Vesak 2025 tiếp nối tinh thần vì hòa bình

Vesak 2025 tiếp nối tinh thần vì hòa bình
15 giờ trướcBài gốc
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: BTC)
Kể từ khi đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần đầu tiên, Việt Nam đã chứng minh khả năng tổ chức các sự kiện tôn giáo mang tầm vóc toàn cầu một cách chuyên nghiệp và ấn tượng.
Với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, Vesak 2008 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) thu hút hơn 3.500 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dấu mốc quan trọng đưa hình ảnh Việt Nam - quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, đến gần hơn với cộng đồng Phật giáo thế giới.
Năm 2014, với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, Vesak tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) tiếp tục tạo tiếng vang khi quy tụ hơn 10.000 người, trong đó có hơn 1.000 đại biểu quốc tế. Sự kiện không chỉ là nơi giao lưu học thuật Phật giáo mà còn là cầu nối văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch tâm linh và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.
Trở lại Việt Nam sau năm năm, Vesak tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) - được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới, trở thành tâm điểm của hơn 3.000 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia. Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Vesak thể hiện rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo trong thời đại mới.
Nâng tầm Phật giáo Việt Nam
Có thể thấy, ba kỳ Vesak tại Việt Nam không chỉ thành công về mặt tổ chức mà còn khẳng định vị trí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới, góp phần lan tỏa thông điệp từ bi, trí tuệ và hòa bình đến với nhân loại.
Bày tỏ ấn tượng với sự kiện năm 2019, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch thường trực Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc cho rằng Vesak là khoảng thời gian tuyệt vời thể hiện lòng mến khách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và con người Việt Nam.
Đầu năm nay, trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Việt Nam, Hòa thượng đánh giá cao các hoạt động Phật giáo tại Việt Nam cũng như những đóng góp thiết thực, tích cực, có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các hoạt động Phật giáo quốc tế, đồng thời luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trên thế giới.
Hòa thượng Phra Brahmapundit tin tưởng Vesak 2025 tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được tổ chức thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đại biểu và bạn bè quốc tế, lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa, tinh thần nhân văn, nhân ái của Phật giáo trong cộng đồng quốc tế.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất.
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: Việc đăng cai Đại lễ Vesak lần thứ tư tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Giáo hội ngày càng trở thành ngọn hải đăng, định hướng các hoạt động quốc tế của Phật giáo, lan tỏa giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Thông điệp ý nghĩa từ nước chủ nhà
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế ý nghĩa với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước ta trong năm 2025 – một năm với nhiều dấu ấn và kỷ niệm chuỗi sự kiện lịch sử quan trọng.
Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak khẳng định: Chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” là thông điệp thể hiện rõ những vấn đề cốt lõi mà Liên hợp quốc đang hướng đến, gồm hòa bình, phát triển bền vững và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Là nước chủ nhà, Việt Nam đề xuất đưa yếu tố “đoàn kết” và “bao dung” vào chủ đề để bạn bè quốc tế thấy được thành tựu to lớn của đất nước sau 50 năm thống nhất, đang bước vào kỷ nguyên mới nhờ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Qua đây, Việt Nam gửi gắm thông điệp yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với các nước.
Đáng chú ý, tại Đại lễ năm nay, việc chiêm bái xá lợi Phật từ Ấn Độ thu hút sự quan tâm lớn của nhân dân và Phật tử. Là Bảo vật quốc gia, mỗi lần xá lợi xuất ngoại đều được Chính phủ Ấn Độ coi như chuyến công du cấp nguyên thủ.
Hòa thượng Thích Đức Thiện cho biết, để cung nghinh xá lợi Phật, ngày 31/12/2024, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đề nghị Chính phủ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam rước xá lợi Đức Phật sang Việt Nam.
Sau quá trình đàm phán và trao đổi, Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý. Đoàn tiền trạm gồm đại diện Bộ Văn hóa, các chuyên gia khảo cổ học, lãnh đạo Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ có mặt ở Việt Nam từ ngày 18/4 để tiền trạm các nơi dự kiến tôn trí xá lợi Đức Phật.
Cùng với xá lợi Đức Phật, Đại lễ Vesak năm nay còn đặc biệt tôn trí trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức – vị hòa thượng đã tự thiêu để phản đối chiến tranh, một hành động chấn động lương tri nhân loại, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Hình ảnh đó không chỉ là biểu tượng cho lòng từ bi và trí tuệ mà còn là minh chứng cho sức mạnh tâm linh và sự dấn thân của đạo Phật trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Đoàn Ấn Độ đã có chuyến khảo sát tại chùa Thanh Tâm, nơi sẽ tôn trí Xá Lợi Phật - Bảo vật quốc gia Ấn Độ tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: BTC)
Thắt chặt tình đoàn kết quốc tế
Với 19 kỳ tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc và các nước trên thế giới, Vesak không chỉ là dịp để các Phật tử trên thế giới cùng nhau tưởng niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là ngày hội thắt chặt tình đoàn kết quốc tế.
Với quy mô và ý nghĩa của một sự kiện đối ngoại quan trọng, thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các mặt công tác hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội tổ chức thành công Đại lễ.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Vesak là cơ hội giới thiệu những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và hữu nghị.
Thông qua việc tổ chức góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết tới bạn bè quốc tế; khẳng định với cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo và đời sống tự do tôn giáo ở nước ta”.
TP. Hồ Chí Minh - nơi hội tụ đa dạng văn hóa và tôn giáo, được kỳ vọng là không gian lý tưởng để thể hiện tinh thần khoan dung và trách nhiệm toàn cầu trong kỷ nguyên hội nhập. Tuyên bố Vesak 2025 tại thành phố mang tên Bác cũng sẽ thể hiện đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra từ ngày 6-8/5 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của khoảng 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; Giáo sư, Tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhân sĩ trí thức Phật giáo trên thế giới và kiều bào ở các nước.
Dự kiến, tham dự sự kiện có Tổng thống Sri Lanka, Phó Thủ tướng Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia, quan chức Liên hợp quốc, Đại sứ các nước tại Việt Nam. Đại biểu trong nước dự kiến có khoảng 1.500 người.
AN BÌNH
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/vesak-2025-tiep-noi-tinh-than-vi-hoa-binh-312336.html