Việt Nam có thể làm chủ công nghệ!
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD được xem là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước, có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Song vấn đề đặt ra, để triển khai thành công siêu dự án này, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có những giải pháp căn cơ để giải hàng loạt bài toán khó.
Đặc biệt, việc lựa chọn công nghệ cho dự án là đặc biệt quan trọng, dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, có thể nâng cấp dễ dàng để tránh tình trạng khi hoàn thành xong thì công nghệ đã lạc hậu.
Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể làm chủ công nghệ?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Ảnh minh họa
Nhằm chung sức, đồng lòng với mục tiêu chung hiện thực hóa giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa ở TP.Hồ Chí Minh từ đường sắt 350km/h, nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ trong ngành đã cùng vào cuộc. Đánh giá về triển vọng khi tham gia dự án, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - cho biết, bên cạnh những cơ hội lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao mang lại sẽ đi kèm với nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật.
Đưa ra giải pháp, ông Huy cho biết, ở khía cạnh công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đã tiến hành các chuyến công tác tại Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu để tham quan, nghiên cứu và mời gọi các đơn vị quốc tế hợp tác. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chủ động tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số, đồng thời hướng tới tham gia sản xuất đầu máy, toa xe nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược của Chính phủ.
“Chúng tôi có thế mạnh về nguồn lực con người, tài chính, đang nghiên cứu tìm hiểu các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ đường sắt để hợp tác, hướng tới nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao” - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Thực tế cho thấy, thiếu và yếu về công nghệ, kỹ thuật đang là rào cản lớn trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. Và nhiều lo ngại đặt ra, tương lai, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài thì không chỉ rủi ro về tiền vốn đội lên, đồng thời, thời gian chưa biết khi nào hoàn thành và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt. Theo đó, việc chuyển giao công nghệ tới nay mới chỉ dừng ở việc đào tạo phục vụ vận hành còn trang thiết bị khai thác vận hành hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước. "Trường hợp phải thay thế phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, rất khó khăn", ông Thường nêu rõ.
Chuyển giao và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao
Bài toán làm chủ công nghệ sẽ là yếu tố then chốt và nhìn từ kinh nghiệm thế giới có thể thấy, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý là những quốc gia phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ đường sắt tốc độ cao. Còn Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều là các nước nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ.
Đơn cử, Trung Quốc không lựa chọn một quốc gia cụ thể nào cung cấp công nghệ mà mua tất cả các công nghệ đường sắt từ nhiều nước như Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada và tự phát triển công nghệ của mình.
Để tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ, Trung Quốc huy động một lực lượng nhân lực khổng lồ lên tới 25 trường đại học, 11 viện nghiên cứu và 51 trung tâm nghiên cứu kỹ thuật (khoảng 68 viện sĩ, 500 giáo sư và hơn 10 nghìn kỹ sư).
Sau đó, Trung Quốc tự phát triển các loại tàu như CR400AF, CRH380. Mặc dù nhập khẩu nhiều loại công nghệ nhưng Trung Quốc định hướng sử dụng đoàn tàu động lực phân tán. Tốc độ khai thác có nhiều dải tốc độ, 200km/h, 250 km/h và 350km/h. Chủ yếu tuyến đường sắt tốc độ cao được đầu tư chạy riêng để khai thác tàu khách.
Từ thực tiễn này cho thấy rõ, các nhà thầu Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có khi tham gia dự án đường sắt tốc độ cao - công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức đang đặt ra, không chỉ cần sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi sự đồng lòng giữa các đơn vị tham gia, cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm năng lực và vị thế của các doanh nghiệp Việt trên bản đồ quốc tế.
Mới đây, tại Phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có quy mô lớn, trải dài từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, tiến độ triển khai rất khẩn trương.
Trong đó xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết các thủ tục, công việc chính phải thực hiện và dự kiến kế hoạch tổng thể để khai thác, vận hành dự án bảo đảm khoa học, toàn diện, đồng bộ, khả thi. Đồng thời phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết để xác định cách thức tiến hành, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai các cơ chế đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải xác định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ, đặt hàng, nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp trong nước có năng lực kinh nghiệm để phối hợp, chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (thi công xây lắp, hệ thống thông tin tín hiệu...). Cơ chế lựa chọn nhà thầu phù hợp (đấu thầu, chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt). Và đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không “đẽo cày giữa đường” khi làm đường sắt tốc độ cao.
Sau khi nhận được sự thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.
Theo phương án được đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Thiên Kim