Vì miền Nam ruột thịt

Vì miền Nam ruột thịt
10 giờ trướcBài gốc
Dấy lên phong trào thi đua khắp miền Bắc
Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt vào tháng 3/1964 - một “Hội nghị Diên Hồng” của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói nổi tiếng: “Toàn thể đồng bào miền Bắc ta phải luôn nhớ rằng, trong lúc chúng ta đang sinh hoạt và xây dựng hòa bình thì đồng bào miền Nam ta đang hy sinh, phấn đấu anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng” của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN
Hưởng ứng lời Bác Hồ kính yêu đã dạy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã dấy lên một ngọn lửa của phong trào thi đua yêu nước lôi cuốn hàng triệu thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân trên toàn miền Bắc tham gia. Từ các phong trào đó, nguồn nhân lực, vật lực bất chấp đạn bom của kẻ thù đã xuyên núi, mở đường, băng rừng, vượt biển để kịp thời chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong vai trò hậu phương lớn luôn “thắt lưng, buộc bụng”, sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng để chở sức mạnh hậu phương ra chiến trường, vì một miền Nam thành đồng ruột thịt, “đi trước, về sau”. Những phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... lan rộng khắp miền Bắc khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa lính viễn chinh và đồng minh vào miền Nam và leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, miền Bắc hậu phương đã dốc sức chi viện cho miền Nam tiền tuyến 5,5 triệu tấn xăng dầu, tổng khối lượng vật chất tới các mặt trận là 735 nghìn tấn (giai đoạn 1956 - 1972) và 397 nghìn tấn (1973 - 1974).
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” (1969). Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN
Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến, từ những năm 1960 - 1975, khắp miền Bắc đã dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế vào trận của cả một dân tộc. Thủ đô Hà Nội khởi lên phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, nông dân “Tay cày, tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”, giáo dục “Hai tốt”, học sinh “Nghìn việc tốt”... Ngoài ra, còn nhiều phong trào thi đua rộng lớn khác trên toàn miền Bắc như “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp, “Gió Đại phong” trong nông nghiệp, “Cờ Ba nhất” trong quốc phòng, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục...Thanh niên “Ba sẵn sàng”.
Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân trên vùng trời, vùng biển miền Bắc. Quân và dân miền Bắc đã không hề run sợ, quyết tâm, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lịch sử.
Trong bối cảnh đó, tại phiên họp bất thường ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Đến tháng 3/1965, phong trào đẩy mạnh lên thành cao trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Chỉ sau 1 tuần phát động, đã có 240 nghìn thanh niên ghi tên nguyện “Ba sẵn sàng”, trong đó có 80 nghìn thanh niên xung phong ra trận. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu được treo khắp đường phố “Đâu có giặc, ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đến với tất cả thanh niên.
Nhiệm vụ trung tâm của cả nước lúc này là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Vì vậy, “Ba sẵn sàng” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX, tạo nên một đội quân tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã truyền cảm hứng và phát huy cao độ tiềm năng to lớn của nhiệt huyết và sức trẻ trong thanh niên cả nước, thể hiện tính sáng tạo, sức vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” của hậu phương miền Bắc cùng với phong trào “Năm xung phong” của tiền tuyến lớn miền Nam đã khơi dậy đam mê, tạo động lực, truyền cảm hứng tinh thần tuổi trẻ đưa hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều tấm gương anh hùng của những tập thể, cá nhân anh hùng trong phong trào “Ba sẵn sàng” là những hình mẫu tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng trong một dân tộc anh hùng.
Phụ nữ “Ba đảm đang”
Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”, sau đó được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang” Phong trào có 3 nội dung chính: Đảm đang sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm đang gia đình, động viên chồng con, anh em đi chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Phong trào “Ba đảm đang” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và chạm đến sâu thẳm trái tim của hàng triệu phụ nữ miền Bắc, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, phụ nữ miền Bắc cùng chung một khát vọng, một lý tưởng, một hoài bão đảm đang vì Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt. Không quản ngày đêm, mưa nắng, hay trong bom đạn của kẻ thù, chị em hăng say lao động, sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần, ý chí “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”...
Chỉ sau vài tháng phát động, có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia phong trào “Ba đảm đang”. Cùng với phong trào “Đồng khởi”, “Đội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam, hàng chục nghìn phụ nữ miền Bắc đã hy sinh tuổi xuân, tạm gác chuyện gia đình, xa quê hương để xung phong tình nguyện tham gia các đội dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên nhiều cung đường đầy mưa bom bão đạn với tinh thần “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Học sinh Trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào "Ba đảm nhiệm", sau này là phong trào phụ nữ "Ba đảm đang". Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN
Các đơn vị thanh niên xung phong N23, N25, N35, N37, N39, N41, N43, N45, N300... đã lao động sáng tạo, bất chấp mưa bom bão đạn để mở đường chiến lược xuyên núi rừng Trường Sơn hiểm trở, nối liền mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông thì không thể tắc”. Những tuyến đường 20 - Quyết Thắng, đường 15, đường 128 cùng với các “tọa độ lửa” như cầu Hàm Rồng, cầu Cấm, cầu Hoàng Mai, Truông Bồn, Đồng Lộc, Cua chữ A, Cổng Trời, Đồi 37, phà Bến Thủy, phà Xuân Sơn, phà Long Đại... đã in dấu rất nhiều nữ thanh niên xung phong miền Bắc, lập nhiều chiến công xuất sắc, viết nên những trang sử vàng chói lọi. Sự cống hiến và hy sinh của các nữ thanh niên xung phong là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thế hệ trẻ nghe nhân viên Bảo tàng Quân khu 5 tại TP.Đà Nẵng thuyết minh về chiếc xe đạp thồ và đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: PHƯƠNG LÝ
Khởi nguồn từ Đan Phượng, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào “như diều gặp gió” lan rộng toàn miền Bắc. Làn gió mới thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương đã được các chị em ở khắp nơi hưởng ứng, thực hiện theo cách riêng của mình. Phong trào “Ba đảm đang” đã tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống của phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần tô thắm lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam anh hùng.
“Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã trở thành một cao trào sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường của hầu hết thanh niên miền Bắc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tròn 50 năm. Thắng lợi vĩ đại này thể hiện sức mạnh diệu kỳ của dân tộc Việt Nam, là “chiến thắng của ý chí, lương tri, phẩm giá và trí tuệ Việt Nam”, là thành quả của sự hội tụ nhiều nhân tố, trong đó không thể tách rời vai trò của các phong trào thi đua yêu nước đến từ hậu phương miền Bắc với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Những thế hệ vinh dự đã từng được sống, làm việc và chiến đấu trong phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” ngày ấy đã rất đỗi tự hào vì họ đã đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TRẦN TRUNG HIẾU
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/vi-mien-nam-ruot-thit-cc8030c/