Vì sao nhiều kết luận, kiến nghị của thanh tra không thực hiện dứt điểm?

Vì sao nhiều kết luận, kiến nghị của thanh tra không thực hiện dứt điểm?
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 22-5, góp ý vào dự luật Thanh tra (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng: “Quá trình thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra (KLTT) trong thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không thể thực hiện dứt điểm KLTT”.
Phải có cơ chế dừng các nội dung kết luận không còn khả thi
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, có ít nhất 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đó là nội dung kiến nghị, xử lý tại thời điểm ban hành KLTT phù hợp quy định pháp luật nhưng không khả thi trên thực tế vào thời điểm ban hành KLTT.
Đó là nội dung kiến nghị, xử lý tại thời điểm ban hành KLTT phù hợp quy định pháp luật, có tính khả thi nhưng quá trình triển khai thực hiện kéo dài, quy định pháp luật thay đổi dẫn đến việc nội dung KLTT mất tính khả thi.
Như vậy, nếu tiếp tục thực hiện KLTT không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tình hình kinh tế - xã hội thay đổi, khả năng chấp hành nội dung KLTT của các chủ thể liên quan thay đổi.
Đó là nội dung KLTT có điều kiện thực hiện nhưng quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ.
Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, các trường hợp nêu trên không thuộc các điều kiện để thực hiện việc thanh tra lại. Vì vậy, bà kiến nghị bổ sung quy định quy định về trường hợp thực hiện thanh tra lại khi có phát sinh các tình huống, nguyên nhân nêu trên dẫn đến việc KLTT tra không thể thực hiện được.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ góp ý vào dự luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: QH
Hoặc, theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, cũng có thể bổ sung một số quy định về trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong thực hiện KLTT trong đó có nội dung báo cáo kết quả thực hiện KLTT bao gồm: tiến độ thực hiện KLTT; kiến nghị để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện KLTT; kiến nghị để ngưng thực hiện các nội dung kết luận không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành ...”
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước được xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng thực hiện các nội dung kết luận vào thời điểm tổ chức thực hiện không còn tính khả thi, không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. ...”
Cuối cùng là bổ sung quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, cụ thể: “Người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT có trách nhiệm kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, chấm dứt thực hiện các nội dung không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành”.
Cố ý hay vô ý đều phải bị xử lý
ĐB Nguyễn Thị Lệ nhận định các quy định về hoạt động thanh tra trong dự luật chủ yếu chỉ nêu nội dung áp dụng đối với hoạt động của đoàn thanh tra, người tiến hành thanh tra còn đối với hoạt động xây dựng Chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các Chương trình, kế hoạch thì chưa được nhắc đến. Do đó, bà kiến nghị kiến nghị xem xét, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng: Cụm từ “cố ý” tại khoản 1 Điều 24 khó có cơ sở để xác định vì rất khó để thu thập đủ căn cứ chứng minh người đó cố ý không phát hiện hành vi vi phạm.
Mặt khác, dự luật này đã có quy định: “trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
“Như vậy, việc không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh tra dù vô ý hay cố ý đều bị xử lý”, ĐB Nguyễn Thị Lệ nói và đề nghị điều chỉnh các quy định tại điều 24 trong dự luật để vừa tạo tính thống nhất trong quá trình lập quy cũng như tính khả thi trong áp dụng thực tiễn.
Đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra đạt hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào chất lượng ban hành KLTT, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị điều chỉnh khoản 2, Điều 33 trong dự luật về xác định nguyên nhân và cách thức xử lý người đứng đầu ở những nơi được thanh tra xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Cụ thể “trường hợp người đứng đầu có trách nhiệm trực tiếp trong việc xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì xác định theo các mức độ sau: Yếu kém về năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trường hợp người đứng đầu không có trách nhiệm, không có trách nhiệm trực tiếp trong việc xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: xem xét, đánh giá tùy trường hợp cụ thể.
Chủ tịch HĐND TP HCM cũng đề nghị phân định rõ trách nhiệm, thời hạn thực hiện của Trưởng đoàn thanh tra và Người ra quyết định thanh tra đối với việc xây dựng dự thảo KLTT để đảm bảo đồng bộ, rõ ràng trong thực tiễn.
Bà nói: “Quy định như dự thảo và các Luật Thanh tra trước đây dẫn đến cách hiểu và áp dụng trong thực tế theo hướng thời hạn dự thảo KLTT thuộc về Trưởng đoàn và thời hạn ban hành KLTT thuộc về Người ra quyết định thanh tra”.
Từ đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề xuất nhiều ý kiến về thời hạn xây dựng dự thảo, thẩm định và ban hành KLTT.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/vi-sao-nhieu-ket-luan-kien-nghi-cua-thanh-tra-khong-thuc-hien-dut-diem-post851117.html