Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa được khắc phục triệt để. (ảnh minh họa). Ảnh: D.T.
Thiếu chủ động
Theo phản ánh của cử tri tại nhiều địa phương với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước thềm Kỳ họp thứ 8 vừa qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, tình trạng thiếu một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, dẫn đến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân nhưng không được BHYT chi trả.
Cho dù Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay, Nghị định hướng dẫn cũng đã được Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã có 5 thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc - vật tư và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế vẫn chưa triển khai được gói thầu hoặc là một số loại thuốc không đấu thầu được dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chờ đợi thuốc. Theo phản ánh của một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, các bệnh viện hiện nay còn gặp khó khăn trong xây dựng giá kế hoạch và thẩm định giá trong quá trình đấu thầu mua sắm vì hiện rất khó xác định được giá thật của các sản phẩm.
Mới đây nhất, tại hội nghị thông tin tới báo chí, Bộ Y tế cho biết, qua công tác kiểm tra và phản ánh của người dân, cơ quan này tiếp tục ghi nhận một số trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định để người tham gia BHYT phải tự đi mua sắm thuốc, thiết bị y tế…
Nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu thuốc là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do xung đột vũ trang tại châu Âu, Trung Đông; khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu đặc biệt với một số thuốc có nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm.
Nguyên nhân chủ quan là do một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong lập kế hoạch chuẩn bị thuốc; e dè trong việc lập kế hoạch, đấu thầu mua thuốc mặc dù các quy định về đấu thầu thuốc đã có đầy đủ hành lang pháp lý. Các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành và tham mưu ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn dược để các đơn vị áp dụng thực hiện; đôn đốc, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về bảo đảm cung ứng thuốc, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên hoàn thiện và triển khai các thủ tục hành chính về dược.
Kho thuốc của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM luôn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. ảnh: BVCC.
Cần linh hoạt trong tổ chức thực hiện
Việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện được tổ chức theo 3 hình thức: Đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu. Ngoài ra, với thuốc biệt dược, thuốc hiếm thì Bộ Y tế sẽ thực hiện đàm phán giá. Tuy nhiên, điều mà các lãnh đạo bệnh viện và các cơ sở y tế lo ngại chính là việc xây dựng giá kế hoạch và thẩm định giá trong quá trình đấu thầu mua sắm. Bởi vì rất khó xác định được giá thật của các sản phẩm, đặc biệt là các hóa chất và trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Ông Nguyễn Tường Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, nắm bắt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian trước, Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi, cũng như Nghị định 24 và có thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó chú ý đến quy định giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo ông Sơn, hiện nay cơ bản khó khăn đã được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ ở một số bệnh viện. Một phần nguyên nhân là những quy định pháp luật đấu thầu tuy đã tháo gỡ, nhưng còn có nhiều điểm mới, nên các cơ sở y tế chưa hiểu hết để vận dụng vào mua sắm.
“Bộ Y tế đã có văn bản quy định các đơn vị y tế phải chịu trách nhiệm về việc thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu bệnh viện, tuy nhiên, một số đơn vị báo cáo, khi thực hiện đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia, hoặc một số thuốc hiếm thị trường không có... Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về công tác đấu thầu cho các bệnh viện. Đặc biệt, Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác đấu thầu có tính chất thực hành giúp các bệnh viện hiểu cặn kẽ hơn các quy định đấu thầu, cố gắng đầu năm 2025 sẽ ban hành để các đơn vị áp dụng” – ông Nguyễn Tường Sơn thông tin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu là cả bài toán không phải giải quyết trong ngày một ngày hai. Trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa, ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu. Về mặt cơ sở pháp lý để đảm bảo công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều bệnh viện bảo đảm được thuốc, vật tư y tế cơ bản cho người dân. Đơn cử, Bệnh viện đa khoa Đức Giang báo cáo đã giải quyết được 95% vấn đề cung ứng thuốc cho người bệnh, còn lại 5% là vấn đề quay vòng gói thầu chưa đến thời hạn, hoặc nguồn cung chưa có, nhưng bệnh viện vẫn giải quyết được vì vẫn có nguồn thuốc khác thay thế đảm bảo cho người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở bệnh viện thì ngoài cơ chế chính sách, điều quan trọng chính là việc tổ chức thực hiện ở các bệnh viện. Các bệnh viện thực hiện đúng luật nhưng cũng cần linh hoạt và chủ động. “Theo báo cáo từ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho thấy, một năm nơi này mua mấy trăm gói thầu trị giá mấy nghìn tỷ đồng nhưng bệnh viện đã thành lập 1 bộ phận chuyên về đấu thầu, có người có kinh nghiệm về tài chính, kế hoạch, hỗ trợ trực tiếp cho các khoa phòng, rất chuyên nghiệp” – bà Lan dẫn chứng.
Trong Luật BHYT sửa đổi vừa được thông qua, có quy định cho phép điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa đơn vị này với đơn vị khác, được BHYT thanh toán. Đây là cơ chế tạo điều kiện cho các bệnh viện, cho ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khi cần thuốc, vật tư y tế cho người bệnh đáp ứng được ngay.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông báo việc ban hành Thông tư 22/2024, quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với các tiêu chí và điều kiện thanh toán được quy định rõ ràng, nhằm giúp giải quyết khó khăn cho cả người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. Đại diện Bộ Y tế cho biết, thông tư này sẽ giảm thiểu các khó khăn trong việc thanh toán BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và các bệnh viện trong công tác mua sắm, thanh toán chi phí thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ thường xuyên cử các đoàn làm việc trực tiếp với các bệnh viện để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn. Đối với những điểm nghẽn, Bộ Y tế tập trung sát sao chỉ đạo Giám đốc các bệnh viện giải quyết khó khăn, không để người bệnh phải ra ngoài mua vật tư, y tế cho việc chữa bệnh. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ nhất, bên cạnh việc giải quyết về cơ chế mua sắm, đấu thầu, chúng ta cần chủ động nguồn cung ngay trên đất nước mình bằng các chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực dược phẩm trên thế giới…
Theo ông Hoàng Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt của tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế. Bằng chứng là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại xảy ra vướng mắc. Các khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung như thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây… Mặc dù vậy, trong một năm qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ cho các cơ sở y tế rơi vào tình trạng khó đấu thầu, mua sắm sau dịch Covid-19 và đến nay đã gỡ gần như hoàn toàn những vướng mắc này.
Đức Trân