Sau hợp nhất, TP Hải Phòng (mới) là TP trực thuộc trung ương đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Cụ thể, TP Hải Phòng (mới) có diện tích 3.194,7 km (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương), quy mô dân số hơn 4,6 triệu người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn).
Hệ thống cao tốc kết nối thuận lợi
Cả hai tỉnh, thành phố đều nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, có địa hình chủ yếu là đồng bằng thấp, bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.
Trung tâm hành chính của TP Hải Phòng (mới) được đặt ở TP Thủy Nguyên. Ảnh: Trọng Tùng
Hải Dương nằm ở phía Tây của Hải Phòng, nằm giữa trục Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, được xác định mục tiêu trở thành một đầu mối logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng. Hai tỉnh, thành phố có đường địa giới hành chính giáp ranh nhau với chiều dài 97,8km.
Hệ thống quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối liền 2 tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển sau khi sắp xếp. Ngoài ra, TP Hải Phòng có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Cả hai tỉnh, thành đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74% và đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.
Trung tâm hành chính mới của TP Hải Phòng đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: N.S
Tỉnh Hải Dương hiện có 542 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD, nhiều khu công nghiệp lớn đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Trong khi đó, Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tới 53% GRDP.
TP Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Hải Phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế.
Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại tỉnh Hải Dương đều vận chuyển qua Hải Phòng để xuất khẩu và khoảng 80% nông sản của Hải Dương được lên kế hoạch xuất qua cảng Hải Phòng.
Trung tâm hành chính ở thành phố trẻ của Hải Phòng
Khi 2 tỉnh, thành này về chung một nhà thì TP Thủy Nguyên (của Hải Phòng) được chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính.
Theo đó, TP Thủy Nguyên nằm ở vị trí trung gian giữa TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Phía Đông giáp với đô thị trung tâm Hải Phòng, tận dụng tối đa hạ tầng hiện đại và các khu công nghiệp lớn. Phía Tây của Thủy Nguyên kết nối trực tiếp với Hải Dương, giúp duy trì sự liên kết giữa hai khu vực trung tâm của tỉnh, thành cũ.
Phía Bắc Thủy Nguyên giáp Quảng Ninh, có tiềm năng mở rộng và liên kết vùng với một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất miền Bắc. Còn phía Nam của Thủy Nguyên nằm gần khu vực lõi đô thị Hải Phòng, vừa duy trì kết nối với cảng biển, vừa tránh áp lực đô thị quá tải.
Quy mô của trung tâm hành chính TP Hải Phòng (mới) nhìn từ trên cao. Ảnh: N.S
Ngoài ra, TP Thủy Nguyên đã có sẵn hệ thống giao thông phát triển mạnh với cầu Hoàng Văn Thụ và cầu Bính kết nối trực tiếp với trung tâm Hải Phòng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương giúp Thủy Nguyên dễ dàng tiếp cận thủ đô Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc.
Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái mở ra cơ hội phát triển kinh tế và liên kết với khu vực biên giới. Quốc lộ 10 và Quốc lộ 5 đóng vai trò trục giao thông quan trọng, giúp trung tâm hành chính tỉnh mới dễ dàng điều phối quản lý trên toàn địa bàn.
Không chỉ có lợi thế về đường bộ, Thủy Nguyên còn nằm gần sân bay quốc tế Cát Bi và hệ thống cảng biển Hải Phòng, giúp nâng cao khả năng kết nối với các địa phương trong và ngoài nước.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn của TP Hải Phòng tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) được khởi công xây dựng vào năm 2023; tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Hai công trình được coi là biểu tượng mới của TP Hải Phòng đã thành hình, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay.
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tổng mức đầu tư là hơn 2.500 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 14 khối nhà, thiết kế đối xứng theo hai trục bắc - nam và đông - tây. Trong đó, có 4 khối nhà cao 3 tầng; 4 khối nhà 4 tầng, 4 khối nhà 5 tầng, 2 khối nhà 15 tầng. Diện tích xây dựng công trình hơn 29.000m2, tổng diện tích sàn khoảng 89.500m2.
Phạm Công
Hoài Anh