Trong thời đại mà người xem có vô vàn lựa chọn – từ phim nghệ thuật độc lập đến những loạt series dài hơi – thì những tác phẩm hành động giả tưởng hoành tráng như : “Jurassic Park”, “Avengers” hay “Avatar” vẫn vững vàng ở vị trí “ngôi vương phòng vé” toàn cầu. Điều gì khiến các bom tấn “kiểu Jurassic” chưa từng đánh mất sức hút qua hàng thập kỷ?
Hình ảnh mãn nhãn – vượt rào cản ngôn ngữ
Không cần lời thoại phức tạp hay bối cảnh văn hóa cụ thể, những siêu phẩm hành động với kỹ xảo điện ảnh đỉnh cao đã chạm đến cảm xúc người xem không phân biệt văn hóa, nguồn gốc. Cảnh một con khủng long bạo chúa gầm vang giữa thành phố, hay vụ nổ rúng động màn ảnh, chính là cách các bom tấn “nói chuyện” trực tiếp với khán giả – bằng thứ ngôn ngữ thị giác mà ai cũng hiểu.
Trong kỷ nguyên của những công nghệ trình chiếu như IMAX, 3D, 4DX… kỹ xảo không chỉ là yếu tố phụ trợ, mà là yếu tố chính, là trải nghiệm xem phim đa giác quan.
Phim "Jurassic World: Dominion" (2022)
Sự khơi gợi bản năng nguyên thủy: Sợ hãi và mê đắm không thể kiểm soát
Từ khủng long, người máy cho tới quái vật không gian, tất cả đều đại diện cho nỗi sợ sâu thẳm trong con người: sự bất lực trước thế lực lớn lao, hoang dại, vượt ngoài khả năng khống chế. “Jurassic” không chỉ chiêu đãi bằng những con quái vật khổng lồ, mà còn đánh trúng tâm lý sợ hãi – một cảm xúc cơ bản nhưng mạnh mẽ về ranh giới mong manh giữa sinh tồn và diệt vong.
Đây là dạng cảm xúc dễ khơi dậy, đặc biệt khi được đặt trong bối cảnh hiện đại: công nghệ phát triển nhưng con người vẫn dễ tổn thương. Tính biểu tượng này khiến thể loại phim như “Jurassic” dễ gây ám ảnh và để lại dấu ấn dài lâu. Dưới lớp vỏ giải trí, bom tấn kiểu Jurassic là lời nhắc nhở về sự nhỏ bé của con người giữa một thế giới tự nhiên (hoặc nhân tạo) hùng mạnh và đầy biến động.
Những bộ phim “Jurassic” đánh trúng tâm lý sợ hãi, sự sinh tồn và diệt vong.
Nơi trú ẩn tâm lý giữa thực tại đầy áp lực
Khi xã hội đầy rẫy lo âu như: Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu, thì điện ảnh giả tưởng lại trở thành “liều thuốc tinh thần” được ưa chuộng. Một thế giới giả lập, với nhịp phim nhanh, kịch tính, cùng những pha hành động mãn nhãn, là nơi khán giả tạm trút bỏ áp lực và được đắm chìm trong một hành trình phi thực nhưng đầy xúc cảm.
Không khác gì một công viên giải trí tinh thần, những bộ bom tấn cho phép người xem đắm chìm với nỗi sợ trong một không gian an toàn.
Điện ảnh giả tưởng lại trở thành “liều thuốc tinh thần” được ưa chuộng khi xã hội đầy rẫy lo âu.
Thương hiệu điện ảnh: Khi lựa chọn trở thành thói quen
Với những thương hiệu điện ảnh như “Jurassic”, “Fast & Furious”, “Marvel”… người xem có xu hướng chọn phim như chọn một món ăn quen thuộc, đó là: được giải trí, dù chưa chắc hài lòng về nội dung.
Sức mạnh thương hiệu điện ảnh được nuôi dưỡng qua nhiều phần phim, chiến dịch truyền thông và cộng đồng người hâm mộ sẽ giúp phim dễ dàng đạt doanh thu lớn. Sự quen thuộc này giúp phim dễ đạt doanh thu cao dù không nhất thiết phải “hay” theo nghĩa phê bình – bởi khán giả đến rạp không chỉ để xem một bộ phim, mà để tiếp tục trải nghiệm thương hiệu điện ảnh.
Người xem có xu hướng chọn phim như chọn một món ăn quen thuộc và ưu tiên mục đích giải trí.
Không chỉ là phim mà là hiện tượng văn hóa
Điều làm nên sức hút bền bỉ của bom tấn kiểu “Jurassic” không chỉ nằm ở hiệu ứng hình ảnh hay cảnh cháy nổ. Đó là sự cộng hưởng giữa kỹ thuật điện ảnh đỉnh cao, cảm xúc nguyên thủy, nhu cầu trốn thoát thực tại, và mối liên kết cảm xúc với thương hiệu phim.
Trong một thế giới ngày càng phân mảnh về nội dung và thị hiếu, những bom tấn giải trí vẫn là nơi hiếm hoi tạo nên trải nghiệm điện ảnh chung – nơi khán giả từ mọi nền văn hóa cùng chia sẻ một cảm xúc mãnh liệt, cùng nín thở, rồi vỡ òa.
"Avatar" phần 2 là một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Hải Hà/VOV.VN