Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao

Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao
3 giờ trướcBài gốc
Tại hội thảo các chuyên gia quốc tế cho biết, từ năm 1954 Nhật Bản đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường và Luật về giáo dục dinh dưỡng năm 2005. Từ đó đến nay, hầu hết các trường tiểu học và trung học công lập đều có bữa ăn học đường được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng. Chính phủ Nhật Bản công nhận, bữa ăn học đường là một phần chính thống của chương trình giáo dục. Kết quả là đến nay, người Nhật cao thêm 17cm.
Hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ: “Chìa khóa cho việc cải thiện dinh dưỡng, chính là bữa ăn học đường. Kể từ khi giáo dục dinh dưỡng trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển, Chính phủ Nhật đã nhận được sự đồng thuận của người dân, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp thực phẩm có sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các quyết sách đúng đắn về dinh dưỡng, từng bước hình thành chế độ ăn lành mạnh cho người Nhật”.
Chiến lược dinh dưỡng của Nhật Bản là kinh nghiệm quý báu của Việt Nam, khi nước ta đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao. Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế)
Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn ở mức cao, với gần 26% trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi chiếm khoảng 20%, tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm. Thực trạng này đòi hỏi nước ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: “Viện Dinh dưỡng đang thực hiện chiến lược dinh dưỡng theo vòng đời, nghĩa là từ lúc bà mẹ mang thai, phụ nữ cho con bú, đến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tuổi trưởng thành và người già. Trong giai đoạn trẻ em thì có 2 giai đoạn: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, học đường”.
Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về dinh dưỡng học đường
Theo Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2030; Kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, đặc biệt là ở khu vực thành thị, với mục tiêu giữ tỷ lệ này ở mức dưới 19% cho trẻ từ 5-18 tuổi vào năm 2030; Tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.
Văn Hải/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/suc-khoe/viet-nam-dang-dung-thu-15-tu-duoi-len-tren-the-gioi-ve-chieu-cao-post1127997.vov