Vẹn nguyên tinh thần 'Hà Nội vì cả nước'

Vẹn nguyên tinh thần 'Hà Nội vì cả nước'
5 giờ trướcBài gốc
Hà Nội đã luôn hướng về, chi viện cho miền Nam ruột thịt
Xin ông cho biết, trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ đô Hà Nội đã có vai trò như thế nào?
- Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội với tư cách là Thủ đô của đất nước có một vai trò rất lớn. Có thể nói, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Thủ đô Hà Nội đã hướng về miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng. Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ, tập hợp, nêu gương, lan tỏa các phong trào đấu tranh để hướng về miền Nam ruột thịt.
Thứ nữa, Hà Nội là nơi có trụ sở của các cơ quan T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ và cũng là nơi ra quyết định lịch sử về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc. Hà Nội có tính định hướng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; cả nước nhìn về Thủ đô Hà Nội và họ yên tâm, tin tưởng vì có Hà Nội ở bên cạnh. Điều này đồng nghĩa với Hà Nội còn thì đất nước còn; Hà Nội vững, đất nước yên tâm.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình.
Thưa ông, trong bối cảnh vừa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phải chi viện cho tiền tuyến miền Nam, Hà Nội đã có những đột phá, phong trào nào đáng chú ý?
- Như tôi vừa nói ở trên là Hà Nội mang tính nêu gương, lan tỏa. Cho nên, ngay sau ngày hòa bình lập lại vào năm 1954, Nhân dân Thủ đô Hà Nội vừa khôi phục, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đau đáu hướng về miền Nam, mong mỏi sớm có một ngày thống nhất như Hiệp định Geneva đã quy định. Sự mong mỏi đó đã được biểu hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là nhiều công trình kinh tế và những phong trào thi đua sản xuất đã ra đời từ Hà Nội. Không ít những công trình được đặt tên nói lên nguyện vọng thiết tha là phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ví dụ như: Công viên Thống Nhất, Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Điện cơ Thống Nhất, Nhà máy Cơ khí Giải phóng...
Khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Geneva thì Nhân dân
Hà Nội tiến hành nhiều cuộc biểu tình, tuần hành phản đối hay có những việc làm thể hiện sự đoàn kết, thống nhất đất nước không thể chia cắt được. Ví dụ như: ngày 8/10/1960 Hà Nội đã tổ chức lễ kết nghĩa với TP Huế, với TP Sài Gòn; vào ngày 28/5/1961, hơn 30 vạn Nhân dân Hà Nội đã mít tinh phản đối Mỹ can thiệp sâu vào miền Nam.
Một điểm nữa là, Hà Nội đã phát động và đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt”. Theo đó, tháng 4/1962, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã khởi xướng phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”. Ngay sau đó, Đại hội lần thứ III của Đảng bộ TP Hà Nội được tổ chức vào tháng 7/1963 đã ra nghị quyết về phong trào này (Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất đất nước).
Để đẩy mạnh phong thi đua “Vì miền Nam ruột thịt”, chỉ 4 ngày sau khi Mỹ đánh phá miền Bắc, ngày 9/8/1964 thanh niên Hà Nội đã phát động phong trào "Ba sẵn sàng” mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi khởi nguồn, mở đầu cho phong trào. Hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng”, hàng triệu thanh niên miền Bắc xung phong lên đường chiến đấu, trong đó lớp lớp thanh niên, sinh viên Hà Nội đã hăng hái nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đường phố Hà Nội năm 1975. Ảnh: Thomas Billhardt
Hà Nội là nơi có các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ cho nên Mỹ đã tập trung đánh phá Thủ đô với hy vọng khuất phục Nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Nhưng Nhân dân Hà Nội đã chiến đấu chống lại cuộc chiến đánh phá hoại của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay ngay từ ngày 10/5/1972 khi Mỹ bắn phá Hà Nội. Và chỉ trong 1972, hơn 15.000 thanh niên Hà Nội lên đường, trong đó có hàng ngàn sinh viên gác bút nghiên ra trận. Và tôi là một trong những người đó.
