Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực nhất khu vực Đông Nam Á

Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực nhất khu vực Đông Nam Á
7 ngày trướcBài gốc
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á tháng 4/2025 được Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố sáng nay (9/4). Theo báo cáo của ADB, Việt Nam có thể tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 6,6% trong năm nay và 6.5% trong năm sau. Với điều kiện vĩ mô tương đối ổn định, chỉ số lạm phát cũng được giữ ở mức 4% năm 2025 và 4,2% cho năm 2026.
Báo cáo ADB nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý tương đối thuận lợi, với thành tích tốt trong quý 1 năm nay. Các động lực tăng trưởng kinh tế chính vẫn là phục hồi thương mại và xuất khẩu, cùng với đó là vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt mức cao nhất trong lịch sử. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động điều hành mặt bằng lãi suất với những phương thức phù hợp, không có biến động lớn. Đặc biệt, quá trình cải cách bộ máy nhà nước được kỳ vọng có thể đem lại hiệu quả cao và thúc đẩy tăng trưởng. Những thay đổi này có thể tăng hiệu quả quản trị, thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn.
Việt Nam đã có một năm 2024 rất thành công với kinh tế phát triển vượt bậc.
Ông Shantanu Chakraborty, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam đã có một năm 2024 rất thành công với kinh tế phát triển vượt bậc. Dù cơn bão Yagi tàn phá nhiều khu vực ở phía bắc Việt Nam, nhưng sự phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ đã giúp giảm thiểu những tác động tới tăng trưởng kinh tế. Thương mại phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và FDI tăng mạnh tiếp tục là những động lực chính giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam có thể ứng phó được với những rủi ro và yếu tố bất định có thể xảy đến trong tương lai”.
Để tiếp tục đà tăng trưởng, báo cáo nhận định, Việt Nam cần thận trọng với việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% với các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này. Tuy chưa có số liệu định lượng chính xác, nhưng chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới.
Về điều này, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB Việt Nam, giải thích: “Triển vọng kinh tế đang đối mặt với bất ổn cao, cần thận trọng xét đến rủi ro thuế quan thương mại. Năm 2025-2026 có thể trông chờ vào động lực từ đầu tư FDI. Tuy nhiên yếu tố này về mặt định tính có thể chịu những ảnh hưởng của thuế quan của Mỹ. Phản ứng tự nhiên của các nhà đầu tư là dừng lại chờ đợi, chưa có quyết định gì mới. Bản thân quyết định này sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai giải ngân FDI ở Việt Nam”.
Ngoài yếu tố về thuế, những thách thức khác như bất ổn địa chính trị, xung đột hay các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng là những thách thức Chính phủ Việt Nam cần lưu tâm. Trong bối cảnh đó, báo cáo của ADB nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc tăng cường giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với đó là đảm bảo phúc lợi cho nhóm người dễ bị tổn thương, duy trì việc làm, tăng tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á tháng 4/2025 được Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố sáng nay. Theo báo cáo của ADB, Việt Nam có thể tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 6.6% trong năm nay và 6.5% trong năm sau. Với điều kiện vĩ mô tương đối ổn định, chỉ số lạm phát cũng được giữ ở mức 4% năm 2025 và 4.2% cho năm 2026.
Anh Thư/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-dat-muc-tang-truong-tich-cuc-nhat-khu-vuc-dong-nam-a-post1190718.vov