Vấn đề đáng quan tâm duy nhất chỉ còn là: Châu Âu sẽ lựa chọn con đường nào, để định hình lại mối quan hệ ngoại giao giữa họ với "người bạn cũ" đang một lần nữa trở nên khắc nghiệt - nước Mỹ?
"Chương tiếp theo" của quá khứ
Nhìn lại và đặt những điểm nhấn chính theo dòng tuyến tính thời gian, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ nét hơn tình cảnh "mất phương hướng" mà các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen đã rơi vào, trong hiện tại.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance có bài phát biểu chấn động tại Hội nghị An ninh Munich.
Điểm khởi đầu của những ngã rẽ đầy kịch tính này không phải là hình ảnh Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen bất ngờ rơi nước mắt khi phát biểu bế mạc trước báo giới, cũng không phải bài phát biểu gây choáng váng cho toàn cựu lục địa của Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance, mà cũng không phải là những động thái cứng rắn về vấn đề thuế quan (cùng các tuyên bố gây sốc, chẳng hạn như về lãnh thổ Greenland thuộc Đan Mạch) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thậm chí, tất cả những điều này cũng không bắt nguồn từ chuyện suốt năm 2024, giới lãnh đạo cấp cao châu Âu đã không che giấu rằng họ ủng hộ đối thủ tranh cử của ông Trump - cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, và sau đó là bà Kamala Harris - trong cuộc chạy đua giành ngôi vị chủ nhân Nhà Trắng.
Thực tế, hiện tại chỉ là chặng tiếp nối của những gì từng xảy ra trong quá khứ - 4 năm đầy căng thẳng, sức ép, các đòi hỏi đóng góp tài chính vào trách nhiệm phòng thủ chung... dành cho các đồng minh truyền thống châu Âu, ở nhiệm kỳ thứ nhất mà ông Donald Trump giành được quyền lãnh đạo nước Mỹ, đến mức độ mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu khi ấy (đương kim Thủ tướng Ba Lan bây giờ) Donald Tusk từng mỉa mai: "Với một người bạn như ông ta thì ai cần kẻ thù nữa chứ?", hay "Trump khiến chúng ta nhận ra: Nếu cần một bàn tay giúp đỡ, chúng ta luôn có thể tìm thấy nó, ở... cuối cánh tay của chính mình". Khi đó, cũng là lần đầu tiên, ý tưởng về việc thành lập "Quân đội châu Âu" riêng biệt, độc lập với NATO, được đề cập một cách nghiêm túc, bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Quãng thời gian đó là lý do đầy sức nặng để châu Âu chọn ủng hộ các ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ, chứ không phải liên danh Trump - Vance. Nó cũng là tiền đề cho việc khi đắc cử, ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã ngay lập tức thúc đẩy áp dụng "bản nâng cấp" của chiến lược cũ vào hiện thực, với các luận điểm then chốt mới được tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định trên truyền thông, hồi đầu tháng 2, trong một cuộc trả lời phỏng vấn không chút úp mở, đậm đặc tính thực dụng truyền thống theo "phong cách Mỹ": "Cách thế giới vẫn luôn vận hành là người Trung Quốc sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, người Nga sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Nga, người Chile sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Chile và người Mỹ cần phải làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ... Nhiều đồng minh của chúng ta trong NATO không đóng góp đủ để đảm bảo an ninh của chính họ...
Các quốc gia như Pháp, Đức - những nền kinh tế lớn, hùng mạnh - không chi nhiều cho an ninh quốc gia. Tại sao? Bởi vì họ dựa vào NATO. Họ nói: chúng ta không cần phải chi nhiều như vậy cho quốc phòng vì quân đội Mỹ đang ở đây và nếu bị tấn công, họ sẽ là lực lượng bảo vệ của chúng ta. Khi hỏi những quốc gia đó tại sao bạn không thể chi nhiều hơn cho an ninh quốc gia, lập luận của họ là vì điều đó sẽ yêu cầu phải cắt giảm các chương trình phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp, khả năng nghỉ hưu ở tuổi 59 và tất cả những thứ khác. Đó là lựa chọn của họ. Nhưng, chúng ta đang trợ cấp cho điều đó... Đó không phải là liên minh nữa rồi. Đó là sự phụ thuộc, và chúng ta không muốn như vậy...".
Quay đi vướng núi, trở lại mắc sông
Sau khi "lên lớp" cho các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich về khái niệm "nền dân chủ", Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance "ngửa bài": "Đây là hội nghị an ninh và tôi chắc rằng tất cả các quý vị đến đây đều đã chuẩn bị để nói chính xác về cách các quý vị dự định tăng chi tiêu quốc phòng trong vài năm tới theo một số mục tiêu mới".
