Bài cuối: Theo đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Cà Mau
Sau khi đã đến hầu hết các tỉnh, thành phố, đoàn chúng tôi trải qua ngày thứ 16 cuộc hành trình tại thác Bản giốc và Khu di tích lịch sử Pác Bó (đều thuộc tỉnh Cao Bằng). Để rồi từ đó, chúng tôi đi dọc theo mạn phía tây đất nước xuôi về nam trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường cứu nước trong chiến tranh và ngày nay cũng con đường này góp phần đưa đất nước đi lên thịnh vượng!
Ở nơi “đầu nguồn”
Suối Lê Nin và núi các Mác - Khu di tích lịch sử Pác Bó
Khu di tích lịch sử Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trong văn hóa người Tày - Nùng, “Pác Bó” có nghĩa là “đầu nguồn”. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng sau 30 năm tìm đường cứu nước. Nơi đây vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn các chứng tích và dấu ấn về Bác Hồ như suối Lê Nin, núi Các Mác, bàn đá nơi Bác từng ngồi làm việc, hang Pác Bó,...
Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang. Bài thơ của Bác được khắc dựng tại đầu suối, nơi có chiếc “bàn đá” chông chênh. Núi Các Mác vẫn sừng sững soi mình xuống suối Lê Nin trong xanh. Tôi nhặt một hòn đá ở núi Pác Bó để về đặt cạnh nắm đất phù sa tôi đã đem về từ mũi Cà Mau.
Cách Khu di tích lịch sử Pác Bó vài kilômét có cột trụ cao, trên ấy ghi “Đường Hồ Chí Minh - Điểm đầu Cao Bằng - Km0”. Hàng đoàn người xếp hàng chờ đợi để được chụp ảnh. Cách đây vài năm, tôi cũng từng đứng chụp ảnh bên cột mốc ở mũi Cà Mau “Đường Hồ Chí Minh - Điểm cuối Cà Mau - Km2436”.
Đường Hồ Chí Minh chủ yếu chạy qua vùng núi phía Tây, là 1 trong 4 tuyến đường giao thông huyết mạch cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam, hiện vẫn còn một số đoạn đang thi công. Tuyến đường được xây dựng trên cơ sở nâng cấp và mở rộng một số tỉnh lộ, quốc lộ, làm mới một số đoạn liên kết. Dự kiến, sau năm 2030, tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp để trở thành đường cao tốc Bắc Nam nhánh Tây.
Chúng tôi đến viếng Khu di tích Kim Đồng ở gần đó trước khi lên xe trực chỉ phương Nam trên con đường mang tên Bác.
Có 2 Cột mốc số
Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh - Cao Bằng
Rời Pác Bó, con đường đi qua nhiều đèo cao, đến TP.Cao Bằng, TP.Bắc Kạn, rồi về vùng trung du Bắc Bộ, qua cầu Bình Ca bắc ngang sông Lô, về Tuyên Quang, Phú Thọ. Nắng chói sông Lô/Hò ơ tiếng hát/ Chuyến phà rào rạt/ Bến nước Bình Ca/ Ai đi Phú Thọ/ Ai qua Trung Hà… (Ta đi tới - Tố Hữu). Con đường tiếp tục đi ngang qua nhưng địa danh nổi tiếng: Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh), Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn,...
Đến đoạn giáp ranh Huế - Đà Nẵng, con đường cũng vượt đèo, nhưng chỉ là đèo nhỏ, cũng hầm xuyên núi, nhưng rất ngắn, cùng với đó là những cây cầu cạn nối núi này với núi kia, tạo nên một cung đường rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất trên suốt tuyến đường. Buổi sáng, mặt trời vừa ló dạng phía Đông dãy Trường Sơn thả những tia nắng sớm xuống mặt đường lấp lóa, đường Hồ Chí Minh như một “vệt nắng xuyên Việt” kết nối các vùng, miền trên đất nước đang vươn mình tươi sáng.
