Sáng 10/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội
Phân loại rõ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” để xác định trách nhiệm
Một số ý kiến cho rằng, thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” còn chung chung, chưa bao quát các hoạt động quảng cáo trên mạng; đề nghị làm rõ hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” thành “tổ chức, cá nhân chuyển tải sản phẩm quảng cáo”. Có ý kiến khác đề nghị bỏ quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, thay vào đó quy định về người thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội.
Giải trình nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết dự thảo Luật bổ sung quy định đối với “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” nhằm mục đích giải quyết vấn đề thực tiễn nhiều đối tượng lợi dụng người có ảnh hưởng để chuyển tải quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngoài ra còn điều chỉnh cả những người sử dụng các hình thức chuyển tải quảng cáo trực tiếp.
Để hoàn thiện thuật ngữ này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã làm rõ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” bảo đảm bao quát thực tiễn, tương thích với nội dung giải thích các thuật ngữ “người quảng cáo”, “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo”, “người phát hành quảng cáo”; chỉnh lý thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” theo hướng điều chỉnh 2 loại đối tượng:
Một là, người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng.
Hai là, người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.
Đối với đối tượng là người trực tiếp quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật bổ sung hoàn thiện khái niệm, không chỉ “quảng cáo” mà còn khuyến nghị, xác nhận. Điều này nhằm tránh trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thừa nhận hành vi quảng cáo mà chỉ thừa nhận việc thực hiện cung cấp thông tin đơn thuần về sản phẩm, dịch vụ hoặc nêu ra trải nghiệm của mình với sản phẩm, dịch vụ để né tránh bị xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Quang cảnh phiên họp tại hội trường Quốc hội, sáng 10/5. Ảnh: Quốc hội
Đối với đối tượng là người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức sử dụng mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với trường hợp có mục đích quảng cáo và sinh lợi nhằm bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế và sẽ bị xử lý theo quy định nếu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Dự thảo Luật không điều chỉnh đối với những người đóng quảng cáo trên truyền hình, báo chí vì đây là những sản phẩm quảng cáo, phải tuân thủ theo quy định về sản phẩm quảng cáo và người phát hành quảng cáo (đài truyền hình, các cơ quan báo chí) là chủ thể chịu trách nhiệm về những sản phẩm quảng cáo này.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung giải thích thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”. Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”, chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bổ sung thêm chế tài xử phạt các vi phạm quảng cáo
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu các cơ chế quản lý hợp lý, tăng cường chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã đã chỉ đạo rà soát, thể chế hóa trong dự thảo Luật nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, đặc biệt là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật quảng cáo.
Theo Điều 11 về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định:
1. Cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo.
Đỗ Thảo