Video: Cách đọc tên các nhân vật nổi tiến trong vũ trụ Brainrot thu hút 23 triệu lượt xem. (Nguồn: @sudauto)
Không mang nhiều giá trị nội dung, chẳng rõ thông điệp, thậm chí vô nghĩa nhưng “vũ trụ thối não” Brainrot vẫn đang khuấy đảo các nền tảng mạng xã hội, chinh phục trẻ nhỏ toàn cầu, từ Italya, Mỹ cho đến Việt Nam. Điều gì khiến loạt video siêu thực này có sức hút kỳ lạ đến vậy?
Brainrot là gì?
“Brainrot” dịch thoáng sang tiếng Việt là “thối não”, vốn được dùng để mô tả cảm giác mệt mỏi, xao nhãng hay thậm chí là ngớ ngẩn sau khi xem quá nhiều nội dung vô nghĩa, thiếu chất lượng trên mạng. "Vũ trụ thối não” Brainrot đang trở thành hiện tượng văn hóa số toàn cầu với hàng triệu video lan truyền trên TikTok và YouTube Shorts.
Từ một cộng đồng nhỏ trên TikTok ở Italy, Brainrot lan ra như vũ bão, băng qua ranh giới địa lý và ngôn ngữ để tiếp cận người xem toàn thế giới. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ấy, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè, khi trẻ em dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và video ngắn.
Điểm đặc trưng của Brainrot chính là hệ sinh thái sinh vật siêu thực, kỳ dị do AI “phát minh” ra, không tuân theo bất kỳ logic nào. Chẳng hạn như Tung Tung Tung Sahur là sinh vật trông giống khúc gỗ cầm gậy, phát ra âm thanh “tung tung tung” mô phỏng tiếng gọi dậy ăn sahur trong tháng Ramadan.
Ballerina Cappuccina là vũ công ba lê với chiếc đầu là cốc cà phê cappuccino. Tralalero Tralala là cá mập ba chân mang giày Nike đi bộ dưới biển. Bombardiro Crocodillo là máy bay ném bom với đầu cá sấu. Lirilì Larilà là voi hai chân đi dép khổng lồ, có đồng hồ tích tắc trên người.
Những nhân vật nổi tiếng trong vũ trụ Brainrot.
Vì sao vũ trụ 'thối não' Brainrot khiến trẻ em mê mẩn?
Những sinh vật kỳ lạ này thường xuất hiện bất ngờ, hét lên những câu vô nghĩa bằng thứ ngôn ngữ Italy và Mỹ giả tưởng rồi biến mất ngay sau đó. Chúng tồn tại chỉ trong vài chục giây nhưng đủ để tạo ra ấn tượng mạnh nhờ hình ảnh dị thường và âm thanh ám ảnh. Với giọng cường điệu, nhịp điệu dồn dập, cộng hưởng với hình ảnh siêu thực, các video trong vũ trụ Brainrot khiến người xem có cảm giác “não bị reset” liên tục.
Không khó để lý giải sức lan tỏa của Brainrot vì TikTok và YouTube Shorts chính là hai “bệ phóng” lý tưởng nhất cho kiểu nội dung gây sốc, gây cười, gây nghiện. Những nền tảng này ưu tiên video ngắn, tốc độ cao, âm thanh bắt tai – vừa dễ tiếp cận, vừa dễ trở thành xu hướng. Khi một âm thanh hay nhân vật nào đó bắt đầu viral, hàng nghìn video phái sinh sẽ được tạo ra, khiến người xem bị cuốn vào vòng lặp nội dung không hồi kết.
Ở TikTok hashtag #Brainrot thu về hơn 1,7 triệu bài đăng. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt, nhóm trẻ từ 3–6 tuổi chưa có năng lực phản biện nội dung chính là những khán giả trung thành nhất. Nhiều phụ huynh Việt Nam bất ngờ khi thấy con em đọc vanh vách tên các nhân vật Brainrot, phát âm chuẩn "như tiếng ngoài hành tinh”. Có những em bé 3 - 4 tuổi chưa biết nhiều chữ cái nhưng lại có thể nhớ chi tiết tên gọi, hình dáng và tính cách của hàng chục sinh vật ảo.
