Vì sao Ấn Độ chưa thể trở thành 'công xưởng sản xuất' của thế giới?

Vì sao Ấn Độ chưa thể trở thành 'công xưởng sản xuất' của thế giới?
2 ngày trướcBài gốc
Dù Ấn Độ đã ghi nhận những thành công nhất định trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, nhiều ngành công nghiệp khác vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ từ lâu đã nuôi tham vọng trở thành cường quốc sản xuất, với mục tiêu biến quốc gia thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI) với nguồn ngân sách khổng lồ lên tới 1.970 tỷ rupee (tương đương 23 tỷ USD).
Chương trình này được xem là một bước tiến quan trọng trong sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India), tập trung vào 14 lĩnh vực trọng điểm như hàng không vũ trụ, ôtô, điện tử, dược phẩm và dệt may.
Mục tiêu chính của chương trình là nâng tỷ trọng sản xuất trong GDP lên 25% vào năm 2025, đồng thời tạo ra sản lượng/doanh số đạt 15.520 tỷ rupee (181,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình PLI đang gặp phải nhiều thách thức. Tỷ trọng sản xuất trong GDP Ấn Độ đã giảm xuống còn 14% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, thấp hơn so với mục tiêu đề ra.
Tính đến tháng 11/2024, sản lượng/doanh số đạt được chỉ khoảng 14.000 tỷ rupee (163,6 tỷ USD), cũng thấp hơn so với kỳ vọng.
Dù Ấn Độ đã ghi nhận những thành công nhất định trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, nhiều ngành công nghiệp khác vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Ấn Độ có thể không gia hạn chương trình PLI do những kết quả không mấy khả quan.
Số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 11 năm ngoái, đã có 764 công ty đăng ký tham gia chương trình PLI, với tổng số vốn đầu tư lên tới 1.610 tỷ rupee (18,8 tỷ USD).
Danh sách công ty tham gia bao gồm những tên tuổi lớn như nhà cung cấp Foxconn của Apple, tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ và hãng xe Mahindra and Mahindra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các công ty vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, và quá trình trợ cấp bị trì hoãn đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
Vấn đề mang tính hệ thống
“Mặc dù tương lai của chương trình PLI tại Ấn Độ vẫn còn bỏ ngỏ, việc phân tích kỹ lưỡng các vấn đề mang tính hệ thống mà quốc gia này đang đối mặt là rất cần thiết để hiểu rõ hơn về những thách thức trong quá trình hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc sản xuất”, CNBC nhận định.
Các chuyên gia từ CNBC's Inside India nhận định rằng những hạn chế trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ không chỉ được phơi bày qua kết quả của chương trình PLI, hay sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) nói chung.
Ông Dhiraj Nim, một chiến lược gia ngoại hối và kinh tế tại Ngân hàng ANZ, nhấn mạnh: "Không có bằng chứng nào cho thấy chương trình PLI sẽ hiệu quả trên cả 14 lĩnh vực. Chương trình này chỉ đạt được thành công ở một số lĩnh vực ngách. Nhưng hoạt động sản xuất tại Ấn Độ đã bị kìm hãm trong một thời gian dài, do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, khiến ngành này kém cạnh tranh hơn so với các trung tâm sản xuất toàn cầu khác”.
Những lỗ hổng trong chính sách, bao gồm gánh nặng quy định, luật lao động thiếu linh hoạt và môi trường kinh doanh khó khăn, đang cản trở sự phát triển của ngành sản xuất. Bên cạnh đó, Ấn Độ là một nền kinh tế định hướng dịch vụ, tập trung vào công nghệ và các trung tâm dịch vụ toàn cầu hơn là sản xuất, dẫn đến tình trạng lực lượng lao động không thể đáp ứng nhu cầu của ngành sản xuất.
Ấn Độ đang đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng không thể phủ nhận quốc gia này vẫn sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng, tạo ra lực đẩy phát triển. Ảnh: Reuters.
Ông Nim cũng chỉ ra rằng “khoảng cách kỹ năng” trong các lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may đã ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và sản lượng của Ấn Độ, trong khi các thị trường mới nổi khác như Bangladesh, Philippines, Việt Nam, Morocco và Mexico lại đạt được kết quả tốt hơn.
Những quốc gia này có lợi thế về lao động, giá cả cạnh tranh, trong khi đồng rupee của Ấn Độ lại thiếu khả năng cạnh tranh so với các đồng tiền khác trong 15-20 năm qua.
Ông Nim kết luận: "Đây là những thách thức mang tính cấu trúc mà Ấn Độ đã phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Không có giải pháp ngắn hạn nào cho các vấn đề này”.
Những lực đẩy chính
Ấn Độ đang đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng không thể phủ nhận quốc gia này vẫn sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng, tạo ra lực đẩy phát triển.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là dân số trẻ và thành thị đang gia tăng, đi kèm với thu nhập khả dụng ngày càng cao, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng.
Điều này đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm cách gia tăng sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Ông Anupam Singhal, Giám đốc sản xuất toàn cầu tại TCS Global thuộc Tata Group, nhận định: "Tất cả nhà sản xuất lớn đều đã hoặc đang cân nhắc việc mở nhà máy tại Ấn Độ. Ấn Độ được coi là quốc gia trẻ nhất, với lực lượng tiêu dùng trẻ năng động. Để cạnh tranh, các công ty cần hiện diện ở đây”.
Thậm chí, những công ty đã rời đi cũng đang tìm cách quay trở lại. Điển hình là Ford Motors. Công ty đang cân nhắc tái gia nhập thị trường Ấn Độ với một nhà máy tại Chennai, Tamil Nadu.
Bên cạnh những lợi thế về nhân khẩu học, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và các quốc gia như Trung Quốc, Mexico và Canada đã biến Ấn Độ thành một "vị trí chiến lược" cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Ông Samir Kapadia, Tổng giám đốc điều hành của India Index, cho rằng khi các quốc gia như Trung Quốc đối mặt với mức thuế ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp sẽ bị triệt đường kinh doanh.
Ông Kapadia nhấn mạnh: "Mọi người đến Ấn Độ vì nhu cầu cấp thiết".
Ông cũng chỉ ra rằng Ấn Độ mang đến lợi thế về chi phí và quy mô, cùng với lợi thế cạnh tranh lớn trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, hàng không vũ trụ, quốc phòng và ôtô.
Tương lai phía trước
Tuy Ấn Độ đang sở hữu những lợi thế tiềm năng, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Nước này vẫn có thể bị ảnh hưởng từ các kế hoạch thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Ấn Độ.
Ấn Độ đang xem xét giảm thuế đối với 55% hàng nhập khẩu từ Mỹ. Hiện tại, mức thuế này dao động từ 5% đến 30%.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cả dịch vụ, đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 778,21 tỷ USD trong năm tài chính 2023-2024. Các sáng kiến thúc đẩy mục tiêu này bao gồm hoàn thuế và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do hơn, như với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ vào cuối năm nay.
Hiện tại, Ấn Độ có 13 FTA, con số này thấp hơn so với các thị trường mới nổi như Việt Nam (17 FTA).
Ông Nim cho rằng việc ký kết các FTA sẽ tạo ra bước ngoặt cho Ấn Độ và giúp duy trì lợi thế, tương tự như Việt Nam. "Nó sẽ giảm bớt rào cản thương mại và tối ưu chi phí, điều này có thể thu hút các công ty nước ngoài đến Ấn Độ, và gia tăng lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất sẽ được hưởng lợi", ông Nim nói thêm.
Huy Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-an-do-chua-the-tro-thanh-cong-xuong-san-xuat-cua-the-gioi-post1541835.html