Vì sao không nên tùy tiện dùng thuốc bổ gan?

Vì sao không nên tùy tiện dùng thuốc bổ gan?
23 phút trướcBài gốc
1. Gan có thật sự cần 'bổ'?
Gan là cơ quan giải độc chủ lực của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng sinh học quan trọng, bao gồm chuyển hóa thuốc, lọc độc tố, tổng hợp protein huyết tương và dự trữ vitamin tan trong dầu... Trong trạng thái khỏe mạnh, gan có khả năng tự phục hồi mà không cần "bổ sung" từ các chế phẩm ngoại sinh.
Khác với các quan niệm dân gian, khái niệm "bổ gan" không tồn tại rõ ràng trong y học hiện đại. Thay vào đó, các sản phẩm được gọi là "bổ gan" chỉ hỗ trợ gan ở mức độ nhất định khi có tổn thương hoặc rối loạn chức năng rõ rệt và việc sử dụng cần dựa trên chỉ định của chuyên gia y tế.
Gan là cơ quan giải độc chủ lực của cơ thể.
2. Tác dụng phụ và nguy cơ khi lạm dụng thuốc bổ gan
2.1 Gây độc gan do thuốc
Mặc dù nhiều chế phẩm bổ gan được quảng bá là "tự nhiên" hoặc "an toàn", nhưng thực tế cho thấy nhiều trường hợp có thể gây độc gan nếu dùng không đúng liều, kéo dài hoặc dùng đồng thời với các thuốc khác. Tình trạng này được gọi là viêm gan do thuốc, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan cấp tính.
Dữ liệu từ WHO và các hệ thống cảnh báo dược quốc tế ghi nhận nhiều thảo dược trong thuốc bổ gan như diệp hạ châu (phyllanthus niruri), nhân trần, cà gai leo, actiso… có thể gây tăng men gan hoặc tổn thương tế bào gan nếu sử dụng liều cao, kéo dài mà không kiểm soát lâm sàng.
2.2 Tăng gánh nặng chuyển hóa gan
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong chuyển hóa thuốc, qua hệ enzym Cytochrome P450 (CYP450). Khi sử dụng nhiều loại thuốc bổ gan cùng lúc, hoặc phối hợp với các thuốc điều trị khác, có thể gây quá tải chuyển hóa. Kết quả là, gan phải hoạt động quá mức, dẫn đến tăng men gan, mệt mỏi, vàng da, hoặc thậm chí suy gan cấp nếu có bệnh lý gan nền.
2.3 Tác dụng ngược nếu dùng không đúng bệnh
Không phải tất cả các bệnh lý gan đều có chỉ định dùng thuốc bổ gan. Ví dụ: Trường hợp gan nhiễm mỡ do chuyển hóa, việc dùng thuốc bổ gan không mang lại hiệu quả nếu không thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Ở bệnh nhân xơ gan, nhiều loại dược liệu có thể gây tích nước, ảnh hưởng chuyển hóa amoniac, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý gan mạn.
2.4 Gây hiểu nhầm về sức khỏe
Nhiều người dân có tâm lý lệ thuộc thuốc bổ gan như một biện pháp phòng bệnh gan, dẫn đến chủ quan trong chế độ sinh hoạt, lối sống thiếu lành mạnh như sử dụng rượu bia thường xuyên, ăn uống nhiều dầu mỡ, hoặc thức khuya kéo dài...
Tất cả các sản phẩm bổ gan, kể cả có nguồn gốc tự nhiên, đều có nguy cơ sinh độc tính nếu sử dụng thiếu kiểm soát.
3. Cách sử dụng hợp lý và khoa học thuốc bổ gan
Chỉ nên sử dụng thuốc hỗ trợ gan trong các tình huống sau và dưới sự chỉ định/giám sát của bác sĩ:
- Men gan tăng cao do viêm gan siêu vi, viêm gan do rượu hoặc thuốc.
- Người đang điều trị hóa trị ung thư, điều trị HIV hoặc các thuốc có độc tính gan cao.
- Người có chẩn đoán rối loạn chức năng gan qua xét nghiệm chuyên sâu.
Thay vì lạm dụng thuốc, cách tốt nhất để bảo vệ gan là:
- Hạn chế rượu bia, thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.
- Ngủ đủ giấc, đặc biệt trong khung giờ tái tạo gan (23h–3h sáng).
- Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý.
- Không tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng...
Tóm lại, việc lạm dụng thuốc bổ gan, sử dụng không đúng cách, không có chỉ định rõ ràng hoặc không theo dõi y khoa có thể gây tác dụng ngược. Tất cả các sản phẩm bổ gan, kể cả có nguồn gốc tự nhiên, đều có nguy cơ sinh độc tính nếu sử dụng thiếu kiểm soát. Cần tuyệt đối tránh tự ý sử dụng kéo dài hoặc phối hợp nhiều sản phẩm cùng lúc mà không có chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ lâm sàng.
ThS. DS. Trần Phương Duy
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-khong-nen-tuy-tien-dung-thuoc-bo-gan-1692505131111181.htm