Khi doanh số xe điện toàn cầu đang tăng vọt, nghịch lý thay, các mẫu xe điện hạng sang lại đang chật vật để tồn tại. Hàng loạt các thương hiệu cao cấp đều đang gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số trong phân khúc thuần điện, và lý do đằng sau sự thất bại này lại rất dễ hiểu.
Tưởng chừng như sẽ thành công trong phân khúc EV nhờ vào lịch sử phát triển lâu dài, các thương hiệu cao cấp đang gặp khó khăn với những mẫu xe không phát thải.
Ra mắt vào năm 2024, Mercedes-Benz G 580 EQ vốn được xem là cuộc cách mạng đối với thương hiệu khi điện hóa mẫu xe biểu tượng G-Class. Mẫu SUV thuần điện này có thể lội nước lên đến 850 mm, hỗ trợ vượt địa hình với chức năng Offroad Crawl và thậm chí có thể xoay vòng tại chỗ. Nhưng đến nay, doanh số của mẫu xe thuần điện này tại châu Âu chỉ đạt 1.450 xe, kém xa con số 9.700 chiếc của phiên bản động cơ đốt trong rẻ hơn.
Và đây không phải là quả "bom xịt" duy nhất từ các hãng xe có lịch sử phát triển lâu đời. Ferrari thông báo sẽ hoãn ra mắt mẫu xe điện thứ hai ít nhất đến năm 2028 do nhu cầu yếu, mặc dù mẫu EV đầu tiên "Elettrica" của hãng sẽ ra mắt vào năm 2026. Porsche cũng đã cắt giảm kế hoạch điện hóa khi doanh số của các mẫu Macan Electric và Taycan không như kỳ vọng. Tình trạng mất giá của Taycan thậm chí tệ đến mức một số đại lý Porsche được cho là từ chối nhận lại xe cũ của khách vì quá khó bán hoặc lỗ nặng khi đổi xe.
Tưởng chừng việc nhanh chân chiếm lĩnh thị trường từ năm 2018, Audi đã phải "ngậm ngùi" khai tử mẫu xe điện Q8 e-tron (tên gọi trước đây là Audi e-tron) kể từ tháng 2/2025.
Và sau khi đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Audi Brussels ở Bỉ từ tháng 2/2025, Audi cũng đã khai tử dòng Q8 e-tron. Hãng cho biết việc dừng sản xuất là do "sự sụt giảm toàn cầu đối với phân khúc xe điện hạng sang". Nhưng thật kỳ lạ bởi cùng lúc đó, doanh số xe điện toàn cầu lại đang tăng mạnh. Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Giáo sư Peter Wells, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngành Công nghiệp Ôtô tại Đại học Cardiff (Anh), nhận định: "Quá trình chuyển đổi sang xe điện không chỉ đơn giản là gắn một bộ pin vào xe. Những mẫu xe điện hạng sang cần bộ pin rất lớn để có hiệu suất tương đương xe sử dụng động cơ đốt trong – và điều này khiến giá thành đội lên đáng kể".
Mercedes-Benz G 580 EQ có giá quá cao so với phiên bản sử dụng động cơ đốt trong, tuy nhiên bị giới hạn bởi quãng đường di chuyển và cảm giác "giả tạo" bởi tiếng pô... từ hệ thống loa.
Tại Đức, Mercedes-Benz G 580 EQ có giá khởi điểm từ 142.622 Euro, trong khi phiên bản sử dụng động cơ xăng G 500 có giá khởi điểm chỉ 133.578 Euro. Trong khi đó, mẫu Range Rover EV sắp ra mắt trong tháng 9/2025 còn được dự đoán sẽ có giá hơn 180.000 USD. "Trong nhiều năm, những thương hiệu như Porsche, Audi và các hãng khác đã có thể mở rộng sản xuất và dải sản phẩm, trong khi vẫn duy trì được mức giá cao trên thị trường. Nhưng thời kỳ đó đã qua rồi", ông Wells cho biết thêm.
Tờ Handelsblatt dẫn lời một nguồn tin nội bộ cho biết G 580 EQ đã "flop hoàn toàn" kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, phía nhà sản xuất lại đưa ra phản hồi chính thức khá mơ hồ: "Mercedes-Benz đã chuẩn bị cho mọi kịch bản thị trường. Từ nay đến những năm 2030, chúng tôi có thể linh hoạt cung cấp cả hệ truyền động điện thuần túy lẫn động cơ đốt trong công nghệ cao lai điện. Khách hàng sẽ là người quyết định đâu là lựa chọn phù hợp nhất".
