Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?
3 giờ trướcBài gốc
Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
Cuộc đấu tranh bảo vệ những di sản đang biến mất
Di sản nghe nhìn không chỉ đơn thuần là những bản ghi hình ảnh và âm thanh mà còn là những chứng nhân của lịch sử và văn hóa nhân loại. Từ những thước phim tài liệu về các sự kiện lịch sử quan trọng đến các bộ phim nghệ thuật ghi lại văn hóa địa phương, các tài liệu này giúp con người tiếp cận với những thời kỳ, con người và sự kiện mà không còn có thể tái hiện. Theo Tổ chức UNESCO, những phẩm chất đặc biệt của các tài liệu nghe nhìn là khả năng tạo ra sự cộng hưởng mạnh mẽ mà có lẽ không loại phương tiện truyền thông nào khác có thể làm được.
Trong một cảnh từ bộ phim tài liệu The Forbidden Reel (2019) của Ariel Nasr, ông Ibrahim Arify, cựu Chủ tịch Afghan Film - kho lưu trữ phim quốc gia Afghanistan, đang lật giở những bức ảnh màu về một khu phức hợp nhà ở. Ông chỉ vào một bức ảnh hành lang xám xịt, nơi những mảng tường màu ngọc lam bị hư hại nghiêm trọng và nói: “Toàn bộ nơi này trông như thế này, tổ chim khắp nơi. Những chú chim nhỏ đến làm tổ ở những nơi bị bỏ hoang”.
Bộ phim này tái hiện câu chuyện về kho lưu trữ phim Afghanistan vào năm 1996. Một phần kho lưu trữ đã được các nhân viên giấu sau một bức tường giả để tránh khỏi sự phá hủy của Taliban. Họ đã bị đe dọa: “Mang hết các cuộn phim ra đây, nếu một cuộn nào bị giấu, các người sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình”. Taliban đã đốt hết những cuộn phim mà nhân viên không kịp giấu đi. Điều đáng chú ý trong câu chuyện này là những con người bình thường đã mạo hiểm mạng sống để bảo vệ một kho tàng phim - thứ mà họ coi là di sản phim quốc gia của mình.
Hành động bất chấp mạng sống của các nhân viên Afghan Film để bảo vệ di sản phim của họ là một ví dụ điển hình và cũng rất đặc biệt. Người xem có thể thấy được sức mạnh và ý nghĩa của những di sản nghe nhìn có thể tác động sâu sắc đến bản sắc văn hóa của một quốc gia, tổ chức và từng cá nhân như thế nào.
Bộ phim tài liệu The Forbidden Reel (2019) tái hiện câu chuyện về kho lưu trữ phim Afghanistan vào năm 1996. (Ảnh: IDFA Institute)
Hơn thế, ở góc độ bảo tồn, chi tiết những chú chim làm tổ trong kho lưu trữ là hình ảnh ẩn dụ cho mối nguy cơ luôn rình rập đến sự tồn tại và bảo quản lâu dài của các tư liệu nghe nhìn. Di sản nghe nhìn rất dễ bị tổn thương trước nhiều yếu tố, từ sự lãng quên, suy thoái vật chất, lạc hậu của công nghệ đến nguy cơ từ thiên tai, chiến tranh, xung đột chính trị. Trong đó, phim và các bản ghi âm đặc biệt dễ bị tổn thương hơn cả, bởi chúng cần được bảo quản trong môi trường kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm. Không giống như các tài liệu giấy, chúng cũng cần các thiết bị đặc biệt để có thể được xem và nghe lại. Do đó, việc bảo tồn di sản ngày càng trở nên cấp thiết hơn hết nếu không muốn một phần của di sản văn hóa, lịch sự nhân loại biến mất mãi mãi.
Nguồn tư liệu sống động của lịch sử nhân loại
Từ những ngày đầu, Liên hợp quốc và UNESCO đã nhận định ra phim ảnh là một phương tiện giao tiếp và giáo dục mạnh mẽ. Liên hợp quốc, sau khi thành lập không lâu, đã tạo ra Hội đồng Phim Liên hợp quốc (UNFB) vào năm 1947. Năm 1949, UNFB đã sản xuất một loạt phim tài liệu, trong đó có bộ phim First Steps đoạt giải Oscar, kể về cuộc sống của những đứa trẻ khuyết tật khi chúng bơi lội, chơi nhạc, vẽ tranh, ăn uống và tập luyện trong liệu pháp nghề nghiệp và vật lý trị liệu.
Tổ chức UNESCO đã có những bước tiến lớn trong việc thiết lập khung chính sách bảo tồn di sản nghe nhìn. Năm 1980, UNESCO đã thông qua “Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận các tài liệu nghe nhìn”. Trước đó, vào năm 1952, UNESCO đã tổ chức Hội nghị Quốc tế của các Nghệ sĩ tại Liên hoan Venice lần thứ 26. Một trong những kết quả của hội nghị này là một nghị quyết dự thảo được công bố bởi Ủy ban Phim, khuyến khích các chính phủ thành lập kho lưu trữ phim quốc gia để bảo vệ giá trị lịch sử và nghệ thuật của các bộ phim từ quá khứ, nhiều trong số đó đã bị mất hoặc đang có nguy cơ bị mất.
