Công nhân làm việc tại nhà máy thép Binzhou, Trung Quốc. Trung Quốc đang nắm thế thống trị thị trường sắt, thép toàn cầu. (Nguồn: AFP)
New York Times cho biết mức thuế lên tới 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng từ ngày 10/2 đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ tưởng như sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các đồng minh của nước này. Thực tế thì chúng nhắm vào đối thủ lớn hơn là Trung Quốc.
Trong tháng 1/2025, năm nhà cung cấp thép hàng đầu cho thị trường Mỹ lần lượt là Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Đức. Canada cũng dẫn đầu về xuất khẩu nhôm sang Mỹ, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nga và Trung Quốc đứng sau ở phía dưới.
Thực tế thì Trung Quốc không trực tiếp xuất khẩu nhiều thép hoặc nhôm sang Mỹ. Các đời tổng thống Mỹ liên tiếp, cùng nhiều phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ đã dẫn tới việc thép từ Trung Quốc phải chịu nhiều mức thuế nếu nhập trực tiếp vào Mỹ. Gần đây, hàng rào thuế quan cũng bị đẩy lên cao với hàng nhôm tới từ Trung Quốc. Từ tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã tăng mức thuế đánh vào nhiều sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc lên tới 25%.
Nhưng Trung Quốc vẫn thống trị ngành công nghiệp thép và nhôm toàn cầu. Mỗi năm, các nhà máy hiện đại, rộng lớn của nước này lại sản xuất nhiều nhôm và thép hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Phần lớn lượng nhôm và thép đó được sử dụng trong Trung Quốc để xây dựng, chế tạo mọi thứ, từ nhà cao tầng và tàu thuyền đến máy giặt và ô tô.
Tuy nhiên, gần đây, xuất khẩu thép và nhôm của Trung Quốc đang tăng lên vì nền kinh tế gặp khó, khiến nhu cầu nội địa suy giảm. Một lượng lớn nhôm và thép Trung Quốc, được xuất khẩu với giá rẻ, đã tới các đồng minh của Mỹ như Canada và Mexico - những quốc gia sau đó lại xuất đi sắt thép mà họ sản xuất, với giá cao hơn đáng kể, sang đất Mỹ.
Các mặt hàng kim loại xuất khẩu khác của Trung Quốc cũng tìm đường sang các nước phát triển, những nơi sẽ mua một lượng lớn thép bán thành phẩm, hoàn thiện chúng rồi xuất đi bán cho khách hàng trên toàn cầu.
Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu thép và nhôm đã khiến các nhà sản xuất và nghiệp đoàn lao động tại Mỹ nổi giận. Michael Wessel, cố vấn thương mại lâu năm của Nghiệp đoàn Công nhân Thép Mỹ, lên án: "Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đang làm ngập lụt thị trường thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến các nhà sản xuất và công nhân Mỹ".
Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận nhiều về kế hoạch áp thuế thép và nhôm của Mỹ. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc có nói: "Tôi xin nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ chẳng đi đến đâu cả. Chiến tranh thương mại và thuế quan sẽ khiến cho không có bên nào chiến thắng".
Kế hoạch áp thuế mới được đưa ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Trump áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than, máy móc nông nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ. Đòn trả đũa này có hiệu lực từ ngày 10/2.
New York Times dẫn lời chuyên gia Nick Tolerico, người từng là quan thức thương mại phụ trách về thép dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, đánh giá tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc xuất phát từ sự bùng nổ cực mạnh của hoạt động xây dựng nhà máy thép, bắt đầu trong những năm 1990 và kéo dài khoảng 15 năm sau đó.
Kể từ những năm 1940, chưa có quốc gia nào đạt tới mức độ thống trị ngành công nghiệp thép thế giới với quy mô như Trung Quốc làm được ngày nay. Để so sánh, Mỹ từng đã sản xuất tới một nửa lượng thép của thế giới, nhưng hiện chỉ còn chiếm dưới 5% thị phần.
Trong nhiều năm, ngành xây dựng của Trung Quốc đã tiêu thụ một lượng thép khổng lồ. Sự bùng nổ của hoạt động xây dựng đã tạo ra rất nhiều nhà ở cho 1,4 tỷ người dân của Trung Quốc và vẫn còn đủ căn hộ trống cho khoảng 300 triệu người khác.
Tình trạng dư thừa căn hộ trống là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ, gây ra sự đình trệ đột ngột trong xây dựng. Nhằm tránh phải đóng cửa, các nhà máy của Trung Quốc đã tăng mạnh xuất khẩu thép sang nhiều nước trên toàn thế giới. Vài năm qua, họ chấp nhận mức giá ngày càng thấp cho sản phẩm thép của mình, gây ra tình trạng sụt giá thép trên toàn cầu.
Và giá thép giảm gây tổn hại cho ngành công nghiệp thép của Mỹ, một lực lượng bầu cử nắm quyền lực chính trị lớn tại các khu vực bầu cử quan trọng. Cần biết rằng Nghiệp đoàn Công nhân Thép Mỹ có trụ sở chính ở Pittsburgh - một cơ sở lâu đời của ngành công nghiệp thép ở tiểu bang Pennsylvania, nơi đã chứng minh vai trò của nó là trung tâm của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây. Tập đoàn U.S. Steel, một biểu tượng cho vai trò to lớn trước đây của nước Mỹ trong sản xuất thép, cũng có trụ sở nằm ở Pennsylvania.
Cũng cần phải nói thêm rằng không chỉ Mỹ mới có phản ứng dữ dội với hoạt động buôn bán thép của Trung Quốc. Năm vừa qua, Canada, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã tăng mạnh thuế đối với thép xuất đi từ Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump từng áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Sau đó, ông miễn thuế cho các nước sản xuất thép lớn như Hàn Quốc, Australia và Brazil để đổi lấy việc họ sẽ áp dụng hạn ngạch về số tấn thép sẽ vận chuyển đến Mỹ mỗi năm. Nhưng ông vẫn giữ nguyên mức thuế đối với Trung Quốc.
Các biện pháp bảo hộ thương mại đó đã giúp đỡ rất nhiều ngành công nghiệp thép của Mỹ. Trong 6 năm qua, ngành này đã tăng công suất lên khoảng 1/5 và có thể xây thêm những nhà máy thép hiện đại. Các nhà máy cũ hơn, kém hiệu quả hơn đã được điều chỉnh để hoạt động với sản lượng thấp hơn mức tối đa. Theo Viện Sắt thép Mỹ - một nhóm công nghiệp có trụ sở tại Washington - tính đến tuần cuối cùng của tháng 1, các nhà máy thép tại Mỹ đang hoạt động ở mức 74,4% tổng công suất./.
(Vietnam+)