Mới đây, thông tin TP.HCM chỉ thu được 7 tỉ đồng từ việc thu phí vỉa hè, lòng đường, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là 1.500 tỉ nhận được nhiều sự quan tâm, chưa kể mỗi tháng còn thu không đủ bù chi.
Trên thực tế, từ tháng 5-2024, TP.HCM đã bắt đầu triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại một số khu vực. Tuy nhiên đến nay, một số địa phương đã thực hiện tốt, lập lại trật tự vỉa hè, đạt kết quả khả quan nhưng một số nơi khác vẫn còn loay hoay, chưa thể thực hiện do gặp nhiều vướng mắc.
Vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh (quận 1) ngăn nắp sau khi thu phí vỉa hè.
Có nơi chỉ thu được 10 triệu/năm
Liên quan công tác thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố, đại diện UBND quận 1 cho biết sau 322 ngày (tính đến ngày 28-3) triển khai Quyết định số 32 (quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM), quận có 958 trường hợp đăng ký, tổng số phí đăng ký là hơn 5 tỉ đồng với diện tích đăng ký sử dụng là 9880.09 m2, tổng số phí đã đóng là hơn 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đạt được mức thu như vậy. Trên thực tế, nhiều địa phương đã chủ động, nắm bắt tình hình, có kế hoạch triển khai công tác thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, song có nhiều lý do dẫn đến chưa đạt được kỳ vọng.
Trao đổi với PLO, lãnh đạo một địa phương cho biết mặc dù TP.HCM đã có chỉ đạo nhưng quận này nhận thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa triển khai thu phí vỉa hè.
Quận 1 đầu tư nâng cấp hàng loạt vỉa hè.
Cạnh đó, vị này cho biết ở một số quận trung tâm có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp tốt, có vỉa hè rộng rãi, đáp ứng được các quy định cho thuê nên dễ dàng triển khai thu phí. Tuy nhiên, một số địa phương khác có điều kiện chưa tốt, hạ tầng còn hạn chế, thậm chí không có vỉa hè đạt chuẩn để cho thuê, người dân chủ yếu buôn bán tự phát dẫn đến khó triển khai thu phí.
Vỉa hè cho thuê phải đảm bảo diện tích.
Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết trong năm qua, quận thu được hơn 10 triệu với 83 hộ kinh doanh đăng ký. Sở dĩ việc triển khai thu phí chưa đạt hiệu quả là do hạ tầng của quận chưa đồng bộ, đơn cử như vỉa hè có nơi rộng 3 m nhưng có nơi chỉ rộng khoảng 1 m.
Để giải quyết tình trạng này, quận đang tập trung nguồn vốn để nâng cấp đường sá và vỉa hè, lắp đặt hệ thống camera giám sát để tăng hiệu quả quản lý vỉa hè.
Nhiều nơi vẫn xảy ra lấn chiếm vỉa hè.
Còn theo đại diện UBND quận Bình Thạnh, quận đã chủ động xây dựng kế hoạch số 286 ngày 9-10-2024 để triển khai quản lý, thu phí dùng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè; đồng thời ban hành quyết định ngày 10-10-2024 về danh mục các tuyến đường được phép. Theo đó, có ba tuyến đường dự kiến sẽ thí điểm thu phí vỉa hè là đường Nguyễn Gia Trí, Điện Biên Phủ, Lê Văn Duyệt.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 khi Nghị định 165 của Chính phủ có hiệu lực khiến quận gặp không ít khó khăn do vướng các quy định. Hiện quận cũng đang chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng để chủ động rà soát, nghiên cứu và triển khai theo đúng quy định.
Kiến nghị xây dựng đề án mới nếu bãi bỏ Quyết định 32
Đại diện UBND quận 1 nhận xét: "Việc áp dụng quy định hè phố để xe không thu phí và tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa mang lại hiệu quả tích cực về mỹ quan đô thị và kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận 1. Bên cạnh đó, các nơi vẫn đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ được thông suốt, an toàn."
Quận 1 thu phí vỉa hè đạt kết quả khả quan.
Người đi bộ dễ dàng di chuyển trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn.
Cũng theo vị này, sau gần một năm triển khai Quyết định 32, quận đánh giá đây là một quy định mới và phù hợp với đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM nói riêng và quận 1 nói chung.
Quyết định số 32 giúp khai thác hè phố một cách hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình kinh doanh cũng như giảm tải được khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên từ 1-1-2025, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 165 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các trường hợp sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác cũng được nêu rõ.
Theo đó, không phân cấp cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định riêng hoặc ban hành quy định cho các trường hợp đặc biệt; không giao UBND cấp tỉnh (hoặc các sở, ngành chuyên môn) hướng dẫn.
Đồng thời, phạm vi tổ chức các hoạt động theo Nghị định số 165 có mở rộng hơn so với Quyết định số 32 nhưng một số hoạt động được phép thực hiện theo Quyết định 32 lại không thể tiếp tục thực hiện khi áp dụng nghị định. Do đó, Sở Giao thông công chánh TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM bãi bỏ quyết định này.
Không gian buôn bán và không gian dành cho người đi bộ được tách biệt rõ ràng.
Việc triển khai đăng ký và thu phí theo quy định tại Quyết định số 32 trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, do đó nếu bãi bỏ quyết định, dừng thu phí thì sẽ gây ra hệ quả không tích cực cho việc triển khai, tổ chức lại việc thu phí về sau này.
Chính vì vậy, đại diện UBND quận 1 có ý kiến đề nghị Sở Giao thông công chánh sớm xây dựng đề án sử dụng và khai thác lòng đường, hè phố để tiếp nối việc thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố ngay khi bãi bỏ Quyết định số 32.
Vỉa hè đường Ngô Gia Tự, quận 10.
Còn theo đại diện UBND quận 10, việc thu phí vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận vẫn đang tiếp tục triển khai, đạt nhiều kết quả và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với Nghị định 165. Còn trường hợp các cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mua bán hàng hóa, quận sẽ rà soát lại, điều chỉnh, triển khai ngay khi có hướng dẫn từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
NHƯ NGỌC - NGUYỄN CHÂU