Vì sao trẻ ăn nhiều rau, uống đủ nước nhưng vẫn táo bón?

Vì sao trẻ ăn nhiều rau, uống đủ nước nhưng vẫn táo bón?
6 giờ trướcBài gốc
Ngại đi vệ sinh chỗ lạ có thể khiến trẻ bị táo bón. Ảnh: Childrenshospitalcolorado.
Táo bón là vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tiêu hóa và chất lượng cuộc sống. Nhiều phụ huynh cho rằng nguyên nhân chính là chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc uống không đủ nước. Tuy nhiên, ở trẻ em, tình trạng táo bón cơ năng thường bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa hơn - đó là sự rối loạn trong hoạt động của hệ tiêu hóa, đặc biệt là thói quen nhịn đi vệ sinh kéo dài.
Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Tín, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, táo bón cơ năng là hệ quả của việc trẻ thường xuyên kìm nén nhu cầu đi ngoài. Nhiều trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo, hình thành thói quen này do chịu áp lực tâm lý từ môi trường xung quanh.
"Những nỗi lo tưởng chừng đơn giản như nhà vệ sinh không sạch sẽ, bị bạn bè trêu chọc hay sợ bị la mắng vì chưa đi được có thể khiến trẻ cố tình nhịn", bác sĩ Tín chia sẻ.
Khi trẻ không đi cầu đều đặn, khối phân sẽ bị giữ lại lâu trong ruột già, dẫn đến hấp thu ngược nước, khiến phân trở nên khô và cứng. Từ đó, mỗi lần đi vệ sinh trở thành một trải nghiệm đau đớn: trẻ phải rặn mạnh, có thể bị đau rát, nứt hậu môn, thậm chí chảy máu. Cảm giác sợ hãi và ám ảnh này lại càng khiến trẻ tiếp tục nhịn, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó thoát ra, dẫn đến táo bón kéo dài và khó điều trị.
Không chỉ gây đau đớn về thể chất, táo bón cơ năng còn ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của trẻ. Trẻ có thể trở nên cáu gắt, biếng ăn, khó ngủ và giảm tập trung trong học tập. Về lâu dài, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hậu môn - trực tràng như trĩ, nứt kẽ hậu môn, rối loạn đại tiện.
Trong y học cổ truyền, tình trạng này được gọi là “tiện bí” hoặc “tích tụ” - tức sự ngưng trệ trong vận hành của đại trường khiến phân không được đẩy ra ngoài. Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân phổ biến là “trường vị tích nhiệt”, nghĩa là nhiệt tà tích tụ trong cơ thể khiến phân kết lại thành khối cứng, gây đau và khó đại tiện. Nhiệt cũng có thể “bức huyết”, gây ra tình trạng chảy máu khi đi cầu.
Phương pháp điều trị trong y học cổ truyền không chỉ dựa vào thuốc mà còn kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và điều chỉnh vận động. Mục tiêu là giúp khí huyết lưu thông, giải nhiệt và phục hồi hoạt động co bóp tự nhiên của đường ruột, từ đó ổn định lại chức năng tiêu hóa một cách lâu dài.
Dù vậy, theo bác sĩ Tín, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của cha mẹ. Việc tạo cho trẻ cảm giác an toàn khi đi vệ sinh, hướng dẫn trẻ cách nhận biết và phản hồi đúng nhu cầu đi ngoài, đồng thời bảo đảm môi trường vệ sinh sạch sẽ - đó là những bước đi thiết thực để phòng ngừa và cải thiện táo bón cơ năng.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-tre-an-nhieu-rau-uong-du-nuoc-nhung-van-tao-bon-post1550303.html