Các đại biểu tham dự sự kiện “Vì 1 triệu mái ấm gia đình Việt” tại TP. Hồ Chí Minh, sáng 17.11 chụp hình lưu niệm. Ảnh: Nhật Trường
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Luật Đất đai 2024 đã được tham gia ý kiến nhiều vòng, qua 4 kỳ họp của Quốc hội (gồm cả kỳ họp bất thường tháng 1.2024; Quốc hội thông qua ngày 18.1.2024), có hiệu lực từ 1.8.2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu), trừ một số điều khoản có hiệu lực sớm hơn (Điều 190 về hoạt động lấn biển và Điều 248 quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có hiệu lực từ 1.4.2024).
Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định được định giá đất theo nguyên tắc thị trường (bỏ khung giá đất ban hành 5 năm/lần như hiện nay; bảng giá đất được ban hành hàng năm từ 1.1.2026; các phương pháp ban hành bảng giá đất: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, quy định rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, trách nhiệm của Tổ chức tư vấn định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất…
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ những điểm mới của các Luật tại chương trình. Ảnh: Nhật Trường
Luật Đất đai 2024 cũng mở rộng đối tượng sử dụng đất (bao gồm cả “người gốc Việt Nam”); mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tích tụ đất đai. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 còn cụ thể hóa quy định khâu quy hoạch và đẩy mạnh phân cấp ủy quyền về quản lý nhà nước về đất đai; quy định rõ các trường hợp thu hồi đất gắn với đảm bảo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng: quy định rõ các trường hợp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất hoặc lựa chọn nhà đầu tư; linh hoạt hơn trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm và bổ sung các trường hợp được miễn/giảm tiền thuê đất. Quy định chi tiết thông tin, dữ liệu đất đai và trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đất đai; bổ sung các điều kiện kinh doanh và chế tài để tăng hiệu lực thực thi của Luật đất đai 2024; các quy định chuyển tiếp linh hoạt góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng lâu nay.
Chương trình thu hút đông đảo khách mời, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội tham gia. Ảnh: Nhật Trường
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng thông tin các điểm mới của Luật Nhà ở 2023. Theo đó, Luật sửa đổi có nhiều điểm mới quan trọng, thể chế hóa chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16.6.2022, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán với Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi (2023) và Luật Đất đai (sửa đổi) 2024…
Luật Nhà ở 2023 cho phép cấp giấy chứng nhận nếu chung cư mini đáp ứng các điều kiện của pháp luật; ban hành, sửa đổi nhiều chính sách về nhà ở xã hội (NOXH); quy định chi tiết về quản lý Nhà nước về nhà ở; các quy định chuyển tiếp linh hoạt.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện có nhiều Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến việc thực hiện chính sách NOXH cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Ảnh: Nhật Trường
Còn Luật Kinh doanh BĐS 2023 (Luật số 29/2023/QH15 ngày 28.11.2023, có hiệu lực từ 1.8.2024) được sửa đổi có nhiều điểm mới quan trọng. Theo đó, Luật Kinh doanh BĐS 2023 thống nhất và bổ sung nhiều khái niệm pháp lý quan trọng (như “diện tích sàn xây dựng” nhằm tháo gỡ vướng mắc cho loại hình condotels, officetels, shophouses….).
Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch thông tin BĐS đưa vào kinh doanh được quy định chặt chẽ hơn và bổ sung hành vi bị cấm; quy định rõ và tăng điều kiện kinh doanh BĐS; mở rộng quyền kinh doanh BĐS của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; kết cấu lại, bổ sung, làm rõ các quy định liên quan đến từng loại hình BĐS được đưa vào kinh doanh.
Vấn đề về chuyển nhượng dự án BĐS (chương V) quy định trường hợp bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của sàn giao dịch BĐS và môi giới, tư vấn BĐS (chương VII); quy định chi tiết về việc quản lý thông tin, dữ liệu và quản lý, điều tiết của nhà nước về kinh doanh BĐS 10. Các quy định chuyển tiếp linh hoạt.
Cũng theo tiến sĩ Lực, liên quan đến thực hiện chính sách NOXH, dưới Luật, còn có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan như: Nghị định 94/2024/NĐ-CP ngày 24.7.2024, Nghị định 96/2024/NĐ-CP ngày 24.7.2024, Thông tư số 04/2024/TT-BXD ngày 30.7.2024, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24.7.2024, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25.7.2024, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26.7.2024, Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25.10.2024, Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31.7.2024…
Theo Tiến sĩ Lực, vấn đề NOXH đã và đang được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu về NOXH của người dân. Cụ thể: giai đoạn 2021-2030 nhu cầu 1,1 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn (36%), giai đoạn: 2026 - 2030 nhu cầu 1,3 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng khoảng 0,6 triệu căn (46%).
Tiến độ triển khai “rất khiêm tốn”
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, tình hình triển khai Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" hiện rất “khiêm tốn”. Số lượng dự án hoàn thành: 79 dự án (42.414 căn - tương đương 4% kế hoạch); số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 131 dự án (111.687 căn); số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 412 dự án (411.076 căn).
Tình hình triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay NOXH: theo Bộ Xây dựng. kết quả đến hết quý 3.2024 rất khiêm tốn khi số tiền giải ngân là 1.783 tỷ đồng (tương đương 1,5% quy mô gói). Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp: 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng; đối với người mua nhà: dư nợ là 150 tỷ đồng tại 12 dự án.
Quang Phương - Nhật Trường - Lê Hoa - Khánh Chi