Kim Long là vùng đất có tiếng của xứ Huế, nằm phía tả ngạn, bờ Bắc Hương Giang. Từ Đại Nội, qua khỏi cầu Dã Viên là bắt đầu vào đường Kim Long - con đường cặp ven sông dẫn du khách tới những địa điểm như Nhà vườn An Hiên, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, hay xa hơn là Chùa Thiên Mụ, Văn Thánh Miếu… Trên con đường đó có quán Huyền Anh, ở số 50-52 Kim Long.
Quán Huyền Anh có lịch sử lâu đời, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, nức tiếng Cố đô. Tôi không chọn quán nằm ngay mặt đường hướng nhìn ra sông Hương thơ mộng, mặt bằng rộng rãi, mà thích vào quán nhỏ trong nhà, phải đi sâu vào kiệt 52 một chút. Ở Huế, hẻm gọi là kiệt. Nằm lui vào trong, nên nơi đây có phần tĩnh lặng hơn - dù lúc quán đông khách cũng sẽ chộn rộn thật. Hơn nữa, không gian thấp thoáng bóng cây xanh lòa xòa lá ấy còn gợi lên trong tôi rất rõ một định danh mà có nhà văn hóa đã khái quát về tính chất đô thị Huế: “thành phố-vườn”, đẹp và thơ.
Đến quán Huyền Anh, chắc chắn phải thử qua bánh ướt thịt nướng. Lớp bánh ướt trắng mịn, dẻo, dai, vuông cạnh chừng 20 cm, cuốn trọn phần nhân gồm thịt nướng và rau thơm các loại. Bánh ướt được tráng mỏng mướt khéo đến độ sao cho khi cuốn lại, vẫn thấy thấp thoáng phần nhân bên trong.
Bánh ướt thịt nướng
Mỗi phần ăn như thế gồm 5 cuốn bánh ướt, giá 25.000 đồng. Theo tôi để ý, cách sắp xếp 5 cuốn bánh ướt cũng rất ngộ nghĩnh, tạo thành nét riêng: bốn cuốn đặt cạnh nhau, nằm dọc, cuốn còn lại đặt bên trên, nằm ngang, nhưng không hề tạo thế cân bằng hay bố cục đối xứng như cách người ta vẫn thường bày biện món ăn, mà cuốn thứ năm này luôn được đặt lệch, nằm về một bên.
Nước chấm pha loãng
Quán phục vụ thực khách hai loại nước chấm. Đầu tiên, không thể thiếu chén nước mắm pha loãng, mặn mặn ngọt ngọt, đặc biệt là rất trong, sánh, hơi ngả vàng, lại có nhiều tỏi tươi băm nhỏ rất thơm, điểm chút ớt xanh xắt lát mỏng hơi the the cay cay vừa đủ. Cầm cuốn bánh ướt thịt nướng chấm đẫm nước mắm pha ấy, chao ôi là thèm.
Bên cạnh đó, quán còn có một loại nước chấm khác nữa, pha sệt và rắc nhiều mè, đậu phộng, người địa phương thường gọi là “nước lèo”.
Thịt nướng
Đến đây lại phải nói về thịt nướng của quán. Thịt heo, chủ yếu là phần nạc vai ít mỡ, được thái mỏng, miếng nhỏ mềm mà săn, ngọt thịt, tẩm ướp gia vị đậm đà, tươi màu dầu điều, nghe dậy lên mùi sả và ngũ vị hương rất nổi bật. Thịt được nướng than hoa vừa chín tới, không bị khô, rắc thêm ít mè rang bùi bùi, thơm thơm. Nếu muốn… “ăn cho đã”, có thể gọi thêm một dĩa thịt nướng riêng, giá 75.000 đồng.
Phần bún thịt nướng đầy đặn với nhiều loại rau thơm
Với nhiều thực khách, bánh ướt thịt nướng là để “ăn chơi”. Họ thường gọi thêm tô bún thịt nướng, 30.000 đồng/tô, để đảm bảo “no bụng”. Tô bún trông đầy vun là thế, được rắc nhiều đậu phộng rang thơm, bùi, nhưng thực ra, vừa đủ ăn, không quá “sức ăn” và cũng không hề ngấy, vì có nhiều rau thơm, xà lách, giá sống, ngò, cải cay, dưa leo thái lát mỏng tròn… Ăn kèm còn có món “chua ngọt” làm từ cà rốt và đu đủ xanh bào sợi nhỏ, nhai vào nghe giòn và bắt vị.
Nem lụi
Ngoài bánh ướt thịt nướng và bún thịt nướng, quán còn có nem lụi kiểu Huế, giá 65.000 đồng/phần. Khi ăn, thực khách dùng bánh tráng mỏng cuốn nem lụi với các loại rau thơm, xoài chua bào mỏng…, chấm nước lèo kể trên. Tại quán, trên bàn luôn có dĩa tỏi tươi, ớt tươi, cũng là một nét đặc trưng ở đây. Khách thích ăn thế nào, cứ bóc tỏi, thêm ớt, gia giảm cho hợp vị.
Cuối cùng là một “tuyệt chiêu” khác của quán - chính là nước chanh. Đừng vội đánh giá nó quá tầm thường. Chỉ là ly nước chanh trông đơn giản, giá chỉ 15.000 đồng thôi, nhưng hương vị thức uống lại hết sức đặc biệt, cả vị ngọt - chua đều rất “tới”, cân bằng đậm đà, có lẽ bí quyết nằm ở viên xí muội mà quán thêm vào.
Với tôi, chuyến đi Huế sẽ thật trọn vẹn nếu có dịp ghé về Kim Long, ăn bánh ướt - bún thịt nướng Huyền Anh.
Thịnh Huỳnh