Viện kiểm sát nhân dân trong kỷ nguyên mới

Viện kiểm sát nhân dân trong kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến chủ trì hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Dự Hội thảo khoa học có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, hội thảo khoa học có mục tiêu làm rõ nội hàm và những yêu cầu của Kỷ nguyên mới phát triển đất nước; những vấn đề liên quan đến Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xu hướng phát triển trong kỷ nguyên mới; sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện Kiểm sát nhân dân, những vấn đề về thiết chế kiểm soát quyền lực, chiến lược phát triển nhân lực; việc đổi mới phương pháp công tác kiểm sát ở các lĩnh vực và những chủ trương, định hướng phát triển ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
“Đặc biệt, trước những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra, khi hệ thống chính trị vừa được sắp xếp, tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; việc vận hành Viện Kiểm sát nhân dân 3 cấp thích ứng với mô hình bộ máy hoạt động mới của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là: Tòa án cùng cấp nhưng Cơ quan điều tra (2 cấp, trong đó có hoạt động điều tra của Công an cấp xã), Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân” - Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước giao cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ mới như thí điểm thực hiện tố tụng dân sự công ích... Cùng với đó, những xu hướng cải cách tư pháp trong kỷ nguyên mới cần được nghiên cứu thấu đáo và có đề xuất cụ thể về: Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế tố tụng, bảo đảm hiệu quả hơn, giảm thời gian, chi phí tố tụng, góp phần thúc đẩy mạnh cải cách tư pháp nói chung, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân nói riêng nhằm góp phần phát triển, hội nhập và phục vụ tốt lợi ích của nhân dân, vì nhân dân.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Hồ Đức Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu một số vấn đề lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; về những thành tựu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy và thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân qua 65 năm xây dựng, phát triển và những bài học kinh nghiệm.
Về các nội dung nhằm đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong kỷ nguyên mới, Phó Viện trưởng Hồ Đức Anh nêu lên những vấn đề nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới theo tinh thần nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Trung ương đã đề ra và Viện Kiểm sát nhân dân đang tổ chức nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong quyết định việc truy tố; nghiên cứu xây dựng chế định “thỏa thuận nhận tội” để kịp thời đấu tranh với tình hình tội phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và thủ đoạn; vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong khởi kiện vụ án dân sự; công tác đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong kỷ nguyên mới...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh sự lãnh đạo, những định hướng chính trị của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.
Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh những nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của ngành Kiểm sát trong quá trình công tố, đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất trong các cơ quan tư pháp; đồng thời qua các vụ án, cần rà soát, nghiên cứu các vướng mắc, hạn chế trong các quy định pháp luật, từ đó tham mưu hoàn thiện pháp luật; gắn công tác kiểm sát, công tố với công tác điều tra.
Trong bối cảnh thực hiện sắp xếp bộ máy, mô hình 3 cấp của Viện Kiểm sát cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Trong đó, cấp xã, phường, cấp khu vực là cấp quan trọng, gần dân, sát dân nhất nên phải có phương hướng, chiến lược xây dựng, phát triển phù hợp.
Nguyên Thường trực Ban Bí thư cũng nêu lên yêu cầu chuyển đổi số phải làm quyết liệt, để ngành kiểm sát hoạt động gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trợ lý ảo...
Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, thảo luận về những thành tựu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy và thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân qua 65 năm và rút ra những bài học kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phân tích, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới. Đồng thời, làm rõ xu hướng phát triển và đề xuất các quan điểm, giải pháp tiếp tục đổi mới, tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới…
Xuân Tùng (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/viet-nam-ky-nguyen-moi/vien-kiem-sat-nhan-dan-trong-ky-nguyen-moi-20250708152258286.htm