Với những ai đam mê xê dịch, Rivian R1S lại là một lựa chọn hợp lý hơn với mức giá chỉ hơn 100.000 USD, mạnh 850 mã lực và có thể di chuyển hơn 660 km cho một chu kỳ sạc.
Dường như khách hàng đang chọn các phiên bản động cơ đốt trong, rẻ hơn và "thật" hơn. Thay vì âm thanh giả lập động cơ từ hệ thống âm thanh, họ có thể sở hữu tiếng "gầm" thật với chi phí ít hơn 9.000 Euro. Và chưa kể bản xăng có phạm vi hoạt động gấp đôi. G 580 EQ chỉ đi được 385 km cho mỗi chu kỳ sạc, thấp hơn rất nhiều so với quãng đường hơn 800 km của phiên bản động cơ đốt trong. Đây là một hạn chế lớn với những ai muốn khám phá những vùng hoang dã, dù thực tế xe điện lại rất phù hợp với off-road nhờ lực kéo tức thì, trọng tâm thấp, bảo trì ít hơn và khả năng kiểm soát tốt hơn.
Tất nhiên, phần lớn khách hàng G-Class, cả bản xăng lẫn điện, đều sống ở thành thị và chỉ dùng xe như một biểu tượng "chất quân đội". Với những ai thực sự đam mê off-road đường dài bằng xe điện, họ có thể tiết kiệm tới 60.000 USD bằng cách chọn Rivian R1S: mẫu SUV cỡ trung mạnh 850 mã lực nhưng có giá chỉ từ 105.000 USD, đi được 660 km cho mỗi lần sạc và có sức kéo tốt hơn nhiều.
Chính sách trợ cấp cho người mua xe điện của EU, thay vì kích cầu người tiêu dùng ủng hộ xe nội địa, lại là cơ hội để xe điện giá rẻ của Trung Quốc thống trị.
"Xe điện hạng sang của các hãng truyền thống không thực sự tuyệt vời như kỳ vọng", ông Wells nhận xét. Và sự xuất hiện của chúng – trong bối cảnh mà ông gọi là "cú sốc Cybertruck" – lại đi kèm với việc các hãng bỏ quên dòng xe cỡ nhỏ, giá hợp lý, vốn có sức hút rộng rãi hơn. Và tại phân khúc này, các hãng xe Trung Quốc đang chiếm ưu thế gần như tại mọi thị trường, trừ Mỹ.
Theo báo cáo mới từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh số xe điện toàn cầu trong năm 2025 dự kiến vượt 20 triệu xe, chiếm hơn 25% tổng số ôtô bán ra. Trong quý I/2025, doanh số EV toàn cầu đã tăng 35% so với cùng kỳ. Theo dự đoán của IEA, thị phần EV sẽ vượt 40% vào năm 2030, chủ yếu nhờ vào những mẫu xe nhỏ, rẻ và dễ tiếp cận hơn.
Không chỉ riêng châu Âu, những mẫu xe điện giá rẻ của Trung Quốc cũng thống trị gần như tất cả các thị trường trên toàn cầu, khi mà gần 40% số lượng sản phẩm xe thuần điện có giá dưới 25.000 USD.
Tại Trung Quốc, gần một nửa số xe bán ra trong năm 2024 là xe thuần điện. Các thị trường mới nổi tại châu Á và Mỹ Latin cũng tăng trưởng nhanh chóng, với doanh số xe điện tại các khu vực này tăng hơn 60% trong năm 2024. Trong khi đó, doanh số EV tại Mỹ chỉ tăng khoảng 10% so với năm trước.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, dù có nhiều bất ổn, xe điện vẫn đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu", ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết. "Doanh số tiếp tục lập kỷ lục mới, tạo ra tác động lớn đến ngành công nghiệp ôtô quốc tế. Trong năm nay, hơn 1/4 số xe bán ra toàn cầu sẽ là xe điện, với đà tăng trưởng tiếp tục mạnh tại các nền kinh tế mới nổi. Đến cuối thập kỷ này, con số này sẽ vượt 40%".
