Vì sao 'chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc'?

Vì sao 'chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc'?
4 giờ trướcBài gốc
Một trong những biểu hiện của chi bộ tốt là phải có chế độ sinh hoạt nghiêm túc, chất lượng. Ảnh: ST
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: “Chi bộ là nền tảng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Một trong những biểu hiện của chi bộ tốt là phải có chế độ sinh hoạt nghiêm túc, chất lượng. Vì vậy, để có chi bộ tốt, vững mạnh toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều biện pháp, nhất là biện pháp phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt của chi bộ. Người từng nhắc nhở các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Vừa qua, trong âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã vu cáo, xuyên tạc về chi bộ đảng, tuyên truyền rằng: Chi bộ bây giờ mất sức chiến đấu, sinh hoạt hình thức, trở thành nơi để cán bộ, đảng viên bao che cho nhau, vì lợi ích nhóm, hoặc để đấu đá nội bộ, sát phạt lẫn nhau.
Song, thực tế đã bác bỏ sự xuyên tạc, vu cáo đó, chi bộ đảng vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng với chế độ sinh hoạt nghiêm túc, chất lượng, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Điều lệ Đảng chỉ rõ chi bộ có nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên trong chi bộ. Chi bộ cũng làm công tác vận động quần chúng, phát triển đảng viên và kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên… Theo quy định chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần. Điều lệ Đảng cũng quy định: “Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng…”.
Các chi bộ, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, chất lượng những nhiệm vụ trên thông qua việc sinh hoạt chi bộ cùng những lời nói, hành động thực tế của mình. Chế độ sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp cho chi bộ hoàn thành được nhiệm vụ, phát huy được sức mạnh, uy tín của chi bộ trong Đảng, trong dân, cùng đoàn kết thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng. Ngày 18/01/1964, trong bài “Gương tốt của thanh niên Lỗ Khê - Tết tươi vui và tiết kiệm” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khi chi bộ khéo lãnh đạo và khi quần chúng đã thông suốt, thì công việc gì dù to tát mấy và khó khăn mấy cũng làm được”.
Chế độ sinh hoạt chi bộ nghiêm túc đòi hỏi cả về thời gian, cũng như chất lượng sinh hoạt. Trong đó yêu cầu phải thực hiện đúng, chặt chẽ các quy định của Đảng đối với sinh hoạt chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ phải cao, nghị quyết của chi bộ phải đúng, phù hợp thực tế và được triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Để thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chi bộ cần sự tự giác, gương mẫu của từng đảng viên, nhất là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chi bộ.
Một nội dung cơ bản, có ý nghĩa hết sức quan trọng, được ví như “vũ khí thần diệu” trong chế độ sinh hoạt của chi bộ, cũng như các tổ chức đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn chú trọng, yêu cầu phải được thực hiện nghiêm túc là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Muốn thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, rất cần có sự tự giác, nỗ lực của cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Thực tế cho thấy đội ngũ cấp ủy viên, người đứng đầu chi bộ phải thật sự cố gắng, gương mẫu về phẩm chất, năng lực và khả năng, kinh nghiệm duy trì sinh hoạt chi bộ. Vì vậy, Đảng ta đã và đang chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để hoàn thành tốt việc lãnh đạo, điều hành tổ chức cơ sở đảng, chi ủy, chi bộ thực hiện nghiêm túc, chất lượng chế độ sinh hoạt đảng.
Công tác xây dựng Đảng thời kỳ đổi mới vừa qua được Đảng ta quan tâm, chú trọng với nhiều chủ trương, giải pháp, cách làm tích cực, phù hợp và đem lại những kết quả thiết thực. Nổi nên là việc các tổ chức đảng ở cơ sở, chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng. Thành công này được Đảng khẳng định: “Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đảng cũng nhấn mạnh đến cố gắng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở. Đảng khẳng định: Nhờ những chủ trương, giải pháp, sự phấn đấu, rèn luyện của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên mà “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… của nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ cơ sở được nâng lên”.
Nhưng đồng thời Đảng cũng mạnh dạn, công khai chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác này, như: Ở một số tổ chức cơ sở đảng chất lượng năng lực lãnh đạo, cũng như sức chiến đấu còn hạn chế, phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc. Đảng cũng chỉ ra tình trạng chưa nghiêm, còn hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại đảng viên…. Đảng còn nêu rõ: “Có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”.
Phát huy những ưu điểm, khắc phục, sửa chữa kịp thời các hạn chế, khuyết điểm nêu trên là việc làm cần thiết, cấp bách của toàn Đảng; trong đó có trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta cần thực hiện tốt chỉ đạo vào tháng 8/2024 mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống”./.
CÔNG MINH
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/vi-sao-che-do-sinh-hoat-cua-chi-bo-phai-nghiem-tuc-35182.html