Giá tối đa 9,3 US cent/kWh
Mới đây, Bộ Công thương ban hành quyết định về khung giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc về Việt Nam.
Mức giá tối đa là 9,3 US cent/kWh, tương đương khoảng 2.430 đồng/kWh theo tỷ giá tại thời điểm ban hành .
Dựa vào khung giá này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bên bán điện từ Trung Quốc sẽ đàm phán giá cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm chi phí mua điện.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 3.700 MW điện từ Trung Quốc (Ảnh minh họa).
Khung giá này được ban hành cùng thời điểm với giá mua điện cho các dự án năng lượng tái tạo trong nước (gồm điện gió và điện mặt trời), khiến không ít người băn khoăn khi mức trần lại cao hơn đáng kể so với các nguồn điện sạch, vốn chỉ dao động quanh 1.500-1.800 đồng/kWh tùy loại hình.
Trong khi, các nguồn điện sạch đang được kỳ vọng là tương lai năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
Thực tế, đến năm 2024, tổng công suất đặt nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt gần 83.000 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện tái tạo (điện gió, mặt trời) là 21.447 MW, chiếm tỷ trọng 26%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa ban hành, công suất nguồn điện gió, mặt trời tăng đáng kể. Đến năm 2030, tổng công suất điện gió và mặt trời đạt 75.525-111.445 MW (không kể điện gió ngoài khơi).
Mỗi năm chỉ nhập khoảng 1,8 tỷ kWh vào mùa khô
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, đại diện Cục Điện lực (Bộ Công thương) cho hay, sở dĩ có sự khác biệt trên là do phương thức mua điện khác nhau.
"Riêng Trung Quốc giá mua điện được tính từ lưới, còn mua điện Lào, hay các dự án trong nước được tính từ dự án", vị đại diện nói và giải thích, mua điện từ dự án chưa bao gồm chi phí đầu tư đường dây truyền tải.
Cụ thể, theo vị đại diện, phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện được xác định rất rõ tại Điều 9, Thông tư 09 về phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.
Trong nước, giá mua điện tính từ dự án (Ảnh minh ).
Theo đó, đối với việc nhập khẩu điện thông qua lưới điện quốc gia, mức giá tối đa là chi phí biên theo điện năng bình quân phần nguồn điện đối với kịch bản cơ sở trong đề án quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia gần nhất được hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thông qua.
Thông tin thêm về tình hình nhập khẩu điện từ Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó tổng giám đốcCông ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho hay, mức nhập khẩu điện từ Trung Quốc rất ít. Chẳng hạn, năm 2024 chỉ nhập khoảng 1,8 tỷ kWh/276,4 tỷ kWh sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.
Việc nhập khẩu được thực hiện qua hai đường dây, 220 kV Malungtang - Hà Giang và Maquan - Lào Cai, với tổng công suất khoảng 550 MW, chủ yếu trong mùa khô để cấp điện cho khu vực miền Bắc.
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 3.700 MW điện từ Trung Quốc, tăng thêm 3.000 MW so với kế hoạch trong Quy hoạch điện VIII trước đó.
Để hỗ trợ kế hoạch nhập khẩu này, Việt Nam đang triển khai dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, dự kiến vận hành vào đầu năm 2026, nhằm giải tỏa công suất nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc là một phần trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao và khả năng thiếu hụt nguồn cung trong mùa khô. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong nước để giảm phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu.
Hồng Hạnh