Vì sao một dự án giao thông ở Phú Yên còn… treo nợ hàng trăm tỷ đồng?

Vì sao một dự án giao thông ở Phú Yên còn… treo nợ hàng trăm tỷ đồng?
4 giờ trướcBài gốc
Từ một dự án giao thông
Cách đây gần 15 năm, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2490/TTg-KTN ngày 15/12/2009 cho phép UBND tỉnh Phú Yên thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường bộ (ĐT 647) nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) và áp dụng chỉ định nhà đầu tư trực tiếp đàm phán hợp đồng.
Sau khi thực hiện một số thủ tục phê duyệt hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đến ngày 30/12/2011, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 2775/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư, đồng thời ký kết Hợp đồng số 01/2015/HĐ-BT ngày 19/6/2015 với Công ty PYGL để triển khai thi công tuyến đường dài 61,3km và 15 cầu với tổng kinh phí 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, 2016 – 2020.
Một đoạn đường trong dự án đường ĐT647 qua địa phận xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên).
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy thời điểm ký kết hợp đồng BT thì Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã có hiệu lực thi hành, không còn quy định thanh toán bằng tiền đối với hợp đồng BT.
Hơn nữa dự án này chưa được Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn và chưa cho phép tiếp tục thực hiện, nên UBND tỉnh Phú Yên đã có báo cáo và được Chính phủ cho phép thực hiện theo Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 9/11/2018, áp dụng một số quy định của pháp luật để triển khai giai đoạn 1 dự án theo hợp đồng BT và sử dụng 700 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 để thanh toán cho nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, ngày 30/11/2018, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 2276/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh đầu tư giai đoạn 1 dự án gồm 31,5km và 8 cầu với tổng kinh phí gần 1.540 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 55 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015, 700 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn ngân sách tỉnh Phú Yên 240 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác 544,8 tỷ đồng. Ngoài hợp đồng chính, trong năm 2016 và 2020, UBND tỉnh Phú Yên và Công ty PYGL còn ký kết hai phụ lục hợp đồng.
Đến vụ kiện đòi nợ hàng trăm tỷ đồng
Sau khi giai đoạn 1 dự án hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý khai thác sử dụng để bảo trì công trình từ ngày 10/6/2020. Tính đến ngày 1/3/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã thanh toán hơn 1.308 tỷ đồng, đạt 85% giá trị hợp đồng BT đã ký kết.
Do việc thanh toán 15% giá trị còn lại kéo dài nên Công ty PYGL khởi kiện yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên thanh toán hơn 248 tỷ đồng đã được kiểm toán Nhà nước xác nhận đến ngày 10/6/2020 sau khi nhà đầu tư tình nguyện giảm trừ lợi nhuận theo biên bản làm việc với tỉnh Phú Yên ngày 29/12/2020; trả tiền lãi và lãi chậm trả tạm tính trong hai khung thời gian hơn 232,8 tỷ đồng và tiền phạt hơn 374 tỷ đồng vi phạm hợp đồng do đơn phương chấm dứt giai đoạn 2 dự án.
Ngày 24/6/2024, TAND tỉnh Phú Yên có Thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2024/TLST-KDTM, nhưng đến ngày 2/7/2024 hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho TAND TP Tuy Hòa giải quyết.
Sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ thụ lý số 41/2024/TLST-KDTM ngày 8/7/2024, TAND TP Tuy Hòa nhận thấy yêu cầu khởi kiện giữa Công ty PYGL với UBND tỉnh Phú Yên là tranh chấp hợp đồng dân sự, nên ngày 10/7/2024 TAND TP Tuy Hòa chuyển vụ án kinh doanh thương mại thành vụ án dân sự sơ thẩm.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, UBND tỉnh Phú Yên chưa thanh toán cho Công ty PYGL 15% giá trị hợp đồng BT còn lại theo thực tế hơn 231,8 tỷ đồng là do báo cáo quyết toán hợp đồng dự án chưa được phê duyệt, việc thanh toán phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Văn bản số 4093/BTC-ĐT ngày 6/4/2020.
Còn giai đoạn 2 dự án không thực hiện được vì theo Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ, dự án này chỉ triển khai giai đoạn 1, sau đó HĐND tỉnh Phú Yên đã có Nghị quyết số 257/NQ-HĐND ngày 10/7/2020, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 23/7/2020 phê duyệt, điều chỉnh nội dung không triển khai giai đoạn 2 dự án.
Mặt khác, Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 21/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ chỉ bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 755 tỷ đồng trong hai giai đoạn (2011-2020) nên không đảm bảo điều kiện để triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án.
Ngoài ra, thời điểm ký kết Hợp đồng số 01/2015/HĐ-BT ngày 19/6/2015, hai bên chưa tham khảo quy định tại điều 12 Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính để xác định mức lãi vay hợp lý áp dụng cho dự án…
Vụ kiện đang được TAND TP Tuy Hòa giải quyết theo quy định pháp luật, Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin khi có phán quyết của tòa án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Việt Tường
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/vi-sao-mot-du-an-giao-thong-o-phu-yen-con-treo-no-hang-tram-ty-dong--i747874/