Thậm chí trên mạng còn có trào lưu "thử thách đọc tên các nhân vật trong Brainrot" rồi tính điểm. Hàng loạt video của các bạn nhỏ đua nhau bắt trend đọc thành thạo tên các nhân vật, khiến phụ huynh ngỡ ngàng vì khi học chữ, con họ không thể đọc thông thạo đến như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà Oxford chọn “Brainrot” là “Từ của năm 2024”, một dấu hiệu cho thấy mức độ thâm nhập văn hóa mạnh mẽ của trào lưu này.
Gen Alpha là những thế hệ trẻ em sinh ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đang dần phát triển một “ngôn ngữ” riêng, kết hợp giữa meme, biểu cảm phi lý và cách nói chuyện được mã hóa từ xu hướng mạng xã hội. Trong “vũ trụ thối não” Brainrot, trẻ không cần hiểu nội dung, chỉ cần bắt chước hình ảnh, âm thanh và phong cách thể hiện là đã đủ vui.
Việc trẻ em thi nhau nói theo các nhân vật Brainrot không đơn thuần là trò chơi giải trí. Đó là một dạng thể hiện bản sắc, xây dựng cộng đồng và thậm chí tạo cảm giác “trưởng thành” khi khiến người lớn không hiểu gì. Chính sự mâu thuẫn giữa điều vô nghĩa và khả năng ghi nhớ siêu phàm khiến Brainrot trở thành “chốn vui chơi” đầy kích thích của trẻ nhỏ trong thời gian nghỉ hè.
Hệ lụy dưới góc nhìn khoa học
Mặc dù mang tính giải trí cao, vũ trụ Brainrot cũng kéo theo nhiều lo ngại về sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở trẻ nhỏ - đối tượng đang trong giai đoạn hình thành nhận thức.
Tiến sỹ Costantino Iadecola, Chủ tịch Viện Nghiên cứu não bộ và tâm trí gia đình Feil tại Weill Cornell Medicine (Mỹ) nhận định: "Vũ trụ Brainrot không độc hại ngay lập tức, nhưng việc tiếp xúc với dạng nội dung vô nghĩa trong thời gian dài thay vì được trải nghiệm thông tin có chiều sâu có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não. Vũ trụ Brain rot gây vấn đề chính liên quan đến trẻ em, vì sự phát triển của não bộ đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều loại hình thông tin khác nhau".
Trẻ nhỏ “nghiện” video Brainrot dễ rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ ngắn hạn vì bộ não không được “luyện tập” với thông tin có logic. Gây giảm khả năng chú ý, dễ phân tâm, phản ứng chậm với các kích thích thực tế. Trẻ còn có thể bốc đồng, luôn tìm kiếm sự kích thích mạnh, vui tức thì mà thiếu kiên nhẫn với những hoạt động học tập hoặc tư duy kéo dài.
Trẻ cũng dễ mắc lo âu, trầm cảm do lệ thuộc vào dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não) từ nội dung số thay vì từ tương tác thật ngoài đời.
Tạp chí Brain Sciences từng công bố nghiên cứu xác định ba yếu tố nguy hiểm gây “thối não” thật sự là: Thời gian sử dụng màn hình quá mức, nghiện mạng xã hội và quá tải nhận thức. Cả 3 yếu tố này đều hội tụ trong trải nghiệm Brainrot.
Brainrot dù được sinh ra với mục đích giải trí thuần túy, đã trở thành hiện tượng văn hóa số toàn cầu, nơi trí tưởng tượng vô hạn của AI gặp gỡ nhu cầu dopamine của thế hệ trẻ.
Không thể phủ nhận sức hút và tính lan tỏa của vũ trụ “thối não” này. Các chuyên gia cho rằng phụ huynh, giáo viên và người lớn cần có cái nhìn tỉnh táo; thay vì cấm đoán tuyệt đối thì nên đồng hành với trẻ, giải thích, định hướng và kiểm soát thời lượng tiếp cận để biến trải nghiệm số trở thành một phần bổ ích chứ không phải mối nguy hại âm thầm.