(QBĐT) - Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 6 nhiệm vụ cấp bách mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thực hiện ngay, trong đó có hai thứ giặc nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm là giặc đói và giặc dốt. Để diệt giặc dốt, phong trào “Bình dân học vụ” (BDHV) ra đời, khởi nguồn cho toàn dân học tập, xây dựng xã hội học tập (XHHT). Tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng XHHT hiện nay vẫn còn nguyên giá trị khi cả nước tham gia phong trào “Bình dân học vụ số” (BDHVS) trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ phong trào “Bình dân học vụ”...
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời đã đối mặt với tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”, “thù trong giặc ngoài”, cả nước trải qua nạn đói khủng khiếp làm hàng triệu người chết, hơn 95% dân số mù chữ sau hàng trăm năm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Dân không biết đọc, không biết viết thì làm sao người dân có thể nắm được tình hình cách mạng, tin tưởng và đi theo cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của mình. Từ đó chiến dịch diệt giặc dốt ra đời, trở thành nhiệm vụ quan trọng thứ hai, chỉ sau diệt giặc đói. Khi dân trí nâng cao sẽ mở lối cho tư tưởng cách mạng thấm nhuần vào quần chúng, tạo lập nền móng vững chắc giúp chính quyền non trẻ vượt qua thử thách sống còn.
Lễ phát động phong trào BDHVS tại tỉnh Quảng Bình.
Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 thành lập Nha BDHV, quy định BDHV trên cả nước; Sắc lệnh số 19 quy định mọi làng phải mở lớp học bình dân, trong đó thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 nêu rõ việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền.
Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi toàn thể quốc dân đồng bào. Người nhấn mạnh: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học”.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào BDHV nhanh chóng lan tỏa sâu rộng đến từng thôn xóm, bản làng, mọi nhà, không phân biệt già trẻ, gái trai, nam hay nữ. Chỉ một năm sau ngày phát động phong trào BDHV, với dân số 22 triệu người đã tổ chức được 75.000 lớp học, huy động 95.000 giáo viên tham gia dạy học và có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết.
Trường PTDT Nội trú huyện Bố Trạch tiên phong trong công tác đào tạo công nghệ thông tin cho học sinh đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch.
Trong thư gửi những người tham gia BDHV nhân dịp phát động phong trào thi đua ái quốc và kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1948, Bác Hồ định hướng nhiệm vụ BDHV giai đoạn tiếp theo: “Trong phong trào thi đua ái quốc, tôi mong các bạn cũng hăng hái xung phong. Vùng nào còn sót nạn mù chữ thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng. Vùng nào đã hết nạn mù chữ thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào: Thường thức vệ sinh, để dân bớt ốm đau; thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm; bốn phép tính để làm ăn quen ngăn nắp; Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước; đạo đức của công dân, để trở thành người công dân đứng đắn”.
Từ chỗ có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (năm 1946), đến năm 1948 tăng lên 6 triệu người và đến năm 1952, con số là 10 triệu người. Giai đoạn này, chiến dịch xóa mù chữ cơ bản hoàn thành.
Đến phong trào “Bình dân học vụ số”
Ông Lê Công Toán, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Phong trào BDHV theo lời dạy của Bác Hồ, sau này trở thành mô hình XHHT được vận dụng linh hoạt trong từng giai đoạn phát triển cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới nền giáo dục, đào tạo và hiện tại áp dụng cho phong trào BDHVS sẽ giúp toàn dân không ai bị bỏ lại phía sau, tụt hậu về công nghệ thông tin trong thời đại số hóa khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Chính trị tỉnh càng phải cố gắng bắt nhịp theo xu hướng phát triển này, thường xuyên tự rèn luyện, tự đổi mới, tự học, không ngừng học tập, hưởng ứng phong trào BDHVS”.
Để phong trào BDHVS đạt hiệu quả, thực chất, Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền các cấp; các tổ chức, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong toàn tỉnh cùng chung tay, đồng lòng, sáng tạo giúp phong trào thực sự đi vào chiều sâu, tạo nên sự chuyển biến thực chất và toàn diện. Thành công của phong trào không chỉ là những con số báo cáo, mà phải là sự thay đổi thật sự trong nhận thức và hành động của từng người dân”.
Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán các cấp của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh những năm qua không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Giai đoạn 2021-2024, nhà trường phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng mở các lớp cao cấp lý luận chính trị cho 712 học viên; tổ chức đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 3.372 học viên; bồi dưỡng 4.072 học viên thuộc các lĩnh vực: Ngạch chuyên viên chính và tương đương; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng (công tác xây dựng Đảng, công tác nội chính, công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên giáo, công tác tổ chức Đảng); bồi dưỡng nghiệp vụ Mặt trận đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên…).
Trong thời đại số, trang thiết bị dạy và học của Trường Chính trị tỉnh không ngừng nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa, như: Hệ thống máy chiếu, camera, phòng họp trực tuyến, màn hình LED, tivi; hệ thống mạng, mạng wifi, mạng LAN; hệ thống kết nối mạng diện rộng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; mạng internet kết nối đến các phòng học, phòng họp, hội trường...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang: Phong trào BDHVS là một trong những nội dung trọng tâm do Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát động trên phạm vi toàn quốc. Đây không chỉ là sáng kiến về kỹ năng số, mà sâu xa hơn, là hành trình trao quyền tri thức, khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, phát triển năng lực công dân thời đại mới. Mỗi người dân không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, vừa là người học, vừa là người truyền cảm hứng trong cộng đồng số.
Phong trào BDHVS kế thừa từ phong trào BDHV do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng cách đây gần 80 năm. Nếu phong trào BDHV năm xưa mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp xóa mù chữ, nâng cao dân trí, khai phóng trí tuệ Việt Nam thì phong trào BDHVS như một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng về nhận thức, kỹ năng và hành động, đưa tri thức số đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng ngõ xóm, từng cộng đồng, không để ai đứng ngoài quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngô Thanh Long