Là người đang phát triển và tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1994, nickname "Hana Ban Mê) và cũng là TikToker, chia sẻ rằng vào ngày cuối cùng của Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức vào tháng 3, khi các gian hàng khác trong lễ hội hầu như đã dọn dẹp, hoàn tất những khâu cuối cùng khi tham gia lễ hội thì vẫn có một gian hàng của người Trung Quốc thực hiện livestream say sưa giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm cà phê Tây Nguyên nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung.
Nhu cầu tiêu thụ lớn
Nữ TikToker này cho rằng từ điều này cho thấy niềm vui vì và phê Việt có thêm được cơ hội tiêu thụ ra nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Và từ đây cũng chứng tỏ cà phê Việt nhận được sự quan tâm của khách quốc tế.
Nhưng sự việc này cho thấy, người Việt Nam, ngay cả những HTX, doanh nghiệp ở Tây Nguyên cũng chưa thực sự chú trọng và cháy hết mình trong việc quảng bá, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cà phê sang Trung Quốc và các thị trường khác bằng hình thức livestream, thương mại điện tử.
Việt Nam hiện đã có những thương hiệu cà phê nổi tiếng là cà phê Trung Nguyên, Vinacafe… nhưng việc các cửa hàng và thương hiệu cà phê Việt Nam xuất hiện trên đất Trung Quốc rất hiếm. Hiện mới chỉ có Trung Nguyên là đang đầu tư mở các cửa hàng cà phê ở thị trường này một cách bài bản.
Dù rất tiềm năng nhưng cà phê Việt xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu ở dạng thô.
Một doanh nhân người Trung Quốc đang ở Bắc Ninh cho biết, ông thường hay dùng cà phê có thương hiệu Nam Sơn được mua rất khó khăn ở Trung Quốc với khối lượng 454gram với 453 Nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu đồng). Tuy giá cao nhưng ông thấy phù hợp với khẩu vị cá nhân. Còn tại Việt Nam, ông đã tìm mua và thấy rất nhiều thương hiệu cà phê khác nhau nhưng vẫn chưa thực sự quen uống những hãng cà phê này vì khẩu vị cá nhân chưa thấy hợp với cà phê có độ đậm đặc cao.
Vị này cũng cho biết một tách cà phê espresso tại quán cà phê thông thường ở Trung Quốc có thể dao động từ 20-40 Nhân dân tệ (khoảng 70.000 - 140.000 đồng). Các loại cà phê pha chế đặc biệt có thể có giá cao hơn.
Còn tại Việt Nam, giá cà phê phải chăng hơn. Một tách cà phê đen đá hoặc cà phê sữa đá ở quán cà phê vỉa hè có thể có giá từ 15.000 - 30.000 đồng. Ngay cả ở các quán cà phê sang trọng hơn, giá cà phê thường cũng rẻ hơn so với ở Trung Quốc.
Từ điều này có thể thấy, tiềm năng xây dựng, phát triển các cửa hàng cà phê hay đưa những sản phẩm cà phê chế biến sẵn của Việt Nam sang Trung Quốc là rất lớn. Bởi không chỉ có giá cao, mà theo các khảo sát đều cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người Trung Quốc ngày càng tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc tiêu thụ 5 triệu bao cà phê trong niên vụ 2023 - 2024, đưa nước này trở thành quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ 7 thế giới. Và người Trung Quốc đang có nhu cầu uống các thức uống từ cà phê giống như người phương Tây.
Nhưng... cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dù rất tiềm năng nhưng thị trường Trung Quốc cũng không phải là nơi dễ tiến tới đối với các doanh nghiệp, HTX Việt Nam.
Bởi thị trường Trung Quốc có sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu cà phê quốc tế đã có tên tuổi. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam tại Trung Quốc đòi hỏi đầu tư lớn về marketing và quảng bá. Trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng các thương hiệu quốc tế hơn.
Bên cạnh đó, rào cản về pháp lý và thủ tục cũng là một vấn đề. Các quy định về nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm tại Trung Quốc khá phức tạp và thay đổi thường xuyên. Việc xin giấy phép và các thủ tục liên quan có thể tốn nhiều thời gian, chi phí đối với các doanh nghiệp, HTX Việt Nam. Và sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, pháp lý giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là một thách thức.
Vấn đề vận chuyển và phân phối cà phê đến các thành phố lớn ở Trung Quốc đòi hỏi hệ thống logistics hiệu quả để tối ưu chi phí. Nếu không, điều này sẽ khiến chi phí vận chuyển và lưu kho tăng cao, ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm. Đi liền với đó, đảm bảo chất lượng cà phê trong quá trình vận chuyển cũng là một vấn đề quan trọng.
Vị doanh nhân người Trung Quốc đang ở Bắc Ninh cho biết, có lẽ khẩu vị cà phê của người dân hai nước cũng là điểm quan trọng. Ngay bản thân ông thấy một số sản phẩm cà phê được trải nghiệm tại Việt Nam hiện khá nồng. Trong khi người Trung Quốc, nhất là người trẻ thường thích uống cà phê đã được pha chế theo công thức hiện đại.
Do đó, vị doanh nhân này với ý định mở cửa hàng cà phê đang hy vọng có thể tìm được nhà sản xuất cà phê lớn ở Việt Nam để cùng nghiên cứu, bào chế, điều chỉnh công thức, hương vị cà phê sao cho phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.
Trong khi đối với các doanh nghiệp và cả các HTX phát triển mạnh cà phê ở vùng Tây Nguyên hiện nay thường có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự. Việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi nguồn vốn lớn và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đi liền với đó là khả năng cạnh tranh về giá cả với các đối thủ lớn cũng là một thách thức.
Huyền Trang