Vì sao Trung Quốc phản đối Mỹ áp thuế quan mới lên dầu của Venezuela?

Vì sao Trung Quốc phản đối Mỹ áp thuế quan mới lên dầu của Venezuela?
2 ngày trướcBài gốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với dầu mỏ Venezuela. Ảnh Tân Hoa xã
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thuế quan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun tuyên bố trong cuộc họp báo cuối tuần trước được hãng Tân Hoa xã trích đăng.
Ông Jiakun nhấn mạnh rằng Washington từ lâu đã lợi dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán để gây áp lực lên các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi Mỹ chấm dứt các biện pháp hạn chế đối với Venezuela. Ông cũng cảnh báo rằng, thuế quan này có thể gây tác động tiêu cực đến chính doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Trước đó, Trung Quốc, Mexico và Canada cũng từng là mục tiêu của các biện pháp thuế nhập khẩu từ Mỹ.
Cùng quan điểm, Tổng thống đắc cử Mexico, Claudia Sheinbaum, đã phản đối biện pháp thuế quan này, cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế và phong tỏa ảnh hưởng tới người dân nhiều hơn là Chính phủ. Tổng thống Cuba, Miguel Díaz-Canel, cũng chỉ trích Washington vì tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế của Venezuela.
Thuế quan mới của Mỹ
Hôm thứ Hai tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, cho phép áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ các quốc gia nhập khẩu dầu khí Venezuela, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ có toàn quyền quyết định sau khi Bộ Thương mại Mỹ xác nhận một quốc gia có nhận dầu khí từ Venezuela hay không.
Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, động thái này nhằm “cắt đứt các nguồn tài chính” của Chính phủ Venezuela.
Thông cáo báo chí cho biết các mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/4, và duy trì trong vòng một năm kể từ thời điểm quốc gia đó nhập khẩu dầu Venezuela lần cuối, trừ khi Mỹ quyết định dỡ bỏ sớm hơn. Ngoài ra, các mức thuế áp dụng với Trung Quốc cũng sẽ được mở rộng sang Hong Kong và Macau nhằm ngăn chặn việc lách luật.
Hiện tại, Mỹ chưa nêu rõ về cách thức áp dụng thuế thứ cấp này. Trong những năm gần đây, các nhà giao dịch dầu Venezuela đã phát triển nhiều chiến lược nhằm ẩn nguồn gốc lô hàng và né tránh theo dõi.
Caracas lên án Mỹ đang tiến hành một cuộc “xung đột kinh tế”, vi phạm luật thương mại quốc tế và nhân quyền. Các chuyên gia nhận định rằng các biện pháp mới của ông Trump có thể ảnh hưởng đến doanh thu dầu của Venezuela, dẫn đến nguy cơ lạm phát quay trở lại. Trước tình hình này, chính quyền Maduro tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố ngành dầu khí.
Kể từ năm 2017, Mỹ đã áp trừng phạt tài chính, cấm vận xuất khẩu và lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Venezuela, buộc nước này phải bán dầu với giá rẻ và phụ thuộc vào các bên trung gian. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế và di cư nghiêm trọng, Venezuela bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ năm 2021, nhờ thay đổi chính sách của Chính phủ và mức sản lượng dầu thô tăng nhẹ.
Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Venezuela, nguy cơ gián đoạn xuất khẩu dầu
Lệnh áp thuế mới nhất đánh dấu một bước leo thang trong chiến dịch gây sức ép kinh tế của Mỹ đối với Caracas. Đầu tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu Chevron ngừng hoạt động tại Venezuela – bao gồm cả khai thác và xuất khẩu dầu thô – trong vòng 30 ngày, sau đó gia hạn đến ngày 27/5. Trước đó, Chevron được phép hoạt động tại Venezuela theo Giấy phép Tổng quát 41 của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) từ tháng 11/2022.
Các động thái mới của chính quyền Trump đã bắt đầu tác động tiêu cực đến ngành dầu mỏ Venezuela, gây tình trạng chậm trễ trong việc bốc dỡ hàng và vận chuyển tại các cảng chính. Theo báo cáo, các giao dịch dầu thô giữa Venezuela và Trung Quốc đã tạm ngưng hôm thứ Ba tuần trước sau lệnh áp thuế mới, trong khi Chevron cắt giảm số lượng tàu chở dầu, chỉ thuê 7 chuyến trong tháng này so với 15 chuyến trong tháng 2, tương đương 252.000 thùng/ngày.
Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của dầu thô Venezuela – hiện chưa đưa ra hướng dẫn chính thức cho các doanh nghiệp năng lượng. Tháng 2 vừa qua, PDVSA – công ty dầu khí nhà nước Venezuela – đã xuất khẩu khoảng 910.000 thùng/ngày, trong đó 503.000 thùng/ngày được chuyển đến Trung Quốc.
Trong khi đó, Reliance Industries của Ấn Độ được cho là sẽ nhận một lô dầu của Venezuela đang trên đường vận chuyển, nhưng sẽ tạm dừng các đơn hàng mới. Năm ngoái, tập đoàn này được chính quyền Mỹ cấp phép mua dầu từ Venezuela, nhập khẩu trung bình 2 triệu thùng dầu Merey/tháng.
Hiện vẫn chưa rõ các công ty châu Âu như Repsol (Tây Ban Nha), Eni (Ý), Maurel & Prom (Pháp) và Công ty Khí đốt Quốc gia (NGC) của Trinidad & Tobago có bị yêu cầu ngừng hoạt động liên doanh với PDVSA hay không. Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ xem xét lại các giấy phép đã cấp trong những năm gần đây, vốn cho phép một số công ty nước ngoài mở rộng hoạt động tại Venezuela.
Ngoài ra, châu Âu cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế nếu tiếp tục nhập khẩu dầu khí từ Venezuela. Tây Ban Nha đã cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu biện pháp của Mỹ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng, “xung đột thương mại không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-sao-trung-quoc-phan-doi-my-ap-thue-quan-moi-len-dau-cua-venezuela-725831.html