Cuối cùng tôi muốn nói, Hà Nội đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng trận "Điện Biên Phủ trên không", cuộc tập kích chiến lược năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973.
Hà Nội cùng miền Bắc làm hậu phương vững chắc, đánh bại Mỹ ngay tại bầu trời Thủ đô
Như vậy, bài học về sự phát huy sức mạnh hậu phương mang giá trị và ý nghĩa như thế nào trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng, hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định sự thành bại của cuộc chiến tranh hay cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng là hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp lại “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hậu phương và tiền tuyến gắn bó và hỗ trợ cho nhau.
Vì thế, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 9/1960 đã xác định: cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của cách mạng cả nước. Miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, lại vừa đảm nhiệm vai trò là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Để làm tốt vai trò miền Bắc vừa là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam, vừa trực tiếp chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp, chính sách xây dựng miền Bắc vững mạnh về mọi mặt với mục tiêu: Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Từ quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về xây dựng hậu phương, phát huy sức mạnh của hậu phương, làm cho miền Bắc đủ sức chi viện cho cách mạng miền Nam mà còn đủ sức đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và từ đó góp phần làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay, buộc họ phải ngồi vào đàm phán để ký Hiệp định Paris. Hậu phương miền Bắc không đủ mạnh thì tiền tuyến lớn miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, sự hy sinh tổn thất sẽ lớn hơn, cuộc kháng chiến sẽ kéo dài hơn.
Giá trị của hậu phương miền Bắc không chỉ dừng lại đối với tiền tuyến lớn miền Nam, mà giá trị ấy còn lan tỏa ra cả cuộc kháng chiến của Nhân dân Lào và Nhân dân Campuchia. Trong những năm chống Mỹ xâm lược, hậu phương miền Bắc còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia; thường xuyên chi viện sức người, sức của cho hai chiến trường này.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương miền Bắc giúp Nhân dân Lào, Nhân dân Campuchia giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh của họ. Ngày nay, trong bối cảnh mới xây dựng đất nước, những giá trị rút ra từ tinh thần quốc tế vô sản trong những năm kháng chiến lại được phát huy với một tinh thần mới: chúng ta vẫn tiếp tục giúp bạn là giúp mình.
Sức mạnh của miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam là sức mạnh của khát vọng độc lập dân tộc, của thống nhất Tổ quốc, đó là khát vọng thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Dù trực tiếp chiến đấu ở miền Nam hay vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa bảo vệ miền Bắc, dù ở đâu, lĩnh vực nào, cùng với Nhân dân miền Nam thì miền Bắc vẫn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Vì thế, mọi người dân miền Bắc đều ý thức đầy đủ là trách nhiệm đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Cuối cùng tôi muốn nói tới bài học phải xây dựng và củng cố hậu phương. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải xây dựng và củng cố hậu phương, tạo cho hậu phương có đủ sức mạnh để trở thành nhân tố thường xuyên, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Nếu không xây dựng hậu phương vững mạnh thì không thể giúp tiền tuyến lớn giành thắng lợi. Sở dĩ Nhân dân Việt Nam đánh bại Mỹ - đội quân hiện đại nhất thế giới vì chúng ta có hậu phương vững chắc. Và Mỹ thua vì Mỹ không có hậu phương như chúng ta.
