Tiêu thụ đồ uống có đường gần gấp 2 khuyến cáo, người Việt đối mặt với những bệnh tật gì?

Tiêu thụ đồ uống có đường gần gấp 2 khuyến cáo, người Việt đối mặt với những bệnh tật gì?
7 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ hiện hữu với sức khỏe của tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên
Tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng rất nhanh qua các năm. Nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần từ 18,5 lít/người năm 2009 và lên tới 66,5 lít/người năm 2023.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, có rất nhiều bằng chứng cho thấy người uống đồ uống có đường thường xuyên đối mặt nguy cơ gia tăng các bệnh như đái tháo đường type 2, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Các nhóm bệnh này là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa 50g/ngày và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo <25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tại hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Y tế phối hợp với WHO tại Việt Nam và HealthBridge tổ chức mới đây, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, có rất nhiều bằng chứng cho thấy người uống đồ uống có đường thường xuyên đối mặt nguy cơ gia tăng các bệnh như đái tháo đường type 2, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Các nhóm bệnh này là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
"Nhiều người không biết chỉ một lon nước ngọt có ga 330 ml đã chứa 10 thìa cà phê đường, tương đương khoảng 40 g đường. Trong khi WHO khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ quá 50 g đường/ngày từ tất cả nguồn thực phẩm"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Cảnh báo thêm, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Đường dạng lỏng trong đồ uống hấp thụ trực tiếp vào máu và gan chuyển hóa rất nhanh, dẫn đến dư thừa năng lượng.
"Trẻ sử dụng đồ uống có đường dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì và có nguy cơ tăng cao hơn khi trẻ đến 5 tuổi.
Theo ước tính, mỗi ngày uống 100ml đồ uống có đường sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6; 1 lon đồ uống có đường 1 ngày sẽ 60% tăng nguy cơ béo phì trong 1,5 năm.
Người lớn mỗi ngày uống 1 lon đồ uống có đường, kéo dài trong 1 năm sẽ tăng gần 7kg cân nặng", bà Đinh Thị Thu Thủy thông tin.
Thuế với đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất để phòng chống bệnh không lây nhiễm
Các chuyên gia cho biết Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức y tế toàn cầu đều đã đưa ra lập trường rõ ràng rằng, thuế với đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất để phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Tính đến năm 2023, đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế đối với loại thức uống này, tăng gần gấp ba lần so với năm 2009. Trong khu vực ASEAN, 6 nước đã đi trước Việt Nam gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia và Brunei.
bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên.
Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không phải là vấn đề tài chính mà là biện pháp y tế cộng đồng khẩn cấp. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ giúp giảm tiêu dùng mà còn đóng vai trò như một lá chắn y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ ngân sách quốc gia khỏi những tổn thất do bệnh tật kéo dài gây ra.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của thuế đối với nước ngọt tại nhiều nước trên thế giới: Sau 2 năm áp dụng thuế trên đồ uống có đường ở mức 10% giá bán lẻ, Mexico đã giảm khoảng 10% tiêu thụ. Các hộ gia đình thu nhập thấp đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung; Tiêu thụ nước suối tăng 6%. Mexico thu thêm 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015.
Còn tại Anh, nghiên cứu theo dõi dọc trên 1 triệu trẻ em từ 2016 cho thấy đã giảm được 8% số trẻ em gái độ tuổi 10-11 bị béo phì/năm; giảm gần 270.000 trường hợp răng sâu, hay mất răng hàng năm; Giảm hơn 19.000 trường hợp đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin về tác hại của đồ uống có đường.
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%.
Bộ Tài chính cũng đã trình lộ trình giãn thời gian áp dụng 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028, song WHO và các chuyên gia khuyến nghị mức thuế nên đạt ít nhất 40% để thực sự tạo ra thay đổi hành vi tiêu dùng. Tại nhiều quốc gia, mức thuế này đã giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ nước ngọt, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn.
Thái Bình
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tieu-thu-do-uong-co-duong-gan-gap-2-khuyen-cao-nguoi-viet-doi-mat-voi-nhung-benh-tat-gi-169250501173054563.htm