Bên cạnh việc thành lập Ngày Di sản Nghe nhìn Thế giới vào năm 2006, UNESCO cũng đã khởi xướng Chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World) từ năm 1992, với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài liệu nghe nhìn và bảo vệ sự tiếp cận bền vững cho các tài liệu này. Đặc biệt, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, tổ chức này không chỉ khuyến khích bảo tồn các tài liệu truyền thống mà còn đẩy mạnh bảo vệ các tài liệu kỹ thuật số, vốn dễ bị hỏng hóc và mất mát do vòng đời công nghệ ngắn.
UNESCO đã hợp tác với UNFB và các nhà sản xuất phim khác để hỗ trợ tài chính và sản xuất các bộ phim liên quan đến công việc bảo tồn loại hình di sản này. Đáng chú ý là dấu mốc năm 1951, UNESCO mới bắt đầu sản xuất phim một cách nghiêm túc. Một trong những ví dụ sớm về phim do UNESCO sản xuất là bộ phim tài liệu “World Without End” (1954) của Paul Rotha và Basil Wright. Bộ phim kể về cuộc sống và đấu tranh của người dân ở Mexico và Thái Lan, đồng thời miêu tả các chương trình của Liên hợp quốc và UNESCO, cùng với tầm nhìn nhân đạo về sự ổn định toàn cầu.
Đáng nói, bộ phim “World Without End”, cùng với khoảng 4.000 giờ hình ảnh chuyển động trên khoảng 12.500 cuộn phim 16-mm và 35-mm trong kho lưu trữ của UNESCO. Do vẫn chưa được số hóa, phần đông vẫn chưa thể tiếp cận được bộ phim này. Ngoài phim ảnh, kho lưu trữ hình ảnh chuyển động của UNESCO còn bao gồm các video ở nhiều định dạng khác nhau. UNESCO nhận ra rằng, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa và tư liệu nghe nhìn cần bao gồm cả việc làm cho di sản phim trong kho lưu trữ có thể tiếp cận được.
Theo đó, tổ chức này đã nỗ lực số hóa bộ sưu tập của mình trong những năm gần đây. Nỗ lực này bao gồm các thỏa thuận với Viện quốc gia về Nghe nhìn của Pháp vào năm 2009 và 2015 để số hóa 70 giờ phim và video. Cùng với đó là việc số hóa gần 200 phim và video trong dự án “Digitizing Our Shared UNESCO History” được Nhật Bản tài trợ từ 2017 - 2020. Tuy vậy, như với hầu hết các kho lưu trữ, thách thức về nguồn lực là một rào cản đối với việc làm cho di sản phim của UNESCO hoàn toàn có thể tiếp cận được và đảm bảo điều kiện tối ưu cho việc bảo quản lâu dài.
Viện Âm thanh và Hình ảnh Hà Lan phát triển dự án “Xem video như một nhà sử học” nhằm nâng cao việc sử dụng tài liệu nghe nhìn trong giảng dạy. (Ảnh: pro.europeana.eu)
Sáng kiến tích hợp di sản nghe nhìn vào giáo dục
Đến nay, các nỗ lực bảo tồn di sản nghe nhìn đã đạt được nhiều thành tựu với những cách tiếp cận sáng tạo và thiết thực cho đời sống. Điển hình gần đây nhất là dự án “Xem video như một nhà sử học” (Tiếng Anh: Watching Videos like a Historian - WVLH) do Viện Âm thanh và Hình ảnh Hà Lan (Netherlands Institute for Sound & Vision) khởi xướng, đang nhận được sự đánh giá cao từ dư luận châu Âu. Dự án này đang phát triển một bộ công cụ dành cho giáo viên nhằm nâng cao việc sử dụng tài liệu nghe nhìn trong giảng dạy, dự kiến chính thức ra mắt vào đầu năm 2025 (phiên bản thử nghiệm có sẵn trong tháng 10/2024).
Điều đáng chú ý là bộ công cụ này được phát triển bởi chính các giáo viên môn lịch sử ở châu Âu, tập trung vào việc đánh giá nguồn gốc tư liệu và khía cạnh đạo đức của lịch sử, đồng thời cung cấp các chiến lược giảng dạy, kịch bản học tập, các hoạt động học tập trực tuyến và thư viện nghe nhìn có đầy đủ tài liệu luôn sẵn sàng để sử dụng. Mục tiêu của dự án WVLH là giúp giáo viên lịch sử và giáo dục công dân sử dụng tài liệu nghe nhìn trong lớp học, đồng thời giúp học sinh hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa các sản phẩm nghe nhìn và thế giới hiện tại.
Đồng thời, việc hợp tác giữa giáo viên và người quản lý bộ sưu tập nghe nhìn giúp giáo viên tiếp cận nhiều tài nguyên hơn và cải thiện bài giảng. Các giáo viên lịch sử ở châu Âu cho rằng, tài liệu nghe nhìn có thể làm cho những chủ đề khô khan trở nên hấp dẫn và đưa lịch sử vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn cần có một chiến lược hợp lý để sử dụng hiệu quả các tư liệu này.
Diệu Bảo
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/vi-sao-unesco-khuyen-nghi-bao-ton-di-san-nghe-nhin-post529802.html