Trẻ nhỏ thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc nên thường khóc lóc để giải tỏa căng thẳng. Ảnh: M&C.
Một tình huống mà tất cả các bậc cha mẹ (và con cái) đều phải trải qua vào một lúc nào đó, đó là những cơn giận dữ. Cơn giận dữ là một hiện tượng phổ biến xảy ra với tất cả (hoặc gần như tất cả) trẻ em, ở mọi quốc gia và nền văn hóa trên thế giới. Mặc dù vậy, đa phần các bậc cha mẹ đều không biết phải phản ứng thế nào và nhiều người có xu hướng khó chịu với trẻ hoặc xấu hổ khi chúng nổi cơn thịnh nộ, đây là chuyện khá phổ biến.
Một số người cố gắng làm mọi cách để ngăn chặn cơn giận: khiến trẻ xấu hổ trước mặt nhân viên siêu thị, dọa nạt trẻ, la mắng, hăm dọa chúng hoặc rời đi chỗ khác, bỏ đứa trẻ ở lại. Trẻ thử những chiến lược này vì nghĩ rằng người lớn sẽ có phản ứng lại. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng với một đứa trẻ hai tuổi, chúng ta chẳng thể làm gì được.
Chúng ta hãy xem tại sao cơn giận dữ lại xảy ra. Khi được khoảng hai tuổi, bé bắt đầu nhận thức được các mong muốn của mình; vùng vỏ não trước trán đã phát triển đủ để kiểm soát sự nhẫn nại, giúp trẻ kiên trì đạt được mục tiêu của mình. Đây là độ tuổi cơn giận bắt đầu xuất hiện.
Khi trẻ bắt gặp thứ mình thích, chẳng hạn như trông thấy một con búp bê qua cửa kính cửa hàng, bé tưởng tượng mình đang chơi với búp bê và bé có thể đấu tranh cho đến khi có được nó. Cha hoặc mẹ nhận ra rằng việc đánh lạc hướng trẻ sẽ không còn tác dụng nữa nên họ chỉ còn duy nhất một lựa chọn là nói thẳng với bé câu trả lời “không” một cách rõ ràng.
Dù họ có thể nói nhẹ nhàng nhưng khi trẻ hiểu rằng mình không thể lay chuyển lời từ chối này, ngay lập tức bộ não của trẻ sẽ bị nhấn chìm trong một cơn bão đúng nghĩa. Tất cả sức ì cảm xúc vốn mang lại cho trẻ trí tưởng tượng và sự kiên trì, nay lại đối đầu trực diện với nỗ lực quên đi món đồ chơi hoặc cố gắng bình tĩnh lại và với sự thất vọng do không thể đạt được mục tiêu thứ nhất hoặc thứ hai.
Tất cả những điều này dẫn đến một cuộc xung đột năng lượng tàn khốc, một cơn bão đúng nghĩa có thể giải thích được trên phương diện thần kinh. Mặc dù trẻ có đủ sức mạnh tinh thần để kiên trì với những gì mình muốn nhưng chúng không thể xoa dịu nỗi thất vọng vì các tế bào thần kinh giúp trẻ kiên trì với những hành động hoặc yêu cầu này (loại tế bào phát triển ở trẻ trên hai tuổi) khác với những tế bào thần kinh làm chậm lại hay ức chế hành vi hoặc cảm xúc.
Loại thứ hai, tế bào thần kinh ức chế, không phát triển cho đến khi trẻ khoảng bốn tuổi. Làm dịu một cảm xúc mãnh liệt, chẳng hạn như sự thất vọng, đã đủ khó đối với người lớn rồi, còn đối với một đứa trẻ hai tuổi có tế bào thần kinh ức chế chưa phát triển thì điều đó đơn giản là không thể, cho dù chúng ta có khiến trẻ xấu hổ, đe dọa trẻ hay la mắng con đến mức nào chăng nữa.
Trẻ sẽ khóc lóc, la hét và thậm chí giãy nảy, khiến não xả hết năng lượng tích lũy vào tế bào thần kinh “hành động” giúp trẻ dần dần bình tĩnh lại. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại xem những hành động này như một “màn trình diễn” hoặc một ý đồ thao túng và trở nên càng tức giận hơn, trong khi sự thật là trẻ không hề la hét, khóc lóc và giãy nảy lên để đạt được điều mình muốn; bé chỉ đang cố gắng giải tỏa căng thẳng và bình tĩnh lại thôi.
Álvaro Bilbao/ Thái Hà Books & NXB Lao động