Vì sao các thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn giữa Nga và Ukraine thường thất bại?

Vì sao các thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn giữa Nga và Ukraine thường thất bại?
một ngày trướcBài gốc
Lệnh ngừng bắn như chưa từng tồn tại
“Không hề có lệnh ngừng bắn nào cả", ông Oleksandr Kharchenko, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Năng lượng tại Kiev, chi sẻ với tờ Kyiv Independent. Ông nói thêm: “Các trạm biến áp và hệ thống khí đốt liên tục trở thành mục tiêu".
Thay vì giảm leo thang, Nga và Ukraine liên tục tố nhau vi phạm thỏa thuận. Moscow tuyên bố đã chặn một UAV Ukraine định đánh vào trạm bơm dầu Kropotkinskaya của Tập đoàn Caspian Pipeline Consortium. Trong khi đó, không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 117 máy bay không người lái vào thành phố Kryvyi Rig và vùng biên giới Sumy chỉ một ngày sau khi hai bên đạt được thỏa thuận.
Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Sky News
Theo Kyiv Independent, phía Ukraine cho biết đã tạm dừng các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào nhà máy lọc dầu, kho nhiên liệu và cơ sở năng lượng trong lãnh thổ Nga theo thỏa thuận, mặc dù vẫn có khả năng nước này tấn công những mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga không nằm trong phạm vi lệnh ngừng bắn. Ngược lại, Nga cáo buộc Ukraine vi phạm bằng các cuộc tấn công hằng ngày vào hạ tầng năng lượng nhưng không đưa ra bằng chứng rõ ràng.
“Không có cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn bằng tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng lớn của Nga. Tuy nhiên, các điểm phân phối điện khu vực vẫn bị tập kích", ông Honchar cho biết. Theo ông, đây không phải là một lệnh ngừng bắn thực sự, mà chỉ là “sự điều chỉnh chiến thuật của Nga”.
Hầu hết các mục tiêu bị tấn công trong thời gian thỏa thuận là tài sản của DTEK – công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine. DTEK từng mất tới 90% công suất phát điện vào giữa năm 2024 do các cuộc không kích của Nga và dù đã khôi phục được một phần, họ vẫn là đích ngắm chính bởi các nhà máy điện chạy than của công ty cung cấp nguồn điện cực đại thiết yếu cho lưới điện quốc gia.
Một ngày sau khi Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn kết thúc, Tổng thống Putin bất ngờ công bố một lệnh ngừng bắn mới nhân dịp lễ Phục sinh, kéo dài từ 18 giờ ngày 19/4 đến nửa đêm 21/4. Dù giao tranh đã giảm nhẹ ở một số khu vực và con số thương vong do phía Ukraine đưa ra lần đầu tiên tụt xuống dưới mốc 1.000 trong suốt nhiều tháng, các binh sĩ Kiev vẫn cho rằng họ không nhận thấy dấu hiệu thực tế nào của một lệnh ngừng bắn.
Tại sao các lệnh ngừng bắn ngắn hạn thường thất bại?
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến lệnh ngừng bắn thất bại là sự thiếu vắng cơ chế giám sát hiệu quả từ phía bên trung gian. Việc không sử dụng các phương tiện giám sát hiện đại, chẳng hạn như vệ tinh của Mỹ, cũng như thiếu hụt những điều khoản ràng buộc rõ ràng, đã khiến thỏa thuận trở nên mơ hồ.
Do các cuộc đàm phán diễn ra rời rạc và thiếu một văn bản thống nhất được các bên ký kết, ngay cả thời điểm khởi đầu của lệnh ngừng bắn cũng bị hiểu khác nhau: Ukraine xác định là ngày 25/3, sau các cuộc đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia; còn phía Nga cho rằng nó bắt đầu từ 18/3 – ngay sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa ông Putin và ông Trump và kết thúc vào 18/4.
“Nhóm đàm phán Mỹ lẽ ra phải xây dựng một văn bản duy nhất, rõ ràng, có chữ ký của các bên liên quan. Nhưng điều đó đã không xảy ra", ông Mykhailo Honchar, chuyên gia năng lượng và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu XXI tại Kyiv, nhận định. Ông cũng chỉ trích Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff vì “không hoàn thành sứ mệnh trung gian hòa giải".
Chính phủ Ukraine tiếp tục thông báo cho Mỹ và các đối tác quốc tế khác về các hành vi vi phạm của Nga. “Chúng tôi cần một cơ chế giám sát thực sự, vì rõ ràng các vi phạm sẽ tiếp diễn,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 16/4. Ông cũng cho biết thêm rằng đến gần ngày 25/4, Ukraine sẽ cân nhắc việc có tiếp tục tuân thủ lệnh ngừng bắn nữa hay không.
Bên cạnh đó, theo ông Honchar, Mỹ hoàn toàn có khả năng giám sát thiệt hại bằng vệ tinh, bởi các tín hiệu hồng ngoại từ ngoài không gian có thể dễ dàng chỉ ra trạm biến áp nào đã bị tên lửa đánh trúng hay bồn chứa nhiên liệu ở đâu đang bốc cháy. Tuy nhiên, Mỹ lại không triển khai các cơ chế xác minh cần thiết để kiểm tra chéo mức độ tuân thủ thỏa thuận của hai bên tham chiến.
“Người Mỹ nghĩ rằng chỉ cần tiến hành hai cuộc đàm phán song song với Kiev và Moscow là đủ. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy", ông Honchar nhấn mạnh.
Lệnh ngừng bắn vào các mục tiêu năng lượng cũng như trên Biển Đen là kết quả vận động của phía Nga thông qua đặc phái viên Witkoff, người đã nhiều lần đến Moscow trong năm nay với vai trò nhà đàm phán hàng đầu của Tổng thống Trump. Ông Honchar cho rằng, nếu muốn nhanh chóng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện, Nga phải đồng thuận chấm dứt các cuộc tấn công vào hạ tầng dân sự và tham gia vào trao đổi tù nhân quy mô lớn – điều đến nay vẫn chưa xảy ra.
Ngày 19/4, ông Zelensky kêu gọi kéo dài lệnh ngừng bắn Phục sinh thêm 30 ngày đối với các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự - một đề xuất mà Washington cũng ủng hộ. “30 giờ đủ để xuất hiện trên mặt báo, nhưng chưa đủ để xây dựng lòng tin. 30 ngày mới có thể mở ra cánh cửa hòa bình", ông Zelenskynói.
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The Kyiv Independent, BBC
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-cac-thoa-thuan-ngung-ban-ngan-han-giua-nga-va-ukraine-thuong-that-bai-post1193953.vov