Do đó, sau khoảnh khắc "vụn vỡ" của Chủ tịch Hội nghị Christoph Heusgen, một cuộc họp cấp cao được lên lịch tại Điện Elysee, mà tại đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer hùng hồn tuyên bố rằng London (cùng Paris) sẵn sàng "triển khai lực lượng trên bộ ở Ukraine nếu cần thiết", trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen kêu gọi các nước EU gia tăng chi tiêu quốc phòng (đúng như điều nước Mỹ đòi hỏi), vì: "An ninh của châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt. Đúng, vấn đề là về Ukraine - nhưng cũng là về chúng ta", giữa một bầu không khí sôi sục công phẫn, đầy những lời phản bác dành cho "phát súng lệnh" từ Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance.
Không phải đồng minh châu Âu nào cũng có cùng suy nghĩ với Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Có điều, mức đóng góp 5% GDP cho ngân sách quốc phòng không chỉ là một gánh nặng, mà còn là một "nhiệm vụ bất khả thi" đối với không ít thành viên NATO ở châu Âu, trong hiện trạng cực kỳ khó khăn lúc này. Nó có thể phá hủy các kết cấu kinh tế - xã hội vốn đang oằn mình chống đỡ lạm phát và sự gia tăng chi phí sinh hoạt. Hay, nói đúng hơn, bối cảnh hiện thực ở châu Âu những năm qua đã chấm dứt chuỗi 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ ở Anh, mở đường cho ông Keir Starmer trở thành Thủ tướng Công đảng kế nhiệm 3 Thủ tướng đảng Bảo thủ, chỉ mới từ năm 2022. Bên kia eo biển Manche, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lâm vào tình cảnh trơ trọi trong Chính phủ Pháp. Còn tại Đức, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, rất có thể ông Olaf Scholz sẽ trở thành cựu Thủ tướng.
Và, như thế, đã có gì diễn ra tại Điện Elysee? Chúng ta có một cuộc điện đàm hối hả giữa Tổng thống Pháp với Tổng thống Mỹ, trước khi cuộc gặp diễn ra. Để rồi, 2 phái đoàn cấp cao Mỹ và Nga gặp nhau ở Saudi Arabia mà không có sự tham dự của đại diện châu Âu nào, xác lập rằng thế cô lập dành cho Moscow đã bị Washington phá vỡ.
Trong khi đó, ở Paris, câu hỏi: "Tiếp tục phụ thuộc về an ninh, hay vươn lên tự chủ?" vẫn không thể có một lời giải rõ ràng, cho dù theo tờ Le Monde: "Sự mập mờ của châu Âu đã kết thúc đột ngột tại Munich. Từ giờ trở đi, an ninh của lục địa phụ thuộc chủ yếu vào chính châu Âu và vào khả năng duy trì sự thống nhất của họ".
Sự đồng thuận ấy vẫn là một mệnh đề để ngỏ, khi những vết rạn tiếp tục xuất hiện, không phải giữa hai bờ Đại Tây Dương, mà ngay trong nội bộ cựu lục địa. Trái với quan điểm hùng hồn của nước Anh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc thảo luận về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine khi chiến sự còn đang tiếp diễn là "hoàn toàn vội vã" và "không phù hợp". Theo ông, cuộc tranh luận về chủ đề này là "không đúng thời điểm, không đúng chủ đề" và ông nhận được sự nhất trí từ Ngoại trưởng Tây Ban Nha Manuel Albares - người cho rằng "hiện tại không ai có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, đặc biệt là khi hòa bình vẫn xa vời".
Dù vậy, kết thúc cuộc họp thượng đỉnh tại Paris, Thủ tướng Đức Scholz một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương: "Không được phân chia an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Mỹ. NATO dựa trên việc chúng ta luôn hành động cùng nhau và chia sẻ rủi ro, qua đó đảm bảo an ninh của chúng ta. Điều này không được phép bị nghi ngờ". Thực ra, đến cả Thủ tướng Anh cũng thừa nhận, theo The New York Times: "Sự bảo đảm an ninh của nước Mỹ là tối quan trọng cho một nền hòa bình lâu dài".
Đến ngày 19/2, nghĩa là chưa đầy 24 giờ sau, tờ Le Figaro dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Nước Pháp không sẵn sàng gửi binh sĩ, với tư cách là bên tham chiến trong một cuộc xung đột, tới chiến trường Ukraine".
Châu Âu, dường như, vẫn trong một mớ "bòng bong"...
Thiên Thư