Vì sự phát triển lành mạnh của học sinh, sinh viên Yên Bái

Vì sự phát triển lành mạnh của học sinh, sinh viên Yên Bái
3 ngày trướcBài gốc
Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhà trường sẽ giúp học sinh tránh xa tệ nạ xã hội.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các trường học nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên và học sinh với chủ đề về an toàn giao thông, bạo lực học đường, phòng chống ma túy… Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.
Phòng ngừa tệ nạn ma túy trong trường học, Phòng Công tác Học sinh, sinh viên (HSSV) - Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã chủ động phối hợp với cơ quan công an… tăng cường tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma túy, tư vấn những cách thức để bảo vệ bản thân trước ma túy cho HSSV như: phát tờ rơi với nội dung, hình ảnh phong phú về các loại ma túy phổ biến hiện nay, lồng ghép tuyên truyền về phòng chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về phòng chống ma túy...
Mỗi năm, nhà trường phối hợp tổ chức từ 5 - 7 buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy, mỗi buổi thu hút từ 500 - 600 lượt HSSV tham gia. Đến nay, 100% HSSV tham gia ký cam kết "Nói không với ma túy trong trường học”. Bên cạnh đó, nhà trường còn tích cực vận động HSSV, cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo nhà trường tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy.
Được biết, Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030, Yên Bái đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% và năm 2030 có 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: "TNXH gây ra những hậu quả nặng nề đối với cá nhân, gia đình và xã hội dù xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tệ nạn làm tha hóa nhân cách, suy đồi đạo đức, khiến các em bỏ bê việc học và đánh mất tương lai của chính mình. Phòng chống tệ nạn sẽ giúp chặn đứng không để tệ nạn lan rộng, đồng thời, từng bước xóa bỏ TNXH và xây dựng môi trường sống lành mạnh để các em có thể phát triển một cách thuận lợi…”.
Học sinh được rèn luyện trong môi trường lành mạnh như Chương trình "Học kỳ Quân đội” se góp phần giúp các em phòng tránh các TNXH trong học đường.
TNXH là những hành vi đáng lên án. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNXH ở học sinh và sinh viên, nhưng nguyên nhân chính là do cách giáo dục không phù hợp của gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý xã hội cũng là yếu tố dẫn đến TNXH trong học sinh, sinh viên.
Điều quan trọng nhất, cũng là lý do khiến cho TNXH thường xảy ra ở người trẻ và thanh thiếu niên vì đây là giai đoạn tâm lý có sự thay đổi lớn. Ở độ tuổi này, các em luôn muốn khẳng định mình và chứng minh để mọi người thấy bản thân đã thật sự khôn lớn. Nếu không được định hướng đúng đắn, việc có những suy nghĩ và hành vi sai lệch là không thể tránh khỏi.
Và nếu không tăng cường quản lý, giáo dục, TNXH có thể nhanh chóng xâm nhập học đường, khiến các em khó có thể phát triển năng lực và nhân cách lành mạnh khi nghiện game, Internet, sử dụng rượu, bia, chất gây nghiện, bạo lực học đường, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp…
Để phòng chống hiệu quả TNXH trong học đường cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh, các nhà trường, cần quan tâm đặc biệt tới các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tệ nạn học đường như: gây áp lực về kết quả học tập, thiếu sự quan tâm; không trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sống; tăng cường sự quản lý của nhà trường…
Đồng thời các nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là loại ma túy tổng hợp và các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị lợi dụng pha trộn; tác hại của các loại ma túy "núp bóng” tới các nhà trường, phụ huynh và giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên.
Trẻ trong độ tuổi đến trường chưa hoàn thiện về nhận thức và năng lực còn hạn chế. TNXH có thể làm cản trở quá trình phát triển nhân cách, năng lực và về lâu dài sẽ đánh mất tương lai của các em. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, an toàn trường học; phòng chống tội phạm, TNXH, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh và vì sự phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần của trẻ.
Thành Trung
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/347808/vi-su-phat-trien-lanh-manh-cua-hoc-sinh-sinh-vien-yen-bai.aspx