Nhật Bản có bước đi quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc phòng khi chính thức đưa vào hoạt động Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp Lực lượng Phòng vệ (JJOC) hôm 24/3.
Cơ quan này được thành lập với mục tiêu thống nhất hoạt động của ba nhánh Lực lượng Phòng vệ (Lục quân, Hải quân và Không quân), đồng thời nâng cao khả năng phối hợp với quân đội Mỹ trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, theo Kyodo News.
Hạm đội tàu chiến đa dụng Izumo (DDH-183) trực thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Phản ứng trước động thái trên, Triều Tiên tuyên bố rằng Nhật Bản thành lập bộ tư lệnh này để “thực hành” sử dụng tên lửa tầm xa, đồng thời cáo buộc Tokyo đã tập trung chuẩn bị để trở thành một quốc gia chiến tranh.
"Hành động chuẩn bị này đã bước vào giai đoạn cuối", Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) bình luận.
Bộ Tư lệnh mới
Bộ tư lệnh JJOC được đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo, với khoảng 240 nhân sự. Người đứng đầu JJOC là Đại tướng Kenichiro Nagumo, một chuyên gia về tác chiến liên hợp.
Trước đây, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ (SDF) vừa chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến liên hợp, vừa cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đến tình trạng quá tải trong các tình huống khẩn cấp. Thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 đã cho thấy sự cần thiết của một cơ quan chuyên trách, giúp phân tách rõ ràng nhiệm vụ tư vấn và điều hành tác chiến, hãng tin Kyodo News nhận định.
Tướng Kenichiro Nagumo (phải), người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp Lực lượng Phòng vệ trực thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Ảnh: Kyodo News.
Với mô hình mới, JJOC sẽ trực tiếp chỉ huy các đơn vị Lực lượng Phòng vệ trên toàn quốc, giúp nâng cao hiệu quả phối hợp và rút ngắn thời gian ra quyết định. Bộ tư lệnh cũng được trao quyền điều phối lực lượng và chỉ huy các hoạt động tác chiến liên miền, bao gồm cả không gian vũ trụ và không gian mạng, giúp tăng cường khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa hiện đại.
Trong bối cảnh Mỹ cũng đang tái cấu trúc Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản thành một bộ tư lệnh liên hợp, sự thay đổi này được đánh giá là cần thiết để tăng cường khả năng hợp tác giữa hai nước.
Nhật Bản đẩy mạnh gia tăng sức mạnh quân sự
Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng phức tạp, Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng năng lực phòng thủ bằng cách tăng cường khả năng răn đe tầm xa.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch nâng cấp kho vũ khí, đặc biệt là các hệ thống tên lửa, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ lãnh thổ trước các mối đe dọa tiềm tàng từ các đối trọng nước ngoài.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tokyo đã ký kết hợp đồng mua sắm các hệ thống tên lửa tầm xa, bao gồm Tomahawk do Mỹ sản xuất, đồng thời phát triển và nâng cấp phiên bản nội địa của tên lửa chống hạm Type 12. Những động thái này phù hợp với Chiến lược An ninh Quốc gia được cập nhật vào cuối năm 2022, nhấn mạnh khả năng phản công nhằm răn đe đối thủ.
Một tên lửa SM-3 (Block 1A), được phóng từ tàu khu trục JS Kirishima (DD 174) của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, đã đánh chặn thành công mục tiêu tên lửa đạn đạo phóng từ Cơ sở Tên lửa Thái Bình Dương tại Barking Sands, Kauai, Hawaii. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Bên cạnh việc phát triển vũ khí nội địa, Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Washington đã phê duyệt các hợp đồng trị giá hơn 4,5 tỷ USD bán vũ khí cho Tokyo, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến như AIM-120, SM-6 và JASSM-ER.
Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ Nhật Bản trong việc phát triển "đạn lướt vận tốc cao" nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.
Các hệ thống vũ khí mới dự kiến được triển khai theo từng giai đoạn. Type 12 và Tomahawk sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, trong khi các hệ thống tên lửa siêu thanh sẽ xuất hiện vào cuối thập kỷ này hoặc đầu thập kỷ tới, theo Breaking Defense.
Liên minh quốc phòng tiềm năng
Trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động liên tục, giới quan sát cho rằng Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) có thể bắt tay để hình thành "lá chắn phòng thủ" dựa vào những điểm tương đồng của hai thế lực quốc tế này, Bloomberg nhận định.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản và EU đều dựa vào sự bảo hộ an ninh từ Mỹ để xây dựng lại nền kinh tế và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị hiện nay đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, buộc các cường quốc này phải xem xét khả năng tự củng cố năng lực quốc phòng.
Cả EU và Nhật Bản đều phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng lớn từ những đối trọng quốc tế. Trong khi châu Âu đang chứng kiến cuộc xung đột kéo dài ở Đông Âu, Tokyo cũng lo ngại về những động thái quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu chở trực thăng JS Kaga (DDH-184) của SDF. Ảnh: Hải quân Nhật Bản.
Đồng thời, nguy cơ Mỹ giảm cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có thể đàm phán riêng với Trung Quốc khiến hai bên phải tìm kiếm những giải pháp mang tính độc lập hơn.
Tháng 11/2024, Tokyo và Brussels đã ký kết Thỏa thuận Đối tác An ninh và Quốc phòng EU-Nhật Bản, nhấn mạnh cam kết đối với một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật pháp. Thỏa thuận này đặt nền móng cho hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như an ninh hàng hải, chống khủng bố và công nghệ quốc phòng.
Nhật Bản và EU được cho là cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác quốc phòng trong bối cảnh hiện tại. Ảnh: Reuters.
Quan hệ thương mại giữa EU và Nhật Bản, với tổng giá trị gần 200 tỷ USD, cũng có thể trở thành một đòn bẩy quan trọng để bảo vệ hai nền kinh tế trước những bất ổn từ các chính sách thuế quan của Mỹ.
Dù có nhiều lợi ích chung, việc triển khai hợp tác an ninh giữa EU và Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều rào cản. Một trong những vấn đề lớn nhất là chính sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản.
Tokyo hiện vẫn chỉ cung cấp viện trợ quân sự một cách gián tiếp, ngay cả với Ukraine, thông qua việc chuyển giao tên lửa cho Mỹ để sau đó chuyển tiếp đến chiến trường.
"Nhật Bản có thể mở rộng hợp tác với châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, vào thời điểm cả hai bên đang đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng", bà Sheila Smith, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận xét.
Đại Hoàng