Việt Nam cần tận dụng sức mạnh cộng hưởng để phát triển thần tốc như Singapore

Việt Nam cần tận dụng sức mạnh cộng hưởng để phát triển thần tốc như Singapore
4 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (VGIC 2025) tổ chức tại Singapore vừa qua, GS.TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu nhấn mạnh: Singapore là minh chứng sống động cho cách tận dụng sự hợp lực để phát triển thần tốc.
Ở quốc đảo sư tử, sức mạnh cộng hưởng hiện diện trong mọi khía cạnh đời sống: từ quy hoạch đô thị tối ưu hóa tiện ích, nâng cao trải nghiệm sống của người dân; đến quản trị hành chính lấy sự thuận tiện làm trung tâm, kết hợp với tính bền vững của không gian xanh, sạch của cây cối. Lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước này cũng không ngoại lệ.
GS.TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) chia sẻ tại VGIC 2025. Ảnh: Ngô Vinh
“Họ không làm mọi thứ biệt lập, mà luôn tìm cách đứng trên vai những người khổng lồ – các tập đoàn công nghệ hàng đầu – để cùng phát triển”, GS Khương nhận định. Đây là bài học lớn cho Việt Nam, đó là cần hợp tác với các doanh nghiệp tầm cỡ để khẳng định vị thế riêng.
Dù diện tích chỉ nhỉnh hơn đảo Phú Quốc, tài nguyên hạn chế và dân số khoảng 6 triệu người, Singapore đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Với cộng đồng đa sắc tộc – hơn 70% gốc Hoa, 20% gốc Malaysia và nhiều cộng đồng khác, trong đó có hơn 10.000 người Việt – quốc gia này biến sự khác biệt thành sức mạnh đoàn kết.
Khi đến Singapore, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy người theo các tôn giáo khác nhau vẫn ngồi chung bàn, trò chuyện thân thiết”, GS Khương chia sẻ.
Singapore tập trung đầu tư vào tri thức, mời gọi chuyên gia hàng đầu thế giới để giải quyết thách thức, bài toán cụ thể của đất nước. Cách tiếp cận đứng trên vai người khổng lồ, cũng đang là xu hướng chung của thế giới công nghệ.
GS Khương dẫn chứng, startup AI DeepSeek chỉ trong thời gian ngắn đã giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách 3-5 năm với Mỹ trong cuộc đua GenAI, chính bằng cách tận dụng những mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu của Mỹ và phương Tây.
“Sẵn sàng chia sẻ sáng kiến, đột phá với các quốc gia khác, đồng thời trọng dụng mọi đóng góp có giá trị, chính là tinh thần của đổi mới sáng tạo đích thực”, ông nhấn mạnh.
Bí quyết phát triển công nghiệp, thu hút nhân tài bán dẫn
Singapore hiện đóng góp hơn 10% sản lượng bán dẫn toàn cầu, 20% thiết bị ngành và 5% năng lực sản xuất tấm wafer, khẳng định vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Trao đổi với VietNamNet tại VGIC 2025, ông Samuel Ang, Giám đốc khu vực ASEAN của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, thành công này đến từ sự cộng hưởng chặt chẽ giữa 3 trụ cột: chính phủ, giáo dục và doanh nghiệp.
Chính phủ Singapore đóng vai trò kiến tạo, ban hành chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn lực bán dẫn qua các sáng kiến như Học bổng Ngành (SgIS) hay chương trình Hỗ trợ Sau Tốt nghiệp (IPP).
Trong giai đoạn 2021-2025, quốc gia này cam kết đầu tư 13,6 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng và ưu đãi thuế để thúc đẩy ngành bán dẫn.
Trong khi đó, các trường đại học và cao đẳng hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực sát thực tế. Sinh viên được tham gia thực tập tại các tập đoàn lớn như GlobalFoundries, Micron hay STMicroelectronics.
Năm 2024, những tên tuổi này cùng Viện Vi điện tử thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu ký biên bản ghi nhớ với Viện Giáo dục Kỹ thuật, mở rộng chương trình thực tập và dự án hợp tác.
“Chúng tôi kết hợp công nghệ tiên tiến nhất với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp”, ông Samuel Ang giải thích.
Ngoài cơ sở hạ tầng và nguồn lực vật chất, Singapore còn chú trọng đến các "thành tố mềm" – những yếu tố vô hình nhưng quyết định sự bền vững của khoa học và công nghệ. Đó là văn hóa cởi mở, tinh thần hợp tác và niềm tin vào giá trị tri thức.
Singapore xây dựng một môi trường khuyến khích sáng tạo, nơi các ý tưởng được tự do chia sẻ. Chính phủ và doanh nghiệp cùng tạo dựng niềm tin cho người lao động, từ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đến đảm bảo phúc lợi cho nhân tài.
“Trong quá khứ, khi thu hút các doanh nghiệp lớn đến với Singapore, chúng tôi không chỉ đưa ra chế độ đãi ngộ cao cho những người lãnh đạo, mà còn là chính sách chăm lo toàn diện cho vợ con, quán xuyến mọi việc gia đình giúp họ. Đây chính là các yếu tố mềm, thường ít được chú ý”. Ông Samuel Ang, Giám đốc ADB khu vực ASEAN
Singapore cũng nuôi dưỡng tư duy toàn cầu trong đội ngũ nhân lực, khuyến khích họ học hỏi từ thế giới nhưng luôn giữ bản sắc riêng. Chính những “thành tố mềm” này đã giúp quốc đảo thu hút và giữ chân các chuyên gia hàng đầu, đồng thời tạo động lực cho sự đổi mới liên tục.
Hiện tại, Singapore sở hữu khoảng 35.000 nhân lực bán dẫn chất lượng cao nhờ sự phối hợp giữa Ban Phát triển Kinh tế (EDB), các trường đại học và Hiệp hội Bán dẫn Singapore (SSIA). Các cơ sở đào tạo thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để cập nhật chương trình giảng dạy, đón đầu xu hướng công nghệ.
Cũng theo đại diện của ADB khu vực ASEAN, Việt Nam có thể học hỏi những mô hình đào tạo nhân lực, thiết lập các trung tâm R&D hay những phòng thí nghiệm trong những trường đại học như Singapore và “địa phương hóa” các kinh nghiệm để phù hợp với thực tế.
Thế Vinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/viet-nam-can-tan-dung-suc-manh-cong-huong-de-tao-ra-gia-tri-rieng-2373847.html