Tuyến đường vào khu vực Tây Nguyên ở vùng Ngọc Linh hùng vĩ (Bắc Kon Tum - Nam Quảng Nam), tiếp tục vào huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), gần Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, nơi có điểm đến nổi tiếng Ngã ba Đông Dương “một tiếng gà gáy người dân 3 nước đều nghe”, trước khi đi qua các đô thị sầm uất như TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk),... Hầu hết tuyến đường đều tốt, xe chạy êm, khung cảnh thanh bình, ít phải dừng chờ như đi trên Quốc lộ 1. Có một số đoạn đang được nâng cấp thành đường cao tốc.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Trung
Có một điều thú vị là đường Hồ Chí Minh có đến 2 cột mốc số 0, một ở Cao Bằng (như đã kể) và một ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Vào ngày 19/5/1959, Trung ương quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam - sau này trở thành đường Hồ Chí Minh - tại địa điểm nói trên. Điểm xuất phát tuyến đường tại thị trấn Tân Kỳ được đánh dấu bằng cột mốc số 0. Năm 1990, Cột mốc số 0 ở Tân Kỳ được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.
Thành nhà Hồ và nơi tụ nghĩa Lam Sơn
Đền thờ Lê Lai
Một điều thú vị khác là nhờ đi trên đường Hồ Chí Minh mà chúng tôi có cơ hội viếng Thành Nhà Hồ và Đền thờ Lê Lai cùng nơi tụ nghĩa Lam Sơn, những nơi con đường chạy qua. Thành Nhà Hồ từng là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Hồ), nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đến xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, rời khỏi đường Hồ Chí Minh một đoạn ngắn, chúng tôi vào viếng Đền thờ Lê Lai. Đền thờ khá đẹp, cổ kính, khuôn viên rộng, nhiều cây cổ thụ, hồ nước,... Con đường vào đền đang được cán bêtông nhựa sạch đẹp. Vào năm 1416, Lê Lai và Lê Lợi cùng 17 người tổ chức hội thề Lũng Nhai.
Năm 1419, khi nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm trên núi Chí Linh, không còn đường rút lui, Lê Lai đã đổi áo bào cho Lê Lợi, liều mình cứu chúa và bảo vệ lực lượng. Ông cưỡi voi xông ra trận phá vòng vây nhưng do lực lượng quân địch quá mạnh, Lê Lai đã bị bắt và xử chém. Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn.
Ghi nhớ công ơn của ông, Lê Lợi cho lập đền thờ và cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu “ 21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”. Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 21, 22 tháng 8 Âm lịch hàng năm, người dân gần xa tụ hội về Đền thờ Lê Lai và Khu di tích Lam Kinh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập cho đất nước.
Cách Đền thờ Lê Lai khoảng 5km là Khu di tích Lam Kinh. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Thành điện Lam Kinh có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Nơi mở màn Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Tượng đài Chiến thắng ở TP.Buôn Ma Thuột
Chúng tôi đến Buôn Ma Thuột khi thành phố này làm lễ mừng ngày giải phóng đã hơn 1 tháng nhưng cờ hoa, không khí ngày lễ vẫn còn. Đặc biệt là tại tượng đài Chiến thắng tại trung tâm thành phố, nơi có chiếc xe tăng đặt trên bệ cao, luôn có du khách đến chụp ảnh lưu niệm.
Ngày 10/3/1975, trận đánh vào Buôn Ma Thuột mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Buôn Ma Thuột cho thấy nghệ thuật quân sự Việt Nam đạt tới trình độ cao.
Ngoài biểu tượng của chiến thắng, tôi còn thích TP.Buôn Ma Thuột ở sự hài hòa giữa xưa và nay, giữa thiên nhiên và con người, hiếm có thành phố nào trên cả nước còn giữ được cả một khu rừng giữa lòng thành phố.
Sau khi qua Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), rồi Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), do đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa chưa thông xe nên chúng tôi phải rời khỏi con đường để đi qua Bình Dương, Củ Chi, rồi nhập lại đường Hồ Chí Minh ở Hậu Nghĩa, còn mang tên là tuyến N2.
Tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh về đến vùng đất Bo Bo, xe rẽ vào Đường tỉnh 818 mới nâng cấp rộng rãi, phẳng lì để về nhà. Lúc đó, huyện Thủ Thừa và TP.Tân An trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng hồ chỉ toàn chuyến đi là 7.000km, sau 20 ngày.
Vì có việc gấp ở nhà nên chúng tôi không tiếp tục đi theo đường Hồ Chí Minh đến tận Cà Mau nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình trước ngày 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với Tây Ninh nhập lại còn 6 tỉnh./.
Nguyễn Phấn Đấu