Ông vừa nhắc đến chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không". Vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tại Hà Nội với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
- Trận "Điện Biên Phủ trên không" đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có vai trò rất là lớn. Trước hết, chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ hai là năm 1968, sau hàng loạt các thất bại nặng nề của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ và chiến tranh phá hoại miền Bắc thì Mỹ bắt đầu chấp nhận thương lượng với Việt Nam để bàn về việc chấm dứt chiến tranh. Và cuộc đàm phán kéo dài cho đến tháng 10/1972 tưởng chừng như Mỹ đã chấp nhận Hiệp định Paris theo bản dự thảo của Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 14/12/1972, gần 2 tháng sau khi tuyên bố ngừng bắn ở miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, để hỗ trợ mưu đồ chính trị và ngoại giao mới, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược hàng không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Bởi Hải Phòng là cửa ngõ của miền Bắc, là cảng tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài vào miền Bắc Việt Nam; Thủ đô Hà Nội là cơ quan đầu não, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước và nếu khuất phục được Hà Nội thì họ sẽ buộc chúng ta phải chấp nhận ký Hiệp định theo ý đồ của họ. Vì thế, họ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu từ ngày 18 - 29/12/1972 nhằm giành thắng lợi quân sự và buộc ta phải ký hiệp định theo hướng có lợi cho họ.
Thế nhưng, quân và dân miền Bắc, trước hết là ở Hà Nội, đã đánh trả quyết liệt, kết thúc bằng việc 38 pháo đài bay B-52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ đã bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội. Thắng lợi này được coi như là một trận "Điện Biên Phủ trên không". Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi; buộc họ phải chấp nhận thất bại và ký hiệp định với nội dung bản dự thảo đã được hai bên thỏa thuận trước đó.
Hà Nội ngày nay đi đầu trong mọi hoạt động sẻ chia
Cho đến ngày nay, Hà Nội vẫn giữ nguyên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ các tỉnh, TP phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xã hội từ thiện… Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hà Nội trong phát huy tinh thần này những năm qua?
- Có thể nói, Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Hà Nội trước đây và cho đến nay vẫn giữ được nguyên được tinh thần Hà Nội vì cả nước và luôn luôn đi đầu trong mọi hoạt động hỗ trợ các tỉnh, TP khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, hoạt động từ thiện.
Tôi lấy ví dụ, người dân, tổ chức, DN Hà Nội đã quyên góp kinh phí để hỗ trợ các tỉnh xây dựng nhiều ngôi nhà, xóa những nhà tạm, nhà dột nát, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Cơn bão số 3 năm 2024 (bão Yagi), đã khiến cho nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhiều nhà cửa, vật nuôi, tài sản bị trôi theo dòng nước. Hà Nội cũng bị thiệt hại, tổn thất nhưng Đảng bộ, UBND, các tổ chức đoàn thể và người dân TP Hà Nội vẫn gác lại những khó khăn của mình, tập trung giúp các địa phương gặp nạn trong cơn bão số 3 bằng nhiều hình thức khác nhau, mang đến cho đồng bào ở những nơi khó khăn từ gói mì tôm, sữa, sạc pin dự phòng để họ có thể liên lạc bằng điện thoại… đến các vật dụng thiết yếu khác với tinh thần “là lành đùm lá rách”.
Hay để chia sẻ với trẻ em, học sinh ở những vùng bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3, các em học sinh nhiều trường học ở Hà Nội không tổ chức vui Tết Trung thu mà dùng tiền đó đi mua sách vở tặng các bạn vùng lũ lụt. Còn TP Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai. Hà Nội đã hỗ trợ 9 tỉnh, TP (Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 với mức tiền 5 tỷ đồng cho mỗi địa phương; hỗ trợ các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 3 tỷ đồng. Hà Nội không nhận hỗ trợ từ T.Ư và các địa phương khác mặc dù Thủ đô cũng bị tổn thất, mà đề nghị T.Ư ưu tiên dành tiền đó cho các tỉnh, TP bị thiệt hại nặng nề hơn.
Nhân dân Hà Nội sống chân tình, luôn dang rộng vòng tay khi đồng bào cả nước gặp gian khó. Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội luôn ghi nhớ, biết ơn và chăm lo cho các gia đình chính sách, nối tiếp đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Từ đó Hà Nội tiếp thêm động lực để lan tỏa cái hình ảnh Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Oanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ven-nguyen-tinh-than-ha-noi-vi-ca-nuoc.690384.html