Nhiều nghiên cứu cổ sinh vật học cho thấy tổ tiên của loài rắn từng là một dạng bò sát có bốn chi, gần gũi với thằn lằn. Tuy nhiên, khi môi trường sống trên Trái đất thay đổi trở nên rậm rạp, chật hẹp và khắc nghiệt hơn, các chi dần trở thành yếu tố cản trở thay vì hỗ trợ. Việc bò bằng bụng, uốn lượn linh hoạt qua các khe hẹp, bụi rậm hay hang động trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Ảnh minh họa.
“Rắn không mất chân chỉ vì biến dị di truyền ngẫu nhiên,” một nhà tiến hóa học nhận định, “mà đó là một quá trình thích nghi chủ động và có lợi rõ rệt trong việc săn mồi và trốn tránh kẻ thù.”
Không có chi, rắn dễ dàng lẩn trốn trong môi trường chật hẹp, di chuyển êm ái mà không gây tiếng động. Điều này đặc biệt có lợi khi phục kích con mồi hoặc tránh khỏi kẻ săn mồi. Cơ thể thon dài không chỉ giúp rắn luồn lách qua các địa hình phức tạp mà còn tăng khả năng tấn công bất ngờ, nuốt mồi lớn mà không bị cản trở bởi tứ chi.
Một số loài như trăn hay rắn hổ mang có thể siết chặt và nuốt mồi gấp nhiều lần kích thước cơ thể. “Thử tưởng tượng nếu chúng còn giữ đôi chân, việc nuốt trọn một con thú lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn,” chuyên gia sinh học phân tích.
Việc mất đi đôi chân không xảy ra trong một sớm một chiều. Quá trình này diễn ra qua nhiều thế hệ, có thể lên tới 26 lần “thử nghiệm tiến hóa” trước khi hình thái không chân trở thành tiêu chuẩn ở hầu hết các loài rắn hiện đại.
Giới khoa học cho rằng sự thoái hóa của chi là ví dụ điển hình về "tiến hóa hướng mục tiêu" – sinh vật liên tục thay đổi để thích nghi với áp lực môi trường, từ đó loại bỏ những yếu tố không còn cần thiết cho sự sống còn.
Khi các loài bò sát khác vẫn phụ thuộc vào chi để di chuyển, tổ tiên của rắn đã chọn một lối đi riêng: không chân nhưng không yếu, trái lại còn mạnh mẽ và linh hoạt hơn bao giờ hết. Không chỉ sống trên cạn, rắn còn chinh phục được nhiều môi trường sống khác như nước, cát, rừng rậm và cả trong lòng đất.
Bí ẩn về sự tiến hóa của rắn có thể chưa hoàn toàn được giải mã, nhưng nó cho thấy sức mạnh phi thường của chọn lọc tự nhiên. Một lần nữa, thiên nhiên chứng minh rằng: trong cuộc đua sinh tồn, không phải kẻ mạnh nhất chiến thắng, mà là kẻ thích nghi tốt nhất.
Như Ý (t/h)