Trước sức ép từ các đối thủ Trung Quốc cùng tình hình thị trường không mấy khả quan, nhiều hãng xe tại châu Âu đang thu hẹp chiến lược và việc phát triển các mẫu xe điện trong tương lai.
Trung Quốc, nơi chiếm hơn 70% sản lượng EV toàn cầu, đã xuất khẩu gần 1,25 triệu xe điện trong năm 2024. Việc châu Âu cắt giảm trợ cấp EV khiến doanh số tại đây bị ảnh hưởng. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), thị phần EV trong EU đã giảm xuống còn 13,6% trong năm 2024, thấp hơn 1% so với năm trước.
Volkswagen và các thương hiệu con như Porsche, Bentley và Lamborghini đang phải đánh giá lại chiến lược EV. Porsche giảm quy mô kế hoạch điện hóa sau khi doanh số Taycan giảm tới 49%. Bentley hoãn ra mắt mẫu EV đầu tiên sang năm sau và lùi thời hạn khai tử động cơ đốt trong đến năm 2035. Lamborghini dời lịch trình ra mắt phiên bản thương mại của siêu xe điện Lanzador ít nhất đến năm 2029.
Trên các sàn thương mại điện tử, chỉ cần vài cú click chuột là người tiêu dùng có thể tìm được ngay các mẫu xe điện cũ có mức giá thấp hơn rất nhiều so với các mẫu xe hoàn toàn mới.
Chờ thêm vài tháng nữa, bạn có thể mua một chiếc G 580 EQ với giá rẻ hơn rất nhiều so với mức niêm yết. Hiện nay, bạn có thể mua một chiếc Porsche Taycan đã qua sử dụng 3 năm với giá chưa đến một nửa so với xe mới. Trên sàn thương mại Auto Trader tại Mỹ, có tới 930 chiếc Taycan đang được rao bán với giá từ 44.000 USD, trong khi xe mới có giá ít nhất là 100.000 USD. Một chiếc Taycan chỉ mới chạy 17.700 km cũng được rao bán với giá 47.000 USD.
Các hãng xe Mỹ và châu Âu, từ lâu đời đến các start-up, có thể mong muốn thị trường EV cao cấp sẽ phát triển rực rỡ, nhưng trong nhiều năm qua, thị trường thực sự đang cần những mẫu EV giá rẻ, dễ tiếp cận. Chiến lược "xe đầu bảng trước, công nghệ dần lan tỏa xuống dòng thấp" của ngành công nghiệp ôtô hiện tại đang trở nên phi thực tế, theo nhận định của ông Dale Harrow – Giám đốc Trung tâm Thiết kế Di chuyển Thông minh tại Trường Nghệ thuật Hoàng gia London.
Không có quá nhiều sự khác biệt về công nghệ nhưng giá lại quá cao, nhiều mẫu xe điện hạng sang đã bị khách hàng quay lưng và bị các đối thủ Trung Quốc bỏ xa về doanh số.
"Tất cả các mẫu xe điện đều gần như sử dụng một công nghệ cơ bản. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng bỏ ra thật nhiều tiền thì bạn sẽ mua được một chiếc xe thuần điện tốt hơn. Hãy nhìn vào các mẫu xe đến từ BYD mà xem."
Thay vào đó, ông Harrow tin rằng các hãng xe cần dứt bỏ sự lệ thuộc vào chiến lược xe cao cấp trước và học theo triết lý của mẫu xe huyền thoại Ford Model T: tập trung vào sản xuất hàng loạt những chiếc xe thuần điện đơn giản, giá rẻ, dễ tiếp cận cho số đông. Và ai đã đi trước trong chiến lược đó? Trung Quốc, nơi có gần 40% số lượng sản phẩm xe thuần điện có giá dưới 25.000 USD.
Có lẽ đã đến lúc các hãng xe sang tại châu Âu cần nhìn lại bài học về mẫu Ford Model T. Với thiết kế đơn giản, giá rẻ và dễ dàng tiếp cận, chiếc xe này đã đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.
Đây mới chính là con đường sẽ thúc đẩy sự phổ biến thực sự của các dòng xe thuần điện, đồng thời hỗ trợ xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp. Bởi chính sự phổ cập của Ford Model T đã khiến hệ thống trạm xăng phát triển mạnh mẽ, và chẳng có lý do gì chúng ta không thể làm điều tương tự cho kỷ nguyên điện hóa.
Việt Hà
Theo Wired