Hầu hết những người sống sót trong vụ tai nạn ở Kazakhstan đều ngồi phía sau máy bay. Hai người sống sót trên chiếc Jeju Airlines cũng là tiếp viên phục vụ hành khách ở cuối khoang và đã được cứu ra khỏi phần đuôi máy bay, trong khi phần lớn hành khách và phi hành đoàn còn lại không qua khỏi. Điều này cho thấy phần đuôi máy bay thường có tỷ lệ sống sót cao hơn trong các vụ tai nạn hàng không.
Tuy nhiên mỗi vụ tai nạn máy bay đều có những yếu tố riêng biệt. Các yếu tố như tốc độ va chạm, góc va chạm và lực tác động đóng vai trò quan trọng.
Lính cứu hỏa và các thành viên đội cứu hộ làm việc tại Sân bay quốc tế Muan ở Muan, Hàn Quốc vào ngày 29 tháng 12 năm 2024. (Ảnh do AP cấp bản quyền, không phát hành lại)
Trong trường hợp vụ tai nạn ở Kazakhstan, phần sau của máy bay chịu ít tác động trực tiếp hơn, giúp hành khách ngồi ở đó an toàn hơn. Đây không phải là trường hợp duy nhất cho thấy tình trạng này. Nhiều thập kỷ dữ liệu đã chỉ ra rằng ngồi càng xa phía trước máy bay, cơ hội sống sót càng cao.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tiến hành một nghiên cứu lớn về 50 vụ tai nạn từ năm 1969 đến năm 2013, bao gồm các vụ tai nạn của chiếc DC-8 ở Santa Monica và chiếc Boeing 777 của Asiana Airlines ở San Francisco.
Bằng cách phân tích cách bố trí chỗ ngồi và các yếu tố trong các vụ tai nạn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số xu hướng. Tỷ lệ sống sót theo từng phần máy bay:
Hạng nhất/Thương gia: 40%
Phần giữa (gần cánh): 57%
Thân sau (ngay sau cánh): 62%
10 hàng ghế cuối: 70%
Ghế hành lang so với ghế cửa sổ: Trong các máy bay thân hẹp như Airbus A320 hoặc Boeing 737, hành khách ngồi gần lối đi ở phần sau máy bay có tỷ lệ sống sót cao hơn. Trong các máy bay thân rộng, vị trí có tỷ lệ sống sót cao hơn là ở những ghế gần lối thoát hiểm.
Nghiên cứu của chuyên gia hàng không Ed Galea về 105 vụ tai nạn máy bay và phỏng vấn hơn 2.000 người sống sót cũng chỉ ra rằng gần lối thoát hiểm cũng là một yếu tố quan trọng. Càng ngồi gần lối thoát hiểm, khả năng thoát hiểm mà không bị thương sẽ càng cao. Cụ thể, hành khách ngồi trong phạm vi 5 hàng ghế tính từ lối thoát hiểm có khả năng sống sót cao hơn đáng kể.
Nghiên cứu cho thấy càng ngồi ở hàng ghế cuối máy bay càng có nhiều cơ hội sống sót cao hơn khi tai nạn xảy ra. Ảnh minh họa: AI
Dù vậy, không có gì đảm bảo rằng việc ngồi ở một vị trí nhất định sẽ giúp bạn sống sót. Các yếu tố như vị trí va chạm và tốc độ tác động có thể thay đổi kết quả đáng kể. Ví dụ, tai nạn xảy ra trong môi trường nước hoặc với tốc độ cao có thể không để lại cơ hội sống sót, bất kể bạn ngồi ở đâu.
Tuy nhiên du lịch hàng không ngày nay vẫn được coi là cực kỳ an toàn. Theo dữ liệu năm 2023 từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), bạn sẽ phải bay suốt 103.239 năm mới gặp phải một vụ tai nạn máy bay chết người. Mức độ nguy hiểm này giảm tới 97% so với 60 năm trước.
Theo Ed Galea, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra trong những giai đoạn đặc biệt của chuyến bay. Khoảng 80% các vụ tai nạn xảy ra trong 3 phút sau khi cất cánh hoặc 8 phút cuối trước khi hạ cánh. Trong tình huống này, "Quy tắc 90 giây" rất quan trọng: hành khách có tối đa 90 giây để sơ tán sau một vụ tai nạn.
Vậy tại sao nhiều hành khách không thể thoát kịp thời? Có thể do họ hoảng loạn, bị thương hoặc không chú ý đến các hướng dẫn an toàn. Dưới đây là một số việc có thể làm để cải thiện cơ hội sống sót.
Chú ý đến các hướng dẫn an toàn: Biết vị trí lối thoát hiểm gần nhất.
Ăn mặc phù hợp: Tránh mặc quần áo bó sát và chọn giày chắc chắn.
Luôn tỉnh táo: Hạn chế tối đa các yếu tố gây mất tập trung như tai nghe hoặc đồ dùng hỗ trợ giấc ngủ trong khi cất cánh và hạ cánh.
Áp dụng "Quy tắc 5 hàng ghế": Chọn chỗ ngồi càng gần lối thoát hiểm càng tốt.
Tóm lại, dù các số liệu thống kê có thể chỉ ra rằng một số vị trí ngồi có tỷ lệ sống sót cao hơn, điều quan trọng nhất là luôn tuân thủ hướng dẫn an toàn và chuẩn bị tinh thần để hành động nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.
Ngọc Ánh (theo Scienceshot, Time, Wired)