Vì sao vào khoa cấp cứu vẫn phải chờ?

Vì sao vào khoa cấp cứu vẫn phải chờ?
6 giờ trướcBài gốc
Mỗi ngày, hàng chục nghìn người đổ về các khoa cấp cứu với hy vọng không bị bỏ lỡ cơ hội sống sót quý giá. Thế nhưng không ít trường hợp vẫn phải nằm chờ trên băng ca, giữa không gian đầy mùi thuốc sát trùng và nhịp bước hối hả.
Người bệnh căng thẳng, thân nhân sốt ruột, nhưng tất cả đều buộc phải chờ đợi.
Trong thực tế, có phải cứ vào cấp cứu là được cứu ngay? Hay còn một quy trình sàng lọc nghiêm ngặt phía sau cánh cửa cấp cứu?
Trước cổng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói tiếp nhận đa số bệnh nhân có tình trạng nặng ở TP.HCM và cả khu vực phía Nam. Ảnh: Duy Hiệu.
Quy trình tiếp nhận ở phòng cấp cứu
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 của Bộ Y tế, cấp cứu được định nghĩa là: Tình trạng sức khỏe hoặc hành vi xuất hiện đột ngột của một người mà nếu không được theo dõi, can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với người khác.
Điều này cho thấy cấp cứu không chỉ đơn thuần là một can thiệp y tế mà còn mang tính quyết định giữa sự sống và cái chết, cần diễn ra nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Tại các bệnh viện ở Việt Nam, quy trình tiếp nhận người bệnh tại khoa Cấp cứu thường được tổ chức một cách chặt chẽ.
Ngay khi đến nơi, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế đánh giá sơ bộ: liệu họ có đang trong tình trạng đe dọa tính mạng hay không. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được phân loại thành ba nhóm: nguy kịch, cấp cứu và không cấp cứu.
Những ca nguy kịch như ngừng tim, ngừng thở, suy hô hấp nặng hay sốc cần được xử trí ngay lập tức, thường với sự phối hợp của cả ê-kíp để giành lại sự sống.
Người bệnh được phân loại mức độ bệnh tại khu vực sàng lọc trước khoa cấp cứu của một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Văn Đạt.
Nhóm cấp cứu gồm những trường hợp có nguy cơ bệnh trở nặng nếu chậm trễ, như rối loạn sinh tồn, ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa hay đa chấn thương; họ cần được can thiệp trong vòng 10 phút. Trong khi đó, các bệnh nhân không có dấu hiệu cấp cứu sẽ được khám trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng không quá 120 phút kể từ khi nhập viện.
Nhằm bảo đảm tính minh bạch và ưu tiên đúng đối tượng, nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện nhi, đều dán bảng công khai danh sách các tình trạng cần cấp cứu ưu tiên, bao gồm:
Ngưng tim, ngưng thở
Dị vật đường thở gây suy hô hấp
Suy hô hấp nặng
Sốc
Cơn co giật kèm tím tái hoặc ngưng thở
Rối loạn tri giác nặng
Xuất huyết nghiêm trọng
Đa chấn thương hoặc chấn thương nặng
Bỏng nặng
Tiêu chảy mất nước nặng
Hạ thân nhiệt nặng
Tại các bệnh viện ở TP.HCM, thời gian lưu lại khoa cấp cứu của bệnh nhân thường không quá 4-6 giờ, tuân theo "nguyên tắc 4 giờ" và nguyên tắc 6 giờ" do Sở Y tế TP.HCM quy định.
Cụ thể, ngay sau khi xử trí ban đầu, nhân viên y tế buộc phải quyết định nên cho bệnh nhân chuyển viện, xuất viện hay chuyển vào các khoa nội trú phù hợp để tránh tình trạng nằm quá lâu tại khoa Cấp cứu.
Như vậy, có thể thấy, không phải tất cả người bệnh đến khoa cấp cứu đều được xử trí ngay lập tức. Việc ưu tiên can thiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe. Sự phân loại này giúp hệ thống cấp cứu hoạt động hiệu quả, tránh quá tải và đảm bảo nguồn lực y tế được huy động đúng lúc, đúng chỗ.
Ai được ưu tiên cấp cứu?
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm trễ cấp cứu bệnh nhân, trừ một số trường hợp được quy định trong Điều 40 của Luật, bao gồm:
Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh.
Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.
Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Trẻ em, người lớn tuổi là những nhóm được ưu tiên. Ảnh: Văn Đạt.
Một điểm đáng chú ý khác là nhóm đối tượng ưu tiên cấp cứu được quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Luật, bao gồm: Trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật nặng, người trên 75 tuổi và người có công với cách mạng. Đây là những người cần được bảo vệ đặc biệt và phải được can thiệp kịp thời để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe.
Nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi và cải thiện hiệu quả điều trị, nhiều mô hình hiện đại đã được triển khai. Trong đó, nhiều bệnh viện trên thế giới và tại Việt Nam đã áp dụng hệ thống báo động khẩn cấp mã hóa theo màu.
Báo động đỏ (Code red) được áp dụng trong những tình huống bệnh nhân nguy kịch, cần can thiệp khẩn cấp để giữ lại sự sống.
Một số trường hợp điển hình gồm: sản phụ băng huyết sau sinh, bệnh nhân đa chấn thương do tai nạn, đột quỵ cấp, nhồi máu cơ tim, sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng, hay tắc mạch phổi. Ngoài ra, những ca ngưng tim ngưng thở có khả năng hồi sức hoặc trẻ sơ sinh suy hô hấp nặng cũng là đối tượng kích hoạt quy trình này.
Khi báo động đỏ được khởi động, toàn bộ hệ thống y tế liên quan sẽ phối hợp tức thì để cấp cứu, rút ngắn tối đa thời gian xử trí, tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Kỳ Duyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-vao-khoa-cap-cuu-van-phai-cho-post1551376.html