Trong tổng số khách đến Việt Nam, lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm ưu thế với 14,8 triệu lượt (84,4%), đường bộ đạt 2,5 triệu lượt (14,2%) và đường biển gần 248.000 lượt (1,4%).
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm nông tại Làng rau Trà Quế, Quảng Nam - Ảnh: Tổ quốc
Châu Á tiếp tục là khu vực nguồn khách lớn nhất, chiếm 79,6%, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 4,5 triệu lượt khách (25,98%). Theo sau là Trung Quốc với 3,7 triệu lượt (21,26%). Các thị trường lớn khác bao gồm Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780.000 lượt), Nhật Bản (711.000 lượt) và Ấn Độ (501.000 lượt).
Đáng chú ý, Ấn Độ là thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 501.000 lượt khách trong năm 2024, gấp 2,6 lần so với năm 2022.
Đông Bắc Á là động lực chính cho tăng trưởng, với các thị trường Hàn Quốc (+27,1%), Trung Quốc (+214,4%), Nhật Bản (+20,7%) và Đài Loan (+51,4%) đều tăng trưởng ấn tượng. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia (+74,7%) và Philippines (+73,6%) nổi bật, dù Thái Lan giảm 14,5%.
Châu Âu chứng kiến nhiều thị trường tăng trưởng tích cực nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương. Các quốc gia như Ý (+126%), Đức (+110%), và Tây Ban Nha (+109%) đã vượt mức năm 2019. Tương tự, Mỹ (+105%) và Úc (+128%) cũng ghi nhận mức phục hồi và tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Thành công của du lịch Việt Nam năm 2024 không chỉ đến từ việc phục hồi các thị trường truyền thống mà còn nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường nguồn. Những nỗ lực trong quảng bá du lịch tại các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và Pháp đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ.
Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đổi mới các hoạt động xúc tiến, kết hợp quảng bá trên nền tảng số và giới thiệu du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình toàn cầu CNN.
Với nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đang đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Đây sẽ là động lực để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Vân Anh