồi môi trường, chứ không phải sự tàn phá.
Những thế giới cơ giới khép kín trong các bức ảnh nhà máy của ông cũng khác biệt với các bức ảnh phong cảnh thiên nhiên quy mô lớn. Nhưng điểm xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp nhiếp ảnh của Burtynsky là nỗ lực khơi dậy cảm giác ngỡ ngàng.
“Tôi luôn cố gắng hướng ống kính của mình vào những thế giới mà chúng ta không thật sự quen thuộc, những nơi có thể kích thích một cái nhìn kỹ lưỡng hơn, điều mà những bức ảnh khổ lớn có thể mang lại", ông nói thêm.
“Bạn có thể soi kỹ vào một vết dầu nhỏ trên sàn, hay mảng dầu văng lên tường của một nhà máy tưởng chừng hoàn hảo. Chính những chi tiết vụn vặt đời thường ấy đưa tác phẩm về lại với một tầng nghĩa gần gũi, nhân bản hơn", Burtynsky chia sẻ.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo CNN)