Chuyến đi giúp chúng tôi cảm nhận thêm được sức sống của một đô thị du lịch biển.
Bình dị Dục Thanh
Như đã hẹn, đúng 14h30 chiều, chúng tôi ghé thăm lại Trường Dục Thanh. Sau khi làm lễ dâng hương, thành kính dâng lên vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và nhân dân, chúng tôi tham quan lại trường và rảo bộ quanh cầu Dục Thanh để thu nhận vào trong tầm mắt không khí bình dị của làng biển bên sông Cà Ty.
Ngôi trường Dục Thanh vốn được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với Trường Đông Kinh Nghĩa Thục) trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (số 39, phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết cũ) và hoạt động đến năm 2012. Di tích Trường Dục Thanh được phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy. Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ (Ngọa Du Sào) là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.
Kinh phí hoạt động của trường nhờ vào 2 nguồn: huê lợi từ 10 mẫu nhất đẳng điền do ông Huỳnh Văn Đẩu - một phú gia có lòng ái quốc ở địa phương hiến cho và tài trợ của Liên Thành Thương Quán. Nhờ đó, học sinh ăn học không phải trả tiền, thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương. Trường có 4 lớp học, số học sinh lúc cao nhất vào khoảng 100 học sinh, từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Hội An vào và nhiều nơi khác ở Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, do nhiều bà con của các thân sĩ gửi gắm trọ học.
Một hình ảnh không lấy làm vui còn vương vấn sau chuyến đi ngắn ngủi trở lại Mũi Né chính là cảnh một số người dân địa phương dựng lều ngay trên đỉnh đồi cát để mời chào khách tham gia trò chơi trượt trên cát để kiếm tiền, vô tình làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có của đồi cát và làm mất tầm nhìn của du khách giữa đồi cát và khiến du khách như bị quấy rầy. Rất mong chính quyền địa phương tăng cường quản lý để trả lại vẻ đẹp thiên nhiên của đồi cát.
Hình ảnh thân quen, gần gũi của ngôi trường đưa chúng tôi trở về với bối cảnh đất nước cách đây đã hơn một thế kỷ khi ngôi trường tuy nhỏ bé nhưng đã có nhiều tư tưởng tiến bộ và là điểm hẹn của các nhà yêu nước. Ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng Phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Cái tên Dục Thanh là từ viết tắt của Dục Thanh Học hiệu (Giáo dục thanh thiếu niên) với ý muốn lập ra một nơi để truyền bá kiến thức cũng như giáo dục lòng yêu nước cùng tư tưởng Duy Tân cho thanh, thiếu niên thời bấy giờ nên chương trình dạy của trường do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải, được gửi vào Phan Thiết…
Chính tại đây, trên hành trình về phương Nam tìm đường cứu nước, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân và làm thầy giáo một thời gian ngắn trước khi lên tàu viễn dương của Pháp bôn ba hải ngoại suốt hàng chục năm trường để tìm con đường cứu nước, cứu dân khỏi ách nô lệ. Những bộ tràng kỷ đơn sơ đã bóng nước gỗ mun và thư phòng nhỏ nhắn là nơi thầy giáo trẻ yêu nước ấy đã dành thời gian đọc sách, nghiền ngẫm về lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới; vừa truyền đạt lại kiến thức cho học trò vừa gieo vào lòng học trò tinh thần yêu nước, thương dân.
Ngoài sân sau, cây khế cổ thụ, do gia đình cụ Nguyên Thông (một nhà yêu nước) trồng, cũng là nơi lưu dấu kỷ niệm với người thầy giáo trẻ khi ngoài giờ lên lớp, đọc sách đã tự tay chăm sóc. Trường Dục Thanh không chỉ là nơi ghi dấu bước chân của một vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh mà còn là biểu tượng của sự khát khao tri thức và tinh thần yêu nước mãnh liệt của người dân nước Việt khi đất nước bị đô hộ bởi thực dân Pháp.
Du khách tìm hiểu và mua các đặc sản của Phan Thiết.
Phía đối diện trường, ở bên sông Cà Ty là làng biển vẫn với những hình ảnh, âm thanh quen thuộc như lần đầu tôi đến đây cách hơn 20 năm. Đang vào giờ ghe thuyền trở về sau chuyến biển nên 5-10 phút lại có một chiếc ghe máy nổ, băng băng về bến, mang đầy cá tôm - thứ sản vật của đại dương đã nuôi sống bà con ngư dân làng biển suốt hàng thế kỷ qua. Có khác chăng là ghe thuyền lớn hơn và nhiều hơn, đậu san sát trên bến cho du khách cảm nhận về sự ấm áp, no đủ. Ở trong xóm cất lên một giọng ca cổ như là dấu thăng cho thanh âm quen thuộc của làng biển. Không gian thật gần gũi. Trời ngả dần về chiều nên không khí cũng dễ chịu. Ở trên cầu Dục Thanh, dòng người và xe vẫn qua lại đông đúc mang đến nhịp sống trẻ trung cho một thành phố biển.
Mặn mòi Mũi Né
Theo gợi ý của một người địa phương, chúng tôi chọn một khách sạn 4 sao ở ngoại ô Phan Thiết để làm nơi lưu trú. Đây là một trong nhưng cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng đầu tiên ở "thủ đô rerost Mũi Né" cách đây khoảng hơn 25 năm. Tối hôm đó, chúng tôi trở ngược ra ngoại vi của Mũi Né để dùng bữa tối. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát và nhiều nhất vẫn là các cơ sở kinh doanh du lịch. Chúng tôi được giới thiệu đến một nhà hàng thưởng thức các món hải sản. Không uổng công khi cả nhóm được chủ quán đặc cách cho một bàn nhậu ở sát biển để mọi người có thể hít thở không khí trong lành, tách biệt hẳn với các bàn ăn của khách đoàn ở bên trong nhà hàng. Ngoài các món dân dã như: mực một nắng nướng, hải sâm thì mọi người được thưởng thức tôm hùm biển với thịt chắc, ngọt mang vị mặn mòi đặc trưng của đại dương.
Sáng hôm sau, chúng tôi bắt taxi trở lại thăm đồi cát Mũi Né. Theo lời anh tài xế taxi thì dân địa phương gọi đây là đồi cát đỏ vì có màu vàng sậm hơn so với màu vàng pha màu cát của cát biển thông thường. Dù không còn vẻ hoang sơ, trải rộng như trước đây khi tôi đến lần đầu nhưng những đồi cát mịn màng nằm phơi dưới nắng trời, tự nhiên đã khéo tạo nên những đường nét rất quyến rũ cũng làm cho du khách được nhìn ngắm no con mắt và tha hồ thả hồn theo trí tưởng tượng.
Gần trưa, cả nhóm quyết định ghé thăm một bảo tàng tư nhân về làng biển truyền thống nằm ở ngoại ô Phan Thiết. Khách tham quan khá đông. Nhiều chị em thi nhau tạo dáng ngay lối vào. Với giá vé tham quan là 100 ngàn đồng, du khách được hướng dẫn về văn hóa bản địa của người Chăm trên đất Phan Thiết - Bình Thuận (cũ), được giới thiệu về nhà cổ, cổng đình làng biển cùng các công việc đời thường trong cuộc sống của người dân như đan lưới, thả lưới, kéo lưới, làm nước mắm, làm muối. Du khách cũng được trải nghiệm cào muối trên ruộng muối, được nếm thử các loại nước mắm truyền thống nguyên chất có độ đạm cao mà người ta quen gọi là nước mắm nhĩ. Ngoài nước mắm cá cơm, còn có cả nước mắm làm từ tôm với vị thơm, màu vàng sậm sóng sánh. Tham quan làng biển, nếm thử nước mắm ngon nguyên chất giúp du khách hiểu thêm về đặc sản nức tiếng của Phan Thiết được làm nên từ vị mặn của biển cả, cái nắng gió Nam Trung Bộ và bàn tay cần cù lao động của người dân nơi đây.
Cơ sở phát phiếu giảm giá 30 ngàn đồng cho mỗi du khách để mua các sản phẩm nước mắm về làm quà. Có nhiều kích cỡ và loại nước mắm cho khách chọn nhưng giá bán phổ biến dao động trên dưới 100 ngàn đồng/chai 250ml. Chúng tôi chọn loại nhiều cá, ít muối với giá 95 ngàn đồng/chai để mua cho mỗi người một cặp về làm quà.
Điều gây ấn tượng với chúng tôi là trong một không gian hẹp nhưng bảo tàng về làng biển truyền thống đã sưu tầm, lưu giữ được nhiều tài liệu quý như 2 bản sắc phong làng biển Bình Thuận của triều Nguyễn (của vua Đồng Khánh và Khải Định) và nhiều hình ảnh xưa về làng chài Phan Thiết với khung cảnh đường phố, các công trình kiến trúc từ những năm đầu thế kỷ XX đến những năm 1945-1958 với chất lượng ảnh trắng đen còn rất nét. Đặc biệt là nơi đây còn lưu giữ, trưng bày nhà ở bằng gỗ quý của Hàm Hộ (danh xưng thường chỉ đại gia nước mắm xưa) là người sở hữu ít nhất 5 que (1 que là 1 nhà thùng gồm 10 thùng lều có sức chứa khoảng 5 tấn cá).
Văn Phong