Trung Quốc dường như đã hoàn tất sứ mệnh tiếp nhiên liệu vệ tinh tự động. Ảnh: Handout.
Theo công ty giám sát không gian COMSPOC (Mỹ), hai vệ tinh Thực Tiễn-21 (Shijian-21) và Thực Tiễn-25 (Shijian-25) đã “hợp nhất trên hình ảnh thu được từ cảm biến quang học” trong khoảng thời gian từ ngày 2-6/7, SCMP cho biết.
“Với thời lượng thực hiện các hoạt động tiếp cận và hội tụ (RPO) kéo dài bất thường, khả năng hai vệ tinh đã thực hiện thao tác ghép nối”, COMSPOC nhận định trên mạng xã hội hôm 12/7.
Theo dữ liệu của COMSPOC, hai vệ tinh đã thực hiện nhiều đợt tiếp cận gần nhau trong quỹ đạo địa tĩnh (cao khoảng 35.786 km) từ tháng 6. Lần đầu được ghi nhận vào ngày 11/6, khi Shijian-25 di chuyển chậm nhưng ổn định về phía Shijian-21. Chỉ hai ngày sau, cả hai ở cách nhau dưới 1 km trước khi tách ra sau 90 phút.
Hai vệ tinh trinh sát Mỹ - USA 270 và USA 271 - đã đồng thời tiếp cận từ hai phía đông - tây trong giai đoạn này để theo dõi sát quá trình.
Theo hình ảnh từ hệ thống theo dõi quang học của công ty Thụy Sĩ s2a systems, vào ngày 30/6, hai vệ tinh tiếp tục thực hiện một đợt tiếp cận mới. Đến ngày 2/7, khoảng cách giữa hai thiết bị được ghi nhận “rất nhỏ và không còn phân biệt được trên cảm biến kể từ 11h00 UTC (tức 18h giờ Việt Nam)”.
Bản cập nhật ngày 5/7 của s2a xác nhận không phát hiện thay đổi đáng kể nào sau đó.
Shijian-25 được phóng lên từ tháng 1/2024 với mục tiêu thử nghiệm công nghệ tiếp nhiên liệu và kéo dài vòng đời vệ tinh đang hoạt động - một bước đi nhằm giảm chi phí, tăng tính bền vững và giải quyết bài toán rác thải không gian.
Trong khi đó, Shijian-21, phóng năm 2021, từng nổi bật khi dùng hết phần lớn nhiên liệu chỉ trong vài tháng để kéo một vệ tinh định vị BeiDou không còn hoạt động lên quỹ đạo nghĩa trang.
Việc tiếp nhiên liệu giữa các vệ tinh không người lái trong điều kiện vi trọng lực ở độ cao quỹ đạo địa tĩnh là một thách thức công nghệ cực lớn, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối trong thao tác ghép nối và truyền chất lỏng.
Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào các công nghệ giảm thiểu rác vũ trụ, với các vệ tinh Thực Tiễn sử dụng cánh tay robot, lưới thu gom hoặc tia laser để xử lý vệ tinh hỏng.
Báo chí Mỹ cho biết Lực lượng Không gian Mỹ (US Space Force) đã đề xuất khoảng 20 triệu USD trong ngân sách năm 2025 cho các nghiên cứu đầu tiên về công nghệ bảo trì vệ tinh trên quỹ đạo, bao gồm tiếp nhiên liệu. Các cuộc thử nghiệm dự kiến khởi động sớm nhất vào mùa hè năm sau.
Washington đặc biệt theo dõi sát chương trình của Trung Quốc, bởi công nghệ này cũng có thể được chuyển hóa thành năng lực tác chiến chống vệ tinh, đe dọa các thiết bị không gian then chốt phục vụ điều hướng, liên lạc, cảnh báo tên lửa hay chỉ huy quân sự.
NASA từng lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh OSAM-1 nhằm thử nghiệm lắp ráp và tiếp nhiên liệu vệ tinh trên quỹ đạo, nhưng đã bị hủy vào năm 2023 do chậm tiến độ và khó khăn kỹ thuật.
Trước đó, năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA) đã thực hiện thành công chương trình Orbital Express - một dự án phục vụ tương tự nhưng ở độ cao thấp hơn và đơn giản hơn rất nhiều so với những gì Trung Quốc có thể vừa đạt được.
Phương Linh