Vì sao cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng?

Vì sao cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng?
9 giờ trướcBài gốc
Người xưa coi "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" bởi lẽ ngày này là thời điểm trăng tròn lên đầu tiên của năm mới, mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an và tài lộc.
Theo truyền thống, ngày rằm tháng Giêng các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ dâng cúng tổ tiên, thần Phật một cách chu toàn và đầy đủ để mong cầu gì được nấy, công việc gia đạo được hanh thông, vạn sự như ý, đúng như sở nguyện.
Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng (Ảnh: Eva)
Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng còn có một số tên gọi khác như lễ Thượng nguyên, Tết treo đèn, Tết Nguyên tịch, Tết Nguyên tiêu…
Chia sẻ trên Thế giới tiếp thị, Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết: "Người Việt trước đây sóng phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống gắn liền với trời, đất và nước. Vì vậy, người dân coi trọng 3 ngày: rằm tháng giêng - thiên quan tấn phước, rằm tháng bảy - địa quan xá tội và rằm tháng 10 - thủy quan giải ách".
Theo đó, Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên của năm mới. Vào dịp này, người dân thường cúng đầu năm để mong một năm mới với nhiều điều may mắn, phước lành, mưa thuận gió hòa.
"Người Việt xưa gắn với nông nghiệp nên mưa thuận gió hòa rất quan trọng, lại coi trọng cái ban đầu, quan niệm rằng "đầu xuôi đuôi lọt" nên thường câu nói Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng được lưu truyền", TS Dương Hoàng Lộc giải thích.
Ngoài ra, trả lời Báo Dân Trí, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho hay, sở dĩ dân gian có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" là bởi ngày này có một ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của người phương Đông.
Đây là một tín ngưỡng của Đạo Giáo, truyền bá vào các quốc gia phương Đông từ rất xa xưa. Tín ngưỡng của Đạo giáo thờ 3 vị thần: Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên (Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên).
Các ngày lễ Tam Nguyên: Rằm tháng Giêng (lễ Thượng Nguyên), Rằm tháng Bảy (lễ Trung Nguyên) và Rằm tháng 10 (lễ Hạ Nguyên).
Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Thánh Đản (ngày vía) của đức Thiên Quan (Ngọc Hoàng) hay còn gọi là Thiên Quan nhất phẩm tử vi Đại Đế. Đây là vị thần cai quản toàn bộ Thiên Đình, trông coi họa phúc của nhân gian.
Theo Đạo Giáo, ngày này Thiên Quan sẽ ban phúc lành cho toàn bộ hạ giới nên dân gian gọi là ngày Thiên Quan Tứ Phúc (Thiên Quan ban phúc).
Vì vậy, dân gian sẽ chọn Rằm tháng Giêng để lập đàn tế lễ, cầu mong phúc lành, tiêu tai giải họa, làm lễ "dâng sao giải hạn"... cầu mong cho một năm được bình yên, an lạc. Rằm tháng Giêng vì thế trở thành một ngày quan trọng trong số các lễ tiết của năm.
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 đầy đủ
Rằm tháng Giêng từ lâu đã được xem là dịp lễ quan trọng trong năm bởi đây không chỉ là thời điểm mở đầu cho những mong ước tốt lành mà còn là cơ hội để mỗi gia đình thể hiện lòng thành kính qua mâm cúng trang trọng.
Ảnh: Happynest
Mâm cúng được chuẩn bị chu đáo không chỉ biểu thị lòng biết ơn đối với tổ tiên mà còn gửi gắm mong ước về may mắn và bình an. Theo phong tục, mâm cúng thường gồm các món mặn, sắp xếp cẩn thận trên bàn thờ để thể hiện sự trang nghiêm. Quy tắc phổ biến là "6 đĩa, 4 bát," tượng trưng cho sự sung túc và đủ đầy trong năm mới.
Các món thường có thể kể đến gà luộc vàng óng, xôi gấc đỏ may mắn, nem rán giòn tan, cùng những bát canh như canh bóng thập cẩm, canh mọc hoặc canh măng hầm xương. Để mâm cỗ thêm hài hòa, các món chống ngán như dưa hành muối, nộm gà xé phay cũng không thể thiếu.
Ngoài mâm cơm truyền thống, những loại hoa quả tươi ngon cũng giữ vai trò quan trọng, trở thành phần không thể thiếu trong các nghi lễ cúng bái. Người Việt thường chọn các loại quả theo mùa, sắp xếp số lẻ như 3, 5 hoặc 7 quả để mang lại sự cân đối và trang trọng.
Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
Hoàng Ly (T/H)
Nguồn Tiêu Dùng : https://tieudung.giadinhonline.vn/vi-sao-cung-ca-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-d10274.html