Việt Nam có giống cây chạm vào là ngứa, dân khéo biến hóa thành 'mỏ tiền'

Việt Nam có giống cây chạm vào là ngứa, dân khéo biến hóa thành 'mỏ tiền'
10 giờ trướcBài gốc
Cây “ngứa” và những giá trị không ngờ
Ở nước ta có một loài thực vật toàn thân và lá đều được bao phủ bởi những sợi lông gai nhỏ li ti. Những sợi lông gai này nếu chạm vào da có thể gây dị ứng trên da, dẫn đến tình trạng nóng rát, đỏ, ngứa ngáy và sưng tấy da. Đây chính là cây tầm ma, hay còn được gọi với cái tên dân dã là “cây ngứa”.
Dù nguy hiểm là vậy, song cây tầm ma thực chất cũng có giá trị nhất định. Rễ và lá tầm ma có thể dùng để làm thuốc.
Người ta thường thu hoạch rễ và lá tầm ma vào mùa thu và mùa đông. Rễ sau khi rửa sạch sẽ được cắt bỏ phần non, sau đó để nguyên hoặc thái mỏng rồi đem phơi khô. Rễ có thể dùng khô hoặc tươi.
Phần rễ này có nhiều công dụng cho sức khỏe như cầm máu, thanh nhiệt, giải độc, an thai. Lá tầm ma cũng có tác dụng cầm máu, tán ứ, thường được dùng để chữa chứng nôn khạc, sưng đau hậu môn, tiểu tiện ra máu...
Ngoài ra, hoa, vỏ, thân và cành cây tầm ma cũng có giá trị dược liệu, giúp điều trị nhiều loại bệnh như bệnh sởi, tiểu tiện không thông, ứ nhiệt...
Ở Trung Quốc - nơi cây tầm ma cũng phân bố rộng rãi, người ta còn chế biến tầm ma thành một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe. Người ta sẽ chỉ sử dụng lá tầm ma non mới mọc, chưa có lông gai, chỉ cần luộc chín là có thể ăn được. Lá tầm ma có thể làm thành các món nộm, nấu canh, chiên xào hoặc nấu cháo. Hương vị tươi mát và đặc biệt thơm ngon. Tại xứ Trung, cây tầm ma rất được ưa chuộng trên thị trường với giá bán khoảng 30 NDT (106.000đ)/kg.
Một công dụng khác của cây tầm ma là vỏ cây chứa rất nhiều sợi, rất dai và dễ nhuộm màu nên có thể dùng làm nguyên liệu dệt may và làm giấy. Ngoài ra, vì cây tầm ma có nhiều sợi lông gai nên bạn còn có thể trồng tầm ma làm “hàng rào chống trộm” tự nhiên. Hiện tại, bạn có thể tìm mua tầm ma khô trên các sàn thương mại điện tử với giá bán trên dưới 100.000đ/kg.
Hương Nguyễn (Theo weixin.qq)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/viet-nam-co-giong-cay-cham-vao-la-ngua-dan-kheo-bien-hoa-thanh-mo-tien-204251407132502958.htm