Về thượng nguồn Mê Kông mùa nước nổi

Về thượng nguồn Mê Kông mùa nước nổi
3 giờ trướcBài gốc
Những xóm ghe nơi thượng nguồn biên giới.
Chỉ có điều, những điều đẹp đẽ và đặc sắc nhất của mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ đã thu hẹp đáng kể so với hàng chục năm trước. Dù vậy những vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu thực sự dồi dào sản vật.
Đổ dớn lúc bình minh
Chúng tôi có nhiều người bạn ở miền Tây Nam bộ, cứ tới mùa nước nổi là họ nhắn, về đi, cá về nhiều rồi. Năm nay cũng vậy, anh Nguyễn Văn Trào, 48 tuổi, một người tôi quen ở thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) nhắn tin, còn gửi thêm mấy hình quay rất nhiều cá đồng. Anh bảo về sớm mới có cá linh non. Cá linh là loài cá đặc biệt, xuất hiện gần như quanh năm ở sông kênh, đồng ruộng miền Tây Nam bộ nhưng cá linh non (loại nhỏ như đầu đũa) chỉ thường có vài tuần đầu mùa nước nổi. Bởi loài cá này lớn rất nhanh, chúng sẽ mau chóng phát triển và sinh trưởng, không còn là cá linh non nữa. Do đặc thù như vậy nên mùa cá linh non thường rất ngắn. Sau giai đoạn đầu, cá linh lớn lên và đầu, xương của chúng cũng cứng hơn, không mềm như cá linh non nữa. Tất nhiên, càng lớn thì giá cá linh càng thấp. Dù vậy, với nhiều người dân miền Tây Nam bộ, cá linh khi đã phát triển vẫn là loại thủy sản đánh bắt được nhiều và có giá trị kinh tế.
Đường từ TPHCM về vùng biên giới miền Tây Nam bộ hiện nay cũng khá dễ đi. Nhiều cánh đồng vùng sâu vùng xa cũng có đường trải nhựa. Dù vậy, so với chừng mười năm năm trước, cuộc sống của những cư dân mùa nước nổi không có gì thay đổi nhiều, chỉ là số lượng người dân sinh sống dựa vào sản vật tự nhiên đã ít mà thôi. Một phần vì các sản vật đặc trưng đã khó kiếm tìm, đánh bắt hơn. Một phần vì gần như tất cả, bao gồm cả cá linh non cũng được nhân giống nuôi nhân tạo một cách gần đúng. Nói nôm na, những gì đặc sản tự nhiên được săn lùng thì một thời gian ngắn sau, bằng cách này hay cách khác, người ta cũng sẽ nuôi nhân giống được để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau một buổi tối ở nhà anh Trào, sáng sớm hôm sau nhóm gồm 5 người là anh Trào, chú Ba hàng xóm và ba người chúng tôi từ thành phố xuống chạy trên 2 chiếc ghe vỏ lãi ra đồng ở bên xã Tân Công Chí.
Chú Ba ngồi ca vọng cổ sau thời gian đi đổ dớn.
Không có gì hân hoan hơn cuộc sống của cư dân mùa nước nổi bằng những sáng tinh sương. Trên mênh mang nước là tiếng nổ tành tành của những chiếc ghe vỏ lãi composit. Từ ghe đổ dớn, ghe gỡ lưới tơ, ghe đóng đáy tới những ghe đi hái súng ma buổi sớm, hái điên điển, nhổ sen… làm xao động cả vùng trời chứ không riêng gì hai chiếc ghe của chúng tôi. Thậm chí chú Ba còn bảo, nhiều nông dân bên Campuchia họ đánh bắt thủy sản mùa nước nổi cũng đem sang các chợ cá bên Việt Nam bán vì giá cao hơn. Từ cánh đồng chúng tôi đang chạy ghe chỉ ngược theo kênh Thống Nhất lên vài cây số nữa là tới sông Sở Thượng và sông Sở Hạ, hai con sông đều có một phần là ranh giới tự nhiên phân chia biên giới giữa hai nước. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng chú Ba điều khiển ghe rất thành thục, nhuần nhuyễn. Bởi chạy ghe trong đồng khó khăn hơn trên sông, kênh rạch. Nhiều đoạn phải quen thuộc địa hình, biết phía dưới mặt nước là bờ ruộng, phải đi chậm lại, khẽ nhấc cánh quạt chân vịt lên. Chiếc ghe dài chừng 6 mét, rộng chừng gần một mét, phía mũi nhọn lướt đi trên cánh đồng rồi quẹo vào một con kênh nhỏ, rồi lại vòng ra cánh đồng. Thời gian này, dù trên đồng hay kênh cũng đều có rất nhiều hàng dớn đan xen nhau. Chú Ba bảo mùa nước về, sản vật thiên nhiên là của “trời cho”, ai có sức thì đánh bắt. Nghĩa là, ngày thường có thể đây là chân ruộng thuộc sở hữu của một người nào đó, họ cấy lúa, thu hoạch như bình thường. Nhưng nước tràn về ngập đồng thì ruộng không phải của riêng người đó, mà những nông dân khác cũng có thể đánh bắt trên thửa ruộng đó. Thậm chí cả những phiêu dân nơi khác cũng có thể thả lưới, đóng dớn như thường.
Ghe chạy chừng 10 phút thì tới những hàng dớn của chú Ba. Tất cả có 8 tay dớn, mỗi tay chỉ dài chừng hai mét rưỡi. Chú Ba bảo bây giờ sức khỏe yếu, không đóng tay dớn dài được nữa, chỉ chọn vùng nước êm. Tất nhiên những chỗ đó sẽ có ít tôm cá hơn. Chiếc ghe tắt máy, từ từ thả trôi rồi dừng lại khi chú Ba đưa tay với lấy cọc tràm, chuẩn bị kéo lên. Dớn là công cụ đánh bắt phổ biến, xuất hiện từ vùng thượng nguồn cho tới hạ lưu ở miền Tây Nam bộ. Thậm chí trong những chuyến đi ngược lên thượng nguồn Mê Kong ở vùng Hố Lương, Phnôm Pênh (Campuchia) hay tận Pakxe (Lào), tôi thấy người dân ven bờ sông cũng sử dụng khá nhiều dụng cụ là dớn để đánh bắt. Tùy theo vùng nước mà người ta điều chỉnh tay dớn, cọc dớn, túi dớn dài hay ngắn cho phù hợp. Tay dớn càng dày thì càng đánh bắt được nhiều. Tất nhiên chi phí cũng nhiều. Chỉ mới đổ hai tay dớn, mặt chú Ba đã rạng rỡ vì mỗi túi được chừng 2-3 ký lô cá. Cá mùa lũ thường có nhiều loại, từ cá lóc, cá rô, mè vinh cho tới cá chốt, cá lăng, cá linh, cá heo… Đổ dớn cũng là một nghệ thuật. Đầu tiên, chú Ba dốc thẳng túi lên, lấy tay tháo nhẹ dây buộc thắt ở đáy túi để tất cả cá trong túi rơi vào chiếc chậu lớn. Sau đó chú buộc thắt nút lại, thả xuống nước, cắm chiếc cọc tràm nhỏ để giữ túi sát mặt bùn. Tiếp đó chú lấy que kẹp cẩn thận gắp mấy con cua cho vào một cái giỏ. Cua đồng mùa này vàng ươm, nổi gân vằn vện trên mai. Tiếp đó là công đoạn khó nhất, phân loại các loài cá bởi như cá heo giá bán tới trăm hai chục ngàn, trong khi cá chốt, cá lăng nhỏ thương lái chỉ mua có ba, bốn chục ngàn mỗi ký mà thôi. Vì thế, chú chọn gắp những con cá heo màu vàng xanh đặc trưng bỏ riêng. Sau mấy tuần đầu cá linh non là loại thủy sản giá trị cao nhất thì cá heo nước ngọt chiếm lĩnh vị trí số một. Cá heo nước ngọt nhỏ nhưng thịt thơm và chắc, luôn luôn có giá trị cao nhất với nông dân.
Rồi chú lấy mái chèo khua khua, tiếp tục sang những cọc dớn phía bên kia một cây gáo lớn đã chìm trong nước. Ở miền Tây người dân hay trồng các cây lớn giữa đồng như gáo, tràm, ô môi, chủ yếu đánh dấu đất, bờ ruộng và tạo bóng mát. Lúc này, chú Ba nhìn tôi cười cười bảo cái nghề đổ cá mùa nước nổi này hên xui lắm, có khi đóng dớn phía cửa đồng, gần kênh lại không có ăn mà ở tít trong bờ đê thì lại nhiều cá. “Ngoài kênh kia thường thì nhiều cá hơn, bởi chúng theo nước từ thượng nguồn tràn về. Nhưng giờ ngoài đó ghe thuyền lớn nhiều, chạy cả đêm ngày khiến cá tôm cũng sợ, lẩn vào trong này trú. Tối qua tôi đã đổ một lần rồi, trước lúc trời mưa mà giờ mới lên 6 tay đã được hơn chục ký rồi. Còn hai tay bên sát đê Bắc Trang nữa chắc phải mười năm ký. Như thế hơn gấp đôi ngày thường rồi”, chú bảo.
Có lẽ vì vui mừng với buổi sáng nay, dù chưa đổ xong nhưng chú Ba cũng dừng lại, ngẩng đầu nhìn lên cây ô môi bắt đầu hát mấy câu vọng cổ. Những ngày đầu tiên ngồi cùng người dân miền Tây Nam bộ, tôi cứ nghĩ rằng “câu vọng cổ” là một câu hát nhưng thực tế không phải vậy. Câu vọng cổ có lúc dài như bài hát, có lúc là một câu chuyện được kể bằng lời hát vậy. Một điều đặc biệt là hầu hết người dân miền Tây Nam bộ đều biết ca vọng cổ. Mà đặc biệt hơn là những câu ca này chính là họ tự sáng tác, tự biểu diễn. Tôi không hiểu biết nhiều về âm nhạc nhưng câu vọng cổ của người dân miền Tây Nam bộ dân dã như được chắt lọc từ chính cuộc đời họ vậy. Tôi đã nghe những người bán vé số, người chạy xe lôi, người bán nước mía ven đường, người phụ xe… hát những câu vọng cổ về chính cuộc đời, nghề nghiệp của mình. Họ hát và biểu diễn tự nhiên, như bày cả cuộc đời vất vả và gian khó của mình ra trong câu hát vậy. Và những câu ca mà chú Ba hát cũng vậy. Rất lạ là chú ca về những buổi sáng đi đổ dớn, buổi chiều ngồi nhậu với bạn ghe, buổi tối soi đèn đi gỡ lưới… Rồi chú ca về ngày còn trẻ theo bạn lên Chợ Lớn, Bình Chánh làm phụ hồ, những ngày theo vợ sang bên kia biên giới buôn đường thốt nốt nâu. Những câu ca mà tôi đồ rằng nếu biểu diễn trên sân khấu, trong một không gian khác những cánh đồng mùa nước nổi nơi đây thì sẽ không được. Câu vọng cổ như cuộc đời, như dòng sông mẹ Mê Kông vậy, nó chính là một phần của dải đất, con người nơi này.
Những sản vật mùa nước nổi.
Xóm ghe trên đồng nước
Khi trời đất càng rộng ra, con người dường như nhỏ bé lại. Và đó là lúc người ta tìm tới nhau, nhất là những người nghèo tha hương. Thế nên trên những cánh đồng mênh mông mùa nước nổi, thi thoảng bắt gặp những xóm ghe nho nhỏ, chỉ là vài chiếc ghe tụ lại nên ven kênh nào đó. Họ là những phiêu dân, từ khắp nơi, chủ yếu phía hạ lưu như Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Mới… men theo dòng Mê Kông ngược lên biên giới để săn tìm những sản vật mùa nước nổi ngay khi con nước thượng nguồn đổ về. Những chiếc ghe mỏng mảnh vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là nơi sinh sống trong thời gian mùa nước nổi. Khi nước rút đi, họ sẽ xuôi về quê nhà, chờ đợi món quà ở năm tiếp theo mà dòng sông mẹ mang tới.
Những ngày nước về, hầu hết nông dân đóng dớn đều đi đổ hai lần mỗi ngày. Và anh Trào bạn tôi cũng vậy. Ngoài lúc sáng sớm, anh cũng chạy ghe đi lấy thành quả của mình vào chiều tối. Giữa khoảng thời gian này, anh đưa tôi tới một xóm ghe nằm gần phía kênh Trung Ương. Đó là nơi có 5 - 6 chiếc ghe nhỏ, nhìn tềnh toàng cắm sào tụ vào nhau giữa hoang vu đồng nước. Anh Trào bảo họ đều là người sinh sống bằng nghề hạ bạc (nghề lưới cá) ở dưới mạn Cái Bè, Cai Lậy. Do hiện nay sản vật nước nổi khan hiếm nên khi thấy lũ về, họ chạy ghe ngược lên trên này để đánh bắt. Năm nào cũng vậy, có lúc họ neo ở ven kênh Trung Ương gần phía tỉnh lộ, có lúc ngược lên sát mạn cửa khẩu Dinh Bà hay bên sông Sở Hạ… Chỗ nào nước nhiều thì họ dừng lại. Và cũng như những cư dân ở vùng này, những phiêu dân ấy cũng đóng dớn, đặt câu, thả lưới hay thậm chí còn đi nhổ sen, tuốt bông điên điển nữa. Họ tranh thủ thời gian mà dòng sông mẹ ban tặng mùa nước này.
Chiếc ghe đầu tiên mà chúng tôi ghé lại là của một cặp vợ chồng dưới xuôi. Anh Trần Văn Thuận, 34 tuổi nghe thấy tiếng ghe vỏ lãi nên chui đầu từ trong lán ra nhìn chúng tôi cười cười. Anh Thuận bảo ban đêm anh đi đổ dớn, còn ban ngày ở lại ghe để vợ đi hái bông. Mùa nước nổi bông bán rất ăn tiền. Vợ anh hái bông súng, bông so đũa, điên điển hoang dã rồi bán lại cho thương lái ở chợ Tân Hồng để họ đưa về thành phố. Mùa nước nổi rất lạ. Không chỉ đem cá cua, ốc ếch về theo dòng nước mà nhiều loại bông cứ gặp nước là nở tràn khắp các cánh đồng. Dường như chúng chờ đợi một thời gian rất dài mùa khô để đợi nước tràn về là bung nở vậy. Và những nông dân mà tôi gặp họ cũng chờ đợi như vậy. “Năm nay nước về lớn nên mấy ghe ở đây ai cũng kiếm được kha khá. Vùng này không phải sông chính (tức sông Tiền, sông Hậu) nhưng ở đây đồng sâu, cá về cũng nhiều lắm. Tôi chỉ ra đồng ban đêm thôi. Mình đổ dớn xong rồi đi bắt chuột, rắn mối. Rắn mối trên cây rất nhiều. Cây nào ở giữa đồng thì càng nhiều nữa. Nước ngập hết rồi, chúng phải chạy lên cây để trú. Đêm mình soi đèn rồi rung rung cho chúng nhảy xuống nước, sau đó lấy vợt bắt chúng lại. Rắn mối mùa này béo mập, bán một trăm bảy mươi ngàn đồng mỗi ký”, anh Thuận chia sẻ thành thực.
Theo người đàn ông này, hầu hết các ghe neo ở xóm này đều dưới hạ lưu ngược lên. Họ thường là vợ chồng, để con cái ở quê nhà lên trên này vài tháng mùa nước mà thôi. “Trước vợ chồng em làm công nhân ở Dĩ An mà cực quá nên về quê sống. Về quê thì tụi nhỏ thiệt thòi vì học không tốt như trên kia nhưng đỡ phải lo lắng nhiều. Tụi nhỏ bây giờ cũng vào cấp hai rồi, đứa nào muốn học thì nhà em cho học tiếp. Mà ba mẹ ở quê cũng già rồi, không về cũng khổ lắm. Em mới lên đây năm đầu thôi, nghe theo ông anh họ trong ấp. Ở trên này dễ sống hơn dưới xuôi nhiều nhưng mùa nước chỉ hơn hai tháng là hết. Hi vọng năm nay kiếm đủ tiền để gần tết sửa nhà cho tụi nhỏ ở tươm tất”, anh Thuận chia sẻ thêm.
Như một điều đặc biệt, mùa nước nổi cùng những sản vật hào phóng của dòng sông mẹ Mê Kông đã mang tới thêm một sinh kế cho những người dân không chỉ ở thượng nguồn mà còn cả những người ở nơi khác. Dù đã bị giảm đi theo thời gian nhưng đó vẫn là một nguồn lợi dồi dào cho hàng trăm người, rải rác dọc vùng biên giới. Trong đó, nếu nước về nhiều thì những người dân đổ ra đồng sẽ càng nhiều và ngược lại, năm nào nước nổi về ít thì cuộc sống của những người dân như anh Trào, chú Ba, anh Thuận… sẽ khó khăn thêm một chút. Họ có thể vui mừng hay thở dài nhưng tuyệt đối tin tưởng vào dòng sông, vào những mùa nước lặp đi lặp này.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ve-thuong-nguon-me-kong-mua-nuoc-